Hội thảo khoa học thực trạng và giải pháp ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ

Trong khuôn khổ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh 'Thực trạng định hướng và giải pháp ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến 2030', sáng 9/1, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam tổ chức hội thảo khoa học 'Thực trạng và giải pháp ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hà Nam'. Dự hội thảo có các diễn giả đến từ một số trường đại học trong nước; Viện khoa học Lao động và Xã hội; lãnh đạo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam…

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 4 vấn đề trọng tâm: Kinh nghiệm về phát triển công nghiệp hỗ trợ; thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp hỗ trợ của các địa phương và bài học kinh nghiệm của tỉnh Hà Nam; định vị và đánh giá năng lực cạnh tranh trong phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Hà Nam; thực trạng và giải pháp ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

TS Nguyễn Quốc Tuấn, Trường Đại học Phenikaa tham luận tại hội thảo.

TS Nguyễn Quốc Tuấn, Trường Đại học Phenikaa tham luận tại hội thảo.

Theo kết quả điều tra nghiên cứu của Ban chủ nhiệm đề tài: Trong định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; các ngành công nghệ cao, điện tử - viễn thông, linh kiện ô tô, xe máy được ưu tiên phát triển với tỷ lệ tập trung ưu tiên lần lượt là: 44,55%, 44,55%, 33,64%. Công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nam thời gian qua có bước phát triển nhất định với những điểm mạnh như: năng lực cung ứng, khả năng đáp ứng yêu cầu của các công ty đa quốc gia, và sự ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao. Tuy nhiên, để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững hơn, nhiều giải pháp cũng đã các đại biểu đưa ra thảo luận. Theo đó, Hà Nam cần quan tâm phát triển các khu công nghiệp (KCN) chuyên biệt cho công nghiệp hỗ trợ, tạo môi trường sản xuất tập trung và tối ưu hóa nguồn lực; ưu tiên xây dựng các tuyến giao thông liền mạch giữa KCN và các cảng biển, sân bay lớn (cảng Hải Phòng, sân bay Nội Bài); xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại nhằm giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; phát triển các tuyến giao thông kết nối các KCN với các trung tâm logistics và thị trường lớn; xây dựng các tuyến đường cao tốc, hệ thống cầu vượt, bãi đỗ xe hàng hóa bảo đảm vận chuyển nhanh chóng, an toàn; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ, đáp ứng các tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao.

Cùng với đó, Hà Nam cần đầu tư nâng cấp hệ thống cung cấp điện ổn định, hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn quốc tế, mạng thông tin liên lạc hiện đại; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp khuyến khích các dự án công nghiệp sử dụng công nghệ cao; thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước, coi đó là chìa khóa để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường tổ chức hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối cung cầu, tạo cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hợp tác với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới thông tin về công nghiệp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Hà Nam cũng cần đẩy mạnh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do và liên minh kinh tế khu vực, nhằm tận dụng những ưu đãi về thuế quan; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, giúp tạo ra giá trị gia tăng cao hơn; tạo cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp FDI nhằm thúc đẩy chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm quản lý; hỗ trợ áp dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào quy trình sản xuất để tăng hiệu quả, giảm chi phí; khuyến khích doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm chi phí năng lượng trong dài hạn; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường.

Đại biểu tham luận tại hội thảo.

Đại biểu tham luận tại hội thảo.

Ban chủ nhiệm đề tài đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến tham luận của các đại biểu để hoàn thiện đề tài nghiên cứu. Với những kết quả khảo sát, điều tra, nghiên cứu khoa học hy vọng đề tài "Thực trạng định hướng và giải pháp ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến 2030” sẽ là cơ sở khoa học để Hà Nam có những định hướng phát triển phù hợp đối với ngành công nghiệp hỗ trợ.

Minh Thu- Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/hoi-thao-khoaahoc-thuc-trang-va-giai-phap-uu-tien-phat-trien-cong-nghiep-ho-troa-142977.html
Zalo