Ứng xử đẹp khi yêu

Dù chưa thể tạo doanh thu ấn tượng nhưng 'Ngày xưa có một chuyện tình' đủ sức gợi mở cách ứng xử đẹp khi yêu.

Vinh (Avin Lu) rung động trước Miền (Ngọc Xuân)… Ảnh: Bình Thanh

Vinh (Avin Lu) rung động trước Miền (Ngọc Xuân)… Ảnh: Bình Thanh

Dù chưa thể tạo doanh thu ấn tượng nhưng “Ngày xưa có một chuyện tình” đủ sức gợi mở cách ứng xử đẹp khi yêu giống như “liều thuốc bổ” dành cho cuộc sống hôm nay, nhất là với người trẻ.

Tình tay ba – câu chuyện được khai thác thường xuyên trên màn ảnh và luôn có sức cuốn hút. Những “mẫu” giải quyết cho vấn đề của xã hội ấy được nhiều bộ phim khai thác thường là sự đối đầu gay gắt, thậm chí một mất, một còn giữa các tình địch dù trước đó họ có một tình bạn thân thiết đến đâu.

Có thể nói, việc tác giả, đạo diễn, nhà sản xuất chọn góc độ này để khai thác là khôn ngoan khi vừa phù hợp với logic tâm lý thường thấy vừa đem đến những tò mò, hấp dẫn, dễ mang lại doanh thu phòng vé.

Vậy nhưng, “Ngày xưa có một chuyện tình” của Trịnh Đình Lê Minh lại có hướng giải quyết cho vấn đề muôn thuở ấy không thuận theo motif quen thuộc đó. Tình tay ba được tái hiện ở đây bám sát theo truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh, cũng giăng mắc bởi những sợi dây tình ái tuổi học trò cùng lớp, cùng làng, tạo không ít phức tạp, khó xử: Vinh yêu Miền nhưng Miền yêu Phúc, Phúc là bạn thân của Vinh ban đầu vun vén cho bạn nhưng sau đáp lại tình cảm với Miền.

Song, không có hận thù, ghen tuông đến mức “một mất một còn” như thường thấy mà tất cả chỉ là sóng lòng, là cuộc đấu tranh nội tâm của từng nhân vật. Từ đó bật ra những cách ứng xử với tình yêu có thể đem đến cho khán giả thời nay cảm giác khá… “cải lương” và hồ nghi rằng làm gì có trong đời thực, nhất là với nhân vật Vinh.

Liệu bây giờ có còn gã trai nào yêu sắt son như Vinh còm (lúc nhỏ) và thầy giáo Vinh (sau này)? Với đứa con gái học cùng lớp có ông bố hay say xỉn rồi “nói chuyện” với con bằng đòn vọt và có đứa anh trai bỏ học, lông bông, quậy phá nên ai cũng xa lánh, Vinh lại lựa chọn luôn ở bên bầu bạn, an ủi. Thậm chí, dù bị anh Miền đánh oan nhiều lần song cậu bé này vẫn không từ bỏ người bạn gái nhỏ ấy.

 …nhưng trái tim Miền lại hướng về Phúc (Đỗ Nhật Hoàng). Ảnh: Bình Thanh

…nhưng trái tim Miền lại hướng về Phúc (Đỗ Nhật Hoàng). Ảnh: Bình Thanh

Rồi khi trái tim rung động, tình đầu chớm nở nhưng bởi nhát gan nên Vinh chẳng thể bày tỏ, chỉ có thể nhờ cậu bạn thân – Phúc luôn nhiệt tình cổ vũ thậm chí còn tình nguyện làm “quân xanh” bắc nhịp cầu. Nhưng tiếc thay, trái tim Miền không hướng về phía Vinh mà lại nồng nàn với Phúc.

Cộng hưởng vào đó là anh chàng Phúc dù trước đó không ngừng “đẩy thuyền” cho bạn nhưng khi được đón cơn gió tình yêu ngọt ngào thì tình đầu trong anh cũng thức dậy, đáp lại. Bởi thế, chuyện gì đến ắt phải đến.

Phát hiện, thất vọng, buồn khổ, cô đơn - mọi cung bậc cảm xúc trong trái tim lần đầu biết yêu giờ Vinh phải nếm trải đủ cả. Mắc kẹt ở đây, Vinh ứng xử thế nào đây? Buồn về mình? Thất vọng về bạn? Quyết liệt đấu tranh?

Chưa dừng ở đó. Thêm thử thách nữa đối với trái tim yêu Miền không biết mệt mỏi đằng đẵng tháng năm của Vinh – Miền có con với Phúc – bé Su. Liệu tình yêu của Vinh có đủ lớn để dang tay chào đón tất cả?

Nối sau Vinh là Miền và Phúc. Nếu ban đầu họ yêu và hiến dâng theo tiếng gọi của con tim thì sau cùng họ không thể đứng ngoài thử thách. Đó là cái kết của chuyện tình chẳng hề êm ả khi bỗng đâu Phúc trở về phát hiện sự thật để mà bừng dậy những khát khao năm xưa. Thử thách này đặt ra cho họ những lựa chọn chẳng hề dễ dàng. Họ sẵn sàng tạo nên bão giông khi vẫn còn đó ảo mộng hay sau những xao động thì bình tâm lắng lại để đối diện?

Những cảnh quay nơi thôn quê bình yên, nơi trường học rộn tiếng cười được trải ra trong suốt bộ phim thật sự làm dịu mát tâm hồn xô bồ, chật chội hoặc thêm một lần gợi về ký ức năm xưa luôn được ai đó nâng niu.

Và ở đó có một chuyện tình tay ba dù chứa chất đầy bâng khuâng, tiếc nuối của không ít “giá như” nhưng lại đẹp biết nhường nào. Vẻ đẹp này được dựng xây từ lựa chọn có cả sai lầm lẫn đúng đắn của những con người trẻ tuổi như Phúc, Miền, Vinh; từ cách ứng xử đầy thiện lương cùng niềm tin về kết quả cuối cùng.

Nó rất cần được kể thêm một lần nữa bằng ngôn ngữ điện ảnh để cùng trang truyện lan tỏa tới cuộc sống hôm nay những cảm xúc về tình bạn, tình yêu sẽ luôn ấm áp, ngọt ngào khi ta biết yêu hết mình nhưng đừng quên day dứt cùng những lặng thầm kìm nén bản năng. Hẳn có khán giả cảm thấy mình được chữa lành từ bộ phim và tìm thấy cho mình cách yêu đẹp thời nay?

Sau hơn tháng ra rạp, “Ngày xưa có một chuyện tình” vẫn bền bỉ bám trụ một số rạp và đạt doanh thu hơn 40 tỷ đồng. So với bộ ba phim điện ảnh cũng được chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015), “Cô gái đến từ hôm qua” (2017), “Mắt biếc” (2019) thì phim này có doanh thu thấp nhất, chưa đạt như kỳ vọng.

Có thể thấy, ở “Ngày xưa có một chuyện tình”, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh vẫn “trung thành” với cách kể chuyện bay bổng, nhẹ nhàng, tinh tế của dòng chảy nội tâm và không lạm dụng cảnh nóng giật gân câu khách, nên không hẳn phù hợp với số đông thị hiếu khán giả hiện nay. Ngoài ra, còn một số điểm trừ như phần đầu phim bị dàn trải, mà có chỗ lại chưa bật được dụng ý; diễn viên chưa trau chuốt về diễn xuất nên đôi khi tạo cảm giác mới dừng lại ở việc minh họa nhân vật trong truyện, chưa bộc lộ chiều sâu và những chuyển biến trong nội tâm một cách sinh động, hấp dẫn, độc lập trên màn ảnh.

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ung-xu-dep-khi-yeu-post710330.html
Zalo