Ươm mầm văn chương từ nền giáo dục

Nghe đã rất quen, mà lòng vẫn cứ xốn xang mỗi khi giai điệu ca khúc 'Bài ca người giáo viên nhân dân' của nhạc sĩ Hoàng Vân cất lên, nhất là dịp mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm. Năm nay, giáo viên và học sinh của nhiều trường học còn tổ chức hoạt cảnh hay sáng tác những điệu múa tập thể dựa trên nền của ca khúc này.

Nhạc sĩ Hoàng Vân (tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh 1930, mất 2018) là người Hà Nội, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000. Ông sáng tác ca khúc "Bài ca người giáo viên nhân dân" năm 1968, thời điểm nhạc sĩ Hoàng Vân đi "3 cùng" ở một huyện miền núi Lạng Sơn.

Lễ tuyên dương các nhà giáo tiêu biểu năm 2024 tại Hà Nội.

Lễ tuyên dương các nhà giáo tiêu biểu năm 2024 tại Hà Nội.

Ít ai biết nhạc sĩ Hoàng Vân từng là một nhà giáo, tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội trong giai đoạn ông làm chỉ huy dàn nhạc kiêm chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, từ năm 1970 đến 1989, sau khi được cử đi tu nghiệp tại Học viện Âm nhạc Trung ương, Bắc Kinh, Trung Quốc.

Nhớ hồi cuối năm 2020, nhân dịp Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025), "Kỷ yếu nhà văn Việt Nam hiện đại" được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản. Nhiều người đã thống kê trong kỷ yếu này và thấy những số liệu rất thú vị. Chẳng hạn như trong tổng số 1.623 nhà văn thì có đến 115 nhà nghiên cứu/lý luận/phê bình/dịch thuật và 96 nhà văn, 93 nhà thơ liên quan đến ngành giáo dục, cụ thể là dạy học hay đã hoặc đang làm công tác quản lý giáo dục. Trong số này có cả những người nổi tiếng như nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký - người được mệnh danh "nhà văn viết bằng chân", đã xuất bản 15 tác phẩm thơ, truyện, ký. Hay, nhà văn, nhà giáo Ma Văn Kháng, tính đến 2022 đã công bố 20 tiểu thuyết, chưa tính đến 23 tập truyện ngắn.

Lại có cả trường hợp như nhà văn Meggie Phạm (tên thật là Phạm Phú Uyên Châu), sinh năm 1991, là giảng viên Đại học Khoa học Huế, được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016 và là nhà văn trẻ tuổi nhất lúc đó, sau khi đã có 6 tập truyện dài được xuất bản. Phạm Phú Uyên Châu là con gái một nữ nhà báo và nhà giáo Phạm Phú Phong - giảng viên Đại học Huế và là Ủy viên Hội đồng Lý luận Phê bình Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. Như vậy là cả cha và con đều là nhà giáo và đều "nặng nợ văn chương".

Làm nghề giáo, ai đã trải qua đều rõ về những sự vất vả. Vất vả nhưng nghề giáo luôn được xã hội Việt Nam ta trọng vọng. Cho nên, không có gì phải băn khoăn khi nói rằng giáo dục nói chung, nghề giáo xưa nay đều là nguồn cảm hứng vô tận đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, mà không ít người trong số họ đã hoặc đang công tác trong ngành giáo dục. Cho nên, nhiều người vẫn nói "nhà văn - nhà giáo" và "nhà văn mặc áo lính" là "đặc sản" của văn chương Việt Nam hiện đại.

Vậy thì còn gì tuyệt vời hơn nữa khi có một đội ngũ văn nghệ sĩ là những nhà giáo - những trí thức thực sự. Đấy là tài sản vô giá của văn học nước nhà, vì văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung thời nào cũng vậy, đều sẽ giá trị hơn khi được hàm chứa trong nó những giá trị cao cả của trí tuệ. Và văn học nghệ thuật cũng khó có con đường nào để đưa đến công chúng những giá trị CHÂN - THIÊåN - MỸ nhanh và tiện như khi nó song hành với sự nghiệp giáo dục.

Vấn đề là, trong kho tàng văn học nước nhà hiện vẫn còn ít tác phẩm viết về nhà giáo. Mà viết về nhà giáo thì chính những nhà văn - nhà giáo sẽ có những cảm nhận và cảm xúc hơn hẳn người ngoài cuộc.

Trong lịch sử văn học nước nhà có nhà giáo - nhà văn Nam Cao từng được ghi nhận là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ XX vì có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật vào năm 1996. Nhắc đến Nam Cao không thể không nhắc đến một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là "Sống mòn", viết vào năm 1944, với nhân vật chính của tiểu thuyết là một thầy giáo tên Thứ, từ bỏ cuộc sống làng quê và gia đình để lên Hà thành làm cho một trường tư, mong tương lai tốt đẹp hơn, nhưng sự thật thì "chết mòn chết héo" trong những ngày tháng khổ đau.

Giáo Thứ là một minh họa của nhà văn Nam Cao về thân phận của nhà giáo trong bối cảnh bức bối của xã hội Việt Nam giai đoạn 1930-1945, trước khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập vào ngày 2/9/1945. Nhiều nhà phê bình đoán chắc giáo Thứ là phiên bản đời thực của chính nhà giáo Nam Cao.

Kể từ năm 1945 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với sự phát triển về mọi mặt, ngành giáo dục của nước ta đã có những bước tiến vượt bậc. Những "thầy giáo Thứ" năm nào nay đã là một đội ngũ "vừa hồng vừa chuyên", đảm bảo gánh vác sứ mệnh "trồng người", để đất nước đủ tự tin bước vào kỷ nguyên mới.

Và, công chúng đang chờ đợi để được đón nhận những tác phẩm văn học nghệ thuật mà đội ngũ nhà giáo "vừa hồng vừa chuyên" sẽ là nguyên mẫu.

Lương Duy Cường

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/uom-mam-van-chuong-tu-nen-giao-duc-i750950/
Zalo