Ước vọng gửi gắm vào giáo dục năm 2024
Giáo dục với sứ mệnh vun trồng tri thức, bồi dưỡng năng lực và phẩm chất toàn diện cho người học rất cần những cải cách về cách thức vận hành, cải tiến về kỹ thuật, phương pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh 4 từ khóa giáo dục năm 2024 là: Bản lĩnh - Thực tiễn - Chất lượng - Lan tỏa. Đó cũng là khát vọng của những người cầm phấn ngay ngưỡng cửa đầu tiên của năm mới Giáp Thìn 2024.
Cần những thay đổi mang tính quyết định
Giáo dục nước nhà đang chuyển mình với hàng loạt quyết sách nhằm thổi luồng gió mới vào công cuộc đổi mới toàn diện chương trình và sách giáo khoa. Bên cạnh đó là những cải cách lớn về phương pháp dạy học, phương thức kiểm tra đánh giá, cách xếp loại kết quả học tập…
Như một cỗ xe vận hành lâu ngày cần bảo dưỡng và thay thế phụ tùng, giáo dục nước nhà rất cần những thay đổi mang tính quyết định để đặt người học vào trung tâm của quá trình khám phá và lĩnh hội tri thức, vun bồi năng lực và phẩm chất cần thiết đáp ứng yêu cầu cao trong thời đại công nghệ số, hướng vào mục tiêu "học thật, thi thật, nhân tài thật" như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ.
Thế nhưng, thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế ngành giáo dục bao năm qua, chúng ta không ít lần trăn trở về hiệu quả thật sự của đổi mới, không ít lần chất vấn trước hiệu ứng tích cực của cải cách và không ít lần băn khoăn về tác động đa chiều của vô số cải tiến giáo dục đến học sinh, giáo viên, phụ huynh cùng dư luận xã hội.
Có những quy trình thay đổi xoành xoạch khiến nhà trường và gia đình quay như chong chóng cũng không kịp thích nghi. Chẳng hạn kỳ thi vượt cấp hay đợt thi tốt nghiệp THPT và đại học, cứ vài ba năm lại áp dụng một phương thức tuyển sinh khiến người dạy, người học phải làm quen cái mới, cập nhật điểm mới và bổ sung quy định mới nhưng vẫn luôn canh cánh với câu hỏi "Việc thi cử năm sau, năm sau nữa có thay đổi không?"…
Có những đề án rầm rộ triển khai rồi một thời gian sau lại mất hút bởi mô hình không phù hợp thực tiễn. Sự thất bại của mô hình trường học mới VNEN là một bài học đắt giá!
Có những cải cách cứ loay hoay chẳng dứt ra được cảnh "bình cũ rượu mới", chỉ quanh quẩn ở thay đổi tên gọi. Đơn cử như kỳ thi học sinh giỏi cấp tiểu học gây áp lực lớn lên học sinh, thế là "cởi trói" bằng cách cấm thi học sinh giỏi tiểu học nhưng rồi học sinh lớp 5 cũng tham gia giao lưu đánh giá năng lực môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh…
Đổi mới phải đi vào chiều sâu
Có quá nhiều cái mới buộc giáo viên phải cập nhật liên tục, khởi động liên hồi và "lột xác" mải miết nhưng vẫn đôi lúc cảm giác như mình trật nhịp. Một tiết dạy văn mỗi năm lại phải tích hợp thêm nhiều nội dung mới, nào là giáo dục bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, phòng chống bạo lực…
Có những thay đổi chỉ mang tính hình thức, nặng về lý thuyết khiến giáo viên mệt nhoài bởi sự ghi nhớ máy móc những cái tên. Giáo án buộc phải đổi thành "kế hoạch bài dạy"; phân phối chương trình thay tên là "kế hoạch giáo dục"; sáng kiến cải tiến kỹ thuật thay thế cho "sáng kiến kinh nghiệm"… Trong khi chất lượng của giáo án, tính hợp lý của phân phối chương trình, hiệu quả sử dụng của sáng kiến kinh nghiệm thì bỏ ngỏ…
Năm học 2023 - 2024 được xác định là "Năm học bứt tốc" đổi mới giáo dục nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo. Đó là tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên trong khi số lượng nhà giáo nghỉ việc vẫn tăng. Đội ngũ giáo viên môn âm nhạc, mỹ thuật, tin học, tiếng Anh năm học trước khan hiếm nay đã khắc phục được chưa?
Những chất vấn không dứt về thách thức khi thực hiện giảng dạy các môn tích hợp (khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, giáo dục địa phương). Những khó khăn dồn dập chưa lường hết được khi thực hiện chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa"…
Năm học bứt tốc đổi mới giáo dục phổ thông sẽ tiếp tục những vòng quay hòa nhịp với cỗ xe lớn của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018. Giáo dục với sứ mệnh vun trồng tri thức, bồi dưỡng năng lực và phẩm chất toàn diện cho người học cần lắm những cải cách về cách thức vận hành, cải tiến về kỹ thuật, phương pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Mong rằng bất kỳ quyết sách đổi mới giáo dục nào cũng cần đi vào chiều sâu. Tập trung cởi trói áp lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm cống hiến với nghề, quyết liệt tháo gỡ khó khăn về nhân lực ở những môn tích hợp và bàn bạc thống nhất về chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" là yêu cầu cấp thiết.
Phương pháp dạy học lắm lúc rối tinh bởi nhiều lúc giáo viên chưa kịp tường tận và thông thạo cái mới này thì yêu cầu mới toanh khác đã chực chờ vào tranh chỗ…