Ước hẹn sau ngày giải phóng

Đến đất mũi Cà Mau, tình cờ tôi gặp Thiếu tướng Lê Huy Mai, nguyên Phó chánh thanh tra Bộ Quốc phòng và vợ ông là bà Nguyễn Thị Bình.

Vợ chồng ông đang có chuyến du lịch nơi đây. Thiếu tướng Lê Huy Mai vui vẻ cho biết: “Cách đây 50 năm, trong bức thư gửi về hậu phương từ chiến trường sục sôi của những ngày tháng Tư lịch sử, tôi đã hứa với vợ, ngày Sài Gòn và miền Nam giải phóng, tôi sẽ đưa cô ấy đi thăm những nơi đẹp nhất trên mảnh đất miền Nam”.

Thiếu tướng Lê Huy Mai sinh năm 1946, quê ở làng Hoành Nha (Giao Thủy, Nam Định). Ông tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 1964 và tham gia nhiều chiến dịch với những chiến công vang dội. Tiêu biểu như năm 1967, ông đã dũng cảm điều tra, nghiên cứu, hiến kế phương án tác chiến vây lấn, tiến công cứ điểm Cồn Tiên-một chiến lũy thép vững chắc trên tuyến hàng rào điện tử McNamara của Mỹ ở Nam sông Bến Hải; vào tháng Giêng năm Mậu Thân 1968, ông đã chỉ huy 3 cán bộ, chiến sĩ đập tan nhiều cuộc tiến công của địch, bảo vệ hơn 50 thương binh ở làng An Hưng (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị)...

 Thiếu tướng Lê Huy Mai và vợ trong chuyến thăm đất mũi Cà Mau, tháng 5-2024.

Thiếu tướng Lê Huy Mai và vợ trong chuyến thăm đất mũi Cà Mau, tháng 5-2024.

Gặp nhau giữa đất trời phương Nam Tổ quốc, với tình thân lâu ngày, ông Mai kể: "Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tôi đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Trinh sát-Đặc công Sư đoàn 324, Quân đoàn 2. Những ngày đầu tháng 3-1975, theo mệnh lệnh của trên, Sư đoàn 324 đã tham gia, mở nhiều đợt tiến công và giải phóng Huế (25-3-1975).

Sáng 27-3, Sư đoàn nhận lệnh khẩn trương tiến vào Đà Nẵng. Tôi nhớ, vào 17 giờ ngày 28-3, đồng chí Phùng Ngọc Bảo, Trưởng phòng Quân báo Quân đoàn 2 thông báo cho tôi một tin quan trọng: Ta vừa mới nhận được cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Trung tướng Ngô Quang Trưởng với nội dung: Việt Cộng muốn tiến công Đà Nẵng phải cần một lực lượng tương đương 4 quân đoàn, mà muốn cơ động được từng ấy lực lượng đến Đà Nẵng phải mất ít nhất 20 ngày.

Tôi lập tức báo cáo tin trên với đồng chí Nguyễn Duy Sơn, Tư lệnh Sư đoàn và đồng chí Nguyễn Trọng Dần, Chính ủy Sư đoàn. Đồng chí Nguyễn Trọng Dần vui mừng nói: Ngô Quang Trưởng đã đến ngày tận số rồi!".

Ngày 29-3-1975, TP Đà Nẵng được giải phóng. 9 giờ cùng ngày, ông Mai được giao nhiệm vụ chỉ huy một bộ phận trinh sát bảo vệ một số cán bộ cấp cao của ta cùng Bộ tư lệnh Sư đoàn 324 tiến vào Đà Nẵng. Ông kể: “Thời gian ở Đà Nẵng, chúng tôi liên tục nhận được tin chiến thắng báo về. Hơn 10 năm quân ngũ, tôi chưa từng thấy chiến thắng nào của ta lại to lớn, lại nhanh đến thế và bước phát triển của các chiến dịch đánh địch lại nhảy vọt như lúc bấy giờ; niềm vui “chờ đón thời cơ” giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến. Trước dự cảm về ngày đại thắng, non sông thu về một mối, tôi tranh thủ viết thư gửi cho vợ. Lá thư đề ngày 18-4-1975, tôi viết: Ngày 25-3, anh đã có mặt ở Huế...

Ngày 29-3, anh có mặt ở TP Đà Nẵng... Nhân dân đón tiếp các anh chẳng khác gì những người thân đi lâu ngày mới về... Bọn lính ngụy thì ngược lại, thấy các anh, mặt chúng tái mét, chân tay run lật bật, lần lượt ra hàng... Một ngày gần đây, chắc rằng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam sẽ được giải phóng. Ngày đó, anh sẽ về và nếu có điều kiện, anh sẽ đưa em đi thăm những nơi đẹp nhất trên mảnh đất miền Nam mà anh đã đặt chân tới...”.

Sau ngày giải phóng, Thiếu tướng Lê Huy Mai trải qua nhiều cương vị công tác. Các con nay đã lớn khôn và ông được về nghỉ theo chế độ, hành trình ước hẹn-đưa vợ đi thăm không chỉ những nơi đẹp nhất trên mảnh đất miền Nam mà còn thăm mọi miền Tổ quốc của ông đã thành hiện thực.

Bài và ảnh: NGỌC GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/uoc-hen-sau-ngay-giai-phong-826112
Zalo