Ước vọng của người Việt lánh nạn vì chiến sự Ukraine
'Bố ơi, bao giờ được trở về nhà?' - câu hỏi của cậu con trai 10 tuổi khiến anh Ngô Văn Hải, người Việt tại Lviv, Ukraine đang sơ tán tại Đức nghẹn lại.
Chiến sự chấm dứt, được trở về ngôi nhà thân yêu là điều anh Hải và nhiều người Việt tại Ukraine mong mỏi từng ngày, sau 3 năm di tản.
Ác mộng chia ly, kẻ đi người ở
Với anh Ngô Văn Hải (SN 1967, Ủy viên Ủy ban Trung ương người Việt tại toàn châu Âu), tháng 4/2025 đánh dấu 3 năm anh cùng cả gia đình 4 người di tản từ miền Tây Ukraine sang Đức. Thời điểm đó, anh và gia đình ra đi cuối cùng sau khi hỗ trợ các đoàn người Việt từ các tỉnh khác của Ukraine lánh nạn.

Anh Hồ Sỹ Trúc quyết định đi khỏi Ukraine khoảng cuối tháng 2/2022.
Đến nay sau 3 năm, anh vẫn không quên cảm giác kinh hoàng ngày bom rơi đạn nổ và còi hú vang, cảnh mọi người chạy nạn từ khu vực miền Đông sang ở nhờ và cảnh người Việt rơi nước mắt tạm biệt nhau để sang đất nước khác.
"Khi gia đình ra đi, con trai út mới 7 tuổi, còn quá nhỏ nên tôi vẫn giấu con, chỉ nói chuyển sang chỗ ở khác. Đến giờ con vẫn hỏi sao mình phải chuyển đi hả bố?", anh Hải chia sẻ.
Việc anh không dám nói với con út về chiến sự là có lý do. Bởi thực tế không ít trẻ nhỏ, thanh thiếu niên người Việt tại Ukraine đã bị khủng hoảng tâm lý, thậm chí trầm cảm vì chiến sự.
Con gái anh Hồ Sỹ Trúc, một người Việt tại thủ đô Kiev là ví dụ. Thời điểm gia đình quyết định ra đi là khoảng cuối tháng 2/2022 sau một trận tấn công mạnh và dồn dập vào thủ đô Kiev.
Anh Trúc (SN 1965) vẫn nhớ như in lúc đó tiếng bom đạn động trời, anh không di tản xuống hầm mà ngồi ở nhà trên tầng 11, bàng hoàng và không thể tin đây là sự thật: "Ở tuổi 57, tôi không thể nghĩ sau hàng chục năm lại một lần nữa phải chứng kiến chiến sự".
Sau trận giao tranh dữ dội đó, anh quyết định đưa cả nhà đi lánh nạn, trải qua bao vất vả mới đến được Đức. Bất ngờ vì cuộc sống đảo lộn, cô con gái 17 tuổi của anh rơi vào khủng hoảng tâm lý, thu mình một góc, không muốn nói chuyện, giao lưu. Theo anh Trúc, đây là tình cảnh chung của rất nhiều trẻ em, thiếu niên khi mới đi lánh nạn. Thậm chí, có những em không thể thích nghi đã xin bố mẹ quay trở về Ukraine bất chấp chiến sự.
Còn với gia đình chị Đỗ Thị Hoa Lý (SN 1969) tại ngoại ô Kiev, chiến sự đã khiến cả gia đình phải ly tán, mỗi người một nước. Chị cùng chồng lánh nạn sang Đức, còn gia đình con gái tiếp tục bám trụ tại Ukraine.
Cuộc sống giữa chiến sự
Để lại nhà cửa, tài sản tích cóp bao năm để ra đi, cả anh Hải, anh Trúc và chị Lý đều nơm nớp nỗi lo một ngày nào đó bom đạn có thể phá tan ngôi nhà bao năm tích cóp, vun vén dựng xây.

Chị Đỗ Thị Hoa Lý luôn ước mong được trở về bên ngôi nhà và vườn hoa thân thương.
Con gái chị Hoa Lý hiện đã chuyển từ nhà cũ, nơi thường xuyên xảy ra giao tranh về nhà mẹ ở ngoại ô Kiev, phần vì nơi đây ít bị tấn công hơn, phần khác là để trông nom nhà cửa.
Qua lời kể của con, chị Hoa Lý cho biết, ngôi nhà may mắn vẫn nguyên vẹn, chỉ có điều cuộc sống khó khăn hơn. Giá thực phẩm, xăng/dầu cùng nhiều mặt hàng khác leo thang. Điện thường xuyên bị cắt và người dân cũng hạn chế ra ngoài. Như con gái chị có việc để làm tại nhà nên chỉ ra ngoài khi rút tiền, mua lương thực, thực phẩm.
Khi có tiếng còi báo động, cả nhà lại vội vàng chạy xuống hầm để trú ẩn. Mỗi người sẽ dự trữ thức ăn, thuốc thang cùng một số vật dụng tại hầm để đề phòng trường hợp xấu.
Còn theo anh Hải, cộng đồng người Việt tại Ukraine trước chiến sự có gần 8.000 người, chủ yếu tập trung ở các thành phố như Odessa, Kharkiv, Kiev.
Tuy nhiên, sau khi chiến sự nổ ra, ngoài một số quay về Việt Nam, đa số người Việt di tản sang châu Âu. Số người ở lại được cho là chỉ còn vài trăm, chủ yếu tập trung ở Odessa và các thành phố miền tây, xa vùng tiền tuyến.
"Rất may, tài sản của người Việt tại Ukraine không bị mất mát nhưng nguồn thu nhập, tài chính bị ảnh hưởng nặng nề", anh Hải thông tin.
Hòa nhập với cuộc sống mới
Với các gia đình Việt đi lánh nạn, vì có giấy tờ đầy đủ nên đều được hỗ trợ nhà ở và chi phí sinh hoạt cũng như được tham gia các lớp học tiếng Đức, văn hóa Đức, dần thích nghi dần với môi trường mới.

Một lớp học tiếng Đức cho người lánh nạn.
Hiện tại, gia đình anh Hải được chính phủ Đức hỗ trợ một căn nhà 3 phòng tại bang Mecklenburg, được viện trợ tiền học và tiền sinh hoạt khoảng 4.000 euro/tháng.
Hai con trai của anh Hải dần hòa nhập với cuộc sống địa phương, thậm chí con lớn 17 tuổi đã đậu vào trường chuyên của khu vực, theo học hoàn toàn bằng tiếng Đức như người bản địa.
Với chị Hoa Lý, hai vợ chồng chị được chính phủ hỗ trợ ở 1 căn nhà xã hội 3 phòng cùng 3 người khác tại ngoại ô thành phố Dortmund và một số chi phí sinh hoạt cơ bản.
Ở tuổi 56, người phụ nữ từng là giáo viên dạy tiếng Việt ở Ukraine lại phải tiếp tục học một ngôn ngữ mới là tiếng Đức để có thể hòa nhập với cộng đồng.
Vì chồng đến tuổi nghỉ hưu nên còn một mình chị đi làm, kiếm thêm thu nhập. Hằng ngày, chị vừa đi làm tại cửa hàng sushi cách nhà khoảng 40 phút di chuyển, vừa tranh thủ học các lớp hòa nhập theo yêu cầu của chính phủ Đức.
Còn với anh Trúc, vốn là Phó chủ tịch Hội Người Việt tại Kiev, hằng ngày, sau khi kết thúc các lớp học tiếng Đức, anh lại trở về bên chiếc máy tính cập nhật tin tức ở cả Ukraine và Việt Nam cho cộng đồng người Việt qua các trang web và mạng xã hội của cộng đồng.
Dù trong tình cảnh ly tán, anh Hải, anh Trúc và hội người Việt ở Ukraine vẫn duy trì liên lạc để nắm bắt tình hình bà con ở lại.
Bản thân anh Hải khi ở Đức cũng tích cực tham gia các hoạt động của Hội người Việt tại địa phương. Với sự tham vấn của anh Hải, tới đây, hội người Việt tại bang Mecklenburg sẽ lần đầu tiên tổ chức sự kiện nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4).
Nhớ cháu, nhớ gia đình, nhớ căn nhà nhỏ trồng đầy hoa ở Ukraine, chị Hoa Lý mong chờ ngày hòa bình lập lại, chờ ngày được trở về với lớp học tiếng Việt thân thương.
Còn anh Hải chỉ mong một ngày sớm nhất hòa bình sẽ đến với Ukraine để cả gia đình được trở về, không còn phải lảng tránh mỗi khi con trai hỏi "Bao giờ mình được về nhà?".
Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đến nay đã kéo dài 3 năm gây ra không ít hậu quả nặng nề cho cả Nga và Ukraine. Nga chính thức tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine từ ngày 24/2/2022.
Cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, đã làm thay đổi cả hai quốc gia nói riêng và bối cảnh toàn cầu nói chung.