Ứng xử mới với lòng đường, vỉa hè

Đề án mới với nội dung khai thác giá trị của lòng đường, vỉa hè tại TP HCM được chờ đợi mang lại nhiều kết quả trong quản lý cũng như mỹ quan đô thị

Tại TP HCM nhiều tháng nay, việc thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè trên một số tuyến đường tạo tâm lý thoải mái cho người dân, nhất là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Để tránh cảnh tranh chấp không đáng có, họ sẵn sàng nộp tiền để kinh doanh hợp pháp.

Mỹ quan, trật tự

Trên đoạn đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, vỉa hè trở nên nhộn nhịp hơn từ khi được tổ chức thu phí với nhiều quán ăn, cà phê, tiệm bánh mì ngay hàng thẳng lối và đông khách.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Kim Liên cho biết gia đình bà đăng ký một phần vỉa hè để kinh doanh. Theo bà Liên, việc thu phí giúp bà và những nhà dân buôn bán gần đó thoải mái, không còn lo bị "đuổi" hay phải thu dọn bất ngờ.

Đoạn đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1 với nhiều hàng quán ngay thẳng, ngăn nắp .Ảnh: NGỌC QUÝ

Đoạn đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1 với nhiều hàng quán ngay thẳng, ngăn nắp .Ảnh: NGỌC QUÝ

Cách đó không xa, tại đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, ông Phạm Văn Trung cho hay việc thuê vỉa hè phục vụ các hoạt động của nhà hàng mà ông làm chủ giúp giải quyết nhiều vấn đề. "Trước đây, khách phải gửi xe ở bãi xa, vừa mất thời gian vừa tốn kém. Sau đó, tôi thuê một phần vỉa hè để giữ xe cho khách, thuận tiện hơn rất nhiều" - ông Trung nhận xét.

Không chỉ quận 1, quận 10 cũng là nơi triển khai mô hình này, trong đó đường Ngô Gia Tự ở phường 4 là tuyến đường kiểu mẫu về văn minh đô thị.

Chị Nguyễn Thị Sinh, chủ tiệm nội thất, cho rằng thuê vỉa hè giúp việc làm ăn tốt hơn. "Tiệm nhỏ mà hàng nội thất thì cồng kềnh. Nhờ đăng ký sử dụng 4m² vỉa hè với giá 100.000 đồng/m², tôi có thêm không gian để trưng bày sản phẩm" - nữ chủ tiệm cho hay.

Thuận lợi đan xen khó khăn

Báo cáo của Sở Giao thông công chánh (GTCC) TP HCM cho thấy sau 1 năm triển khai quản lý, thu phí hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, số tiền thu được khoảng 7 tỉ đồng.

Trong đó, số phí thu tại Sở GTCC khoảng 2,5 tỉ đồng, gồm thu từ hoạt động văn hóa, bố trí công trình tiện ích phục vụ giao thông công cộng là trạm xe đạp, trung chuyển rác thải sinh hoạt. Số phí thu được của các quận 1, 3, 4, 8, 10 và 12 là 4,5 tỉ đồng, gồm hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng công trình.

Nhiều hộ kinh doanh cho biết từ khi đăng ký sử dụng tạm vỉa hè, họ không còn lo phải thu dọn bất ngờ khiến khách phiền lòng

Nhiều hộ kinh doanh cho biết từ khi đăng ký sử dụng tạm vỉa hè, họ không còn lo phải thu dọn bất ngờ khiến khách phiền lòng

Sở GTCC TP HCM nhận xét việc tổ chức triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố qua thời gian nhận được sự đồng thuận. Tâm lý người dân ổn định khi sử dụng tạm thời vỉa hè để kinh doanh, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, dù có bước chuyển biến tốt nhưng tình hình trật tự, mỹ quan đô thị một số khu vực vẫn tồn tại khó khăn. Ở nhiều nơi, vỉa hè vẫn còn bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, không có phương án bảo đảm lối đi cho người đi bộ… Ngoài ra, mức xử phạt vi phạm hành chính về vỉa hè chưa đủ sức răn đe.

Thay đổi để phù hợp

Mới đây, UBND TP HCM giao Sở GTCC chủ trì, phối hợp cùng Sở Tư pháp tham mưu để thành phố bãi bỏ Quyết định 32/2023 trong tháng 4-2025.

Theo đại diện Sở GTCC TP HCM, Quyết định 32/2023 quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố và Nghị quyết 15/2023 của HĐND TP HCM về mức phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố có hiệu lực từ 1-1-2024 được ban hành trước khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 165/2024 có hiệu lực.

Khi có hiệu lực từ đầu năm nay, Luật Trật tự, an toàn giao thông và Nghị định 165 quy định cụ thể các trường hợp sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác, không phân cấp cho UBND cấp tỉnh ban hành quy định riêng hoặc ban hành quy định cho các trường hợp đặc biệt…

Do đó, việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác trên địa bàn TP HCM có thể triển khai ngay theo Nghị định 165 và cần bãi bỏ Quyết định 32.

Ngoài ra, khi bãi bỏ Quyết định 32, cần điều chỉnh Nghị quyết số 15 của HĐND TP HCM để phù hợp với Nghị định 165 và tình hình thực tế của thành phố.

Đại diện Sở GTCC cho rằng bên cạnh việc bãi bỏ Quyết định 32, một số hoạt động sử dụng vỉa hè không được quy định tại Nghị định 165 nhưng phù hợp với thực tiễn của TP HCM có thể xem xét triển khai, thông qua việc xây dựng đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (lòng đường, vỉa hè) theo Nghị định 44/2023 về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Các hoạt động này là sử dụng vỉa hè để tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; đặt công trình tạm, công trình tiện ích phục vụ giao thông công cộng…

Khi xây dựng đề án nêu trên, cần một đơn vị có khả năng phối hợp với các tổ chức, chuyên gia; có thể thu thập dữ liệu, điều tra xã hội học, lấy ý kiến phản biện... Sở GTCC đã kiến nghị giao Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM xây dựng đề án này.

Các hoạt động được và không được phép

Khi thực hiện Nghị định 165, một số hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè theo Quyết định 32 sẽ được phép hoặc không. Theo đó, không được phép kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa trên vỉa hè; không được bố trí công trình tạm, công trình tiện ích phục vụ giao thông công cộng trên vỉa hè; không bố trí đường dành riêng cho xe đạp trên vỉa hè.

Các hành vi sử dụng vỉa hè được phép gồm: xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ; tổ chức tang lễ, đám cưới, hoạt động văn hóa, thể thao; trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng; trông giữ xe có thu tiền dịch vụ; trung chuyển rác thải sinh hoạt…

Chờ hướng dẫn

Đại diện UBND quận 1 thông tin giai đoạn giao thời trong việc thực hiện Nghị định 165 và Quyết định 32, việc thu phí một phần vỉa hè trên địa bàn vẫn triển khai, hạn chế ảnh hưởng đến tình hình trật tự mỹ quan đô thị. Khi có hướng dẫn và quyết định mới của thành phố, quận sẽ thực hiện ngay.

Tại quận 10, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận thông tin vẫn tiến hành công việc này và sẽ có điều chỉnh cho phù hợp với Nghị định 165. Riêng cá nhân, hộ kinh doanh sử dụng vỉa hè để kinh doanh, mua bán hàng hóa, quận sẽ rà soát lại và thực hiện khi có hướng dẫn từ thành phố.

THU HỒNG - NGỌC QUÝ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ung-xu-moi-voi-long-duong-via-he-196250327212358646.htm
Zalo