Khi nhà tù trở thành nơi trú ẩn cho người già cô đơn tại Nhật Bản

Tại nhà tù nữ Tochigi nằm ở phía bắc Tokyo, không khí yên tĩnh bao trùm lên những hành lang và phòng giam, nơi phần lớn tù nhân là những người cao tuổi.

Những căn phòng và hành lang đầy những bước chân chậm chạp của các tù nhân lớn tuổi, lưng còng và tay đầy nếp nhăn. Họ đi lại chậm rãi, chống gậy hoặc dùng xe tập đi. Đội ngũ nhân viên hỗ trợ họ trong mọi sinh hoạt, từ tắm rửa, ăn uống cho đến uống thuốc.

Dù không phải viện dưỡng lão nhưng nhiều người lớn tuổi coi đây như một nơi nương tựa an toàn, thậm chí sẵn sàng ở lại mãi mãi nếu có thể.

Bà Akiyo, 81 tuổi, đang thụ án tại Tochigi vì tội ăn cắp vặt, cho biết cuộc sống trong tù là ổn định nhất mà bà từng có. "Có rất nhiều người tốt ở đây", bà nói, chia sẻ rằng bên trong nhà tù, bà có bữa ăn đều đặn, dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí và đặc biệt là sự đồng hành, điều mà bà thiếu ở bên ngoài.

Đối với nhiều tù nhân cao tuổi, cuộc sống trong tù không còn là sự trừng phạt mà trở thành sự lựa chọn bất đắc dĩ. Yoko, 51 tuổi, người đã bị bắt 5 lần trong 25 năm qua vì tội liên quan đến ma túy, cho biết nhiều người cố tình phạm tội để được quay lại nhà tù. "Nếu hết tiền, họ sẽ làm điều gì đó xấu chỉ để bị bắt", bà chia sẻ.

 Ảnh minh họa: Unsplash

Ảnh minh họa: Unsplash

Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và tỉ lệ nghèo đói cao trong nhóm người cao tuổi. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khoảng 20% người trên 65 tuổi tại Nhật sống dưới mức nghèo khổ, cao hơn mức trung bình 14,2% của các nước phát triển.

Những khó khăn kinh tế này đã khiến nhiều người phải chọn cách phạm tội, chủ yếu là trộm cắp, để sinh tồn.

Bà Akiyo kể lại, lần đầu bà bị bắt là vào những năm 60 tuổi khi bà ăn cắp thức ăn để sống qua ngày. Lần thứ hai, bà phải ngồi tù vì ăn cắp đồ trong tình cảnh chỉ còn chưa đầy 40 USD để sống trong hai tuần. "Nếu tôi có tài chính ổn định và một cuộc sống thoải mái, chắc chắn tôi đã không làm điều đó", bà nói.

Thêm vào đó, sự cô lập và thiếu hỗ trợ từ gia đình cũng là nguyên nhân lớn. Bà Akiyo chia sẻ rằng con trai bà, người từng sống cùng bà, thường nói: "Con ước gì mẹ biến đi". Những lời cay đắng này đã khiến bà mất đi ý chí sống. "Tôi nghĩ mình không còn ý nghĩa gì nữa. Tôi chỉ muốn chết", bà vừa nói vừa rơi nước mắt.

Số lượng tù nhân trên 65 tuổi tại Nhật Bản đã tăng gấp 4 lần từ năm 2003 đến 2022, buộc các nhà tù phải điều chỉnh cách quản lý. Tại Tochigi, cứ 5 tù nhân thì có một người cao tuổi. Các cai ngục không chỉ làm công việc giám sát mà còn phải chăm sóc toàn diện cho tù nhân lớn tuổi, từ thay tã, giúp tắm rửa đến hỗ trợ đi lại.

Megumi, một nhân viên tại Tochigi, chia sẻ rằng nơi đây giờ giống một viện dưỡng lão hơn là nhà tù. Một số tù nhân trẻ hơn, như Yoko, được đào tạo để chăm sóc các tù nhân già yếu. Yoko đã lấy được bằng cấp điều dưỡng và hiện hỗ trợ các bạn tù lớn tuổi trong việc tắm rửa, thay đồ và di chuyển.

Nhật Bản đã bắt đầu nhận ra quy mô của vấn đề. Bộ Phúc lợi nước này thừa nhận rằng tù nhân lớn tuổi nhận được hỗ trợ tái hòa nhập xã hội có tỷ lệ tái phạm thấp hơn. Do đó các chương trình hỗ trợ như trợ cấp nhà ở và trung tâm hỗ trợ cộng đồng đã được thử nghiệm tại 10 thành phố.

Song, để đối phó với tình trạng này không dễ dàng. Nhật Bản có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới và tỷ lệ sinh thấp nhất, khiến lực lượng lao động giảm mạnh. Dự kiến nước này sẽ cần thêm 2,72 triệu nhân viên chăm sóc vào năm 2040.

Bà Akiyo, người đã mãn hạn tù vào tháng 10, vẫn mang nỗi lo lớn khi đối diện với xã hội. "Tôi vô cùng xấu hổ và sợ hãi khi nghĩ đến việc đối diện con trai", bà nói. Dù hy vọng được tha thứ, bà không chắc liệu con trai có chấp nhận bà hay không.

"Tôi cảm thấy rằng nếu tôi có ý chí mạnh mẽ hơn, tôi đã có thể sống một cuộc đời khác", bà nói, mắt rưng rưng. "Nhưng giờ, tôi đã quá già để thay đổi bất cứ điều gì".

Hoài Phương (theo CNN, JT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khi-nha-tu-tro-thanh-noi-tru-an-cho-nguoi-gia-co-don-tai-nhat-ban-post331101.html
Zalo