Ủng hộ những việc làm đúng và ý kiến đúng
Những hình ảnh bộ đội cứu dân, giúp dân, được bà con quý mến tới mức ngày bộ đội rút quân khỏi Yên Bái sau khi tình hình tạm ổn định, bà con đã đưa tiễn hết sức trân trọng và tình cảm.
Mấy hôm trước, rất nhiều người dân Việt hân hoan biểu thị sự đồng tình, ủng hộ và hoan nghênh việc Bộ Quốc phòng thông báo quyết định dừng huấn luyện diễu binh diễu hành, dự định sẽ tổ chức vào dịp Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024).
Người dân cho rằng đây là một quyết định hợp lòng dân, phù hợp với tình hình nhân dân một số tỉnh bị thiệt hại rất nặng do bão số 3 gây ra. Và trong bão, những hình ảnh bộ đội cứu dân, giúp dân, được bà con quý mến tới mức ngày bộ đội rút quân khỏi Yên Bái sau khi tình hình tạm ổn định, bà con đã đưa tiễn hết sức trân trọng và tình cảm.
Dân mạng rần rần thả tim cho những hình ảnh người dân mang cờ và hoa tiễn bộ đội, dù những người dân ấy, nhà cửa cũng vừa bị lút, thiệt hại không ít.
Và hôm qua, lại một tin hợp nhẽ khác nữa: Thường vụ thành ủy Hà Nội cũng đã quyết định không bắn pháo hoa dịp 10 tháng 10 năm nay.
Trước đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đề xuất TP Hà Nội giảm 29 điểm bắn pháo hoa vào ngày 10.10, và hôm qua, bí thư thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, trong cuộc họp lãnh đạo thành ủy thành phố Hà Hội đã quyết định dừng bắn pháo hoa trong toàn thành phố Hà Nội nhân dịp ngày tiếp quản thủ đô.
Bà Hoài cho rằng đây là việc làm xuất phát từ tình nghĩa đồng bào, thể hiện trách nhiệm của thủ đô và tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước".
Và tất nhiên, với những quyết định đúng đắn như thế, dân lại tiếp tục hân hoan ủng hộ, và hoan nghênh.
Thì ngay như cái việc bộ đội chia tay Yên Bái tôi nhắc ở trên ấy, không phải tất cả đều hân hoan. Có nhà báo đăng một bức ảnh một chiến sĩ quân đội rất buồn, mặt rất buồn, bước rất chậm, nhưng còn lưu luyến, còn vương vấn, và còn thấy trách nhiệm mình chưa tròn, như còn thấy trách nhiệm mình chưa hết, như vẫn chưa yên tâm để rút quân.
Thì ai mà nỡ hân hoan vui mừng khi còn nhiều người dân khổ đến thế.
Dân Hà Nội có thể bớt vui đi một chút trong ngày này, nhưng nó sẽ không bị áy náy, không bị băn khoăn day dứt, không bị cắt rứt lương tâm. Sẽ nhận được sự thanh thản, sự nhàn tâm bởi thái độ sẻ chia đầy trách nhiệm và nhân văn.
À mà nhân nói về ngày 10 tháng 10, hôm nay nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, PGS, TS, chủ tịch hội đồng lý luận Văn học Nghệ thuật Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên phó ban Tuyên giáo Trung ương, viết một status dài trên facebook của mình, tôi xin cóp lại nguyên văn: "TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ HAY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI?
Từ nhiều chục năm trước, nhiều văn kiện chính trị, hành chính, pháp lý của ta (và quốc tế) khi nói về sự kiện ngày 10/10/1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve 1954 được kí kết, quân đội ta về "Tiếp quản Thủ đô Hà Nội" và nhiều địa bàn khác do quân đội và chính quyền bù nhìn quản lý/xâm chiếm.
Tuy nhiên, những năm sau này, không ít cơ quan, đơn vị, cá nhân lại dùng từ "Giải phóng Thủ đô". Vậy, nghĩa của 2 từ này là gì, nên dùng từ nào thì hợp lý, chúng tôi xin nêu ý kiến như sau để mọi người cùng bàn luận.
"Tiếp quản" nghĩa là nhận, thu nhận, tiếp nhận và quản lý... Đối với việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội, là sự tiếp nhận và quản lý có tính chính danh, có tính pháp lý về chính quyền của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa từ phía "Quốc gia Việt Nam" và các cơ quan, cơ sở quân sự, dân sự của Pháp. Còn "giải phóng" là làm cho được tự do, thoát khỏi địa vị nô lệ, bị áp bức, kìm kẹp, kiềm chế, giam hãm...
Để nói về việc sử dụng 2 từ "tiếp quản" và "giải phóng", thiết nghĩ phải trở về với bối cảnh lịch sử của nước ta nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng trước và sau ngày 10/10/1954.
Theo Hiệp định Geneve 20.7.1954 "Về sự chấm dứt tình trạng chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương" (Hiệp định chung), trong đó có "Hiệp định về sự chấm dứt tình trạng chiến tranh tại Việt Nam, 20.7.1954", ở chương II "Những nguyên tắc và sự thi hành các thủ tục chủ yếu của bản Hiệp định hiện thời", điều 12 ghi nguyên văn "...
Khi quân lực của một miền rút quân bằng đường lộ (đường bộ, đường sông, đường biển) mà xuyên qua lãnh thổ của miền kia (xem điều 24), lực lượng quân sự của miền đến TIẾP QUẢN sẽ tạm thời rút quân 3 ki-lô-mét cách lề đường ấy, nhưng theo cách xử sự như thế nào đó mà tránh sự gây khó khăn với sự di chuyển dân cư dân sự"...
Ở một bối cảnh khác, ngày 19/9/1954, "trước khi về tiếp quản Thủ đô (các báo, đài, văn kiện lúc đó thông tin), Đại đoàn 308 - Đại đoàn quân Tiên Phong, đã được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ. Tại đền Hùng, khi nói chuyện với cán bộ chiến sỹ Đại đoàn, Bác căn dặn "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Các văn kiện chính trị, hành chính, khoa học, báo chí, ngôn ngữ giao tiếp lúc đó chủ yếu dùng từ "tiếp quản", một tỉ lệ rất ít, và chủ yếu sau này, mới dùng từ "giải phóng". Từ "giải phóng" được dùng tuyệt đối đúng khi nói về "giải phóng Điện Biên", "Giải phóng Tây Nguyên", "giải phóng Đà Nẵng", "giải phóng Sài Gòn", "giải phóng miền Nam" (dùng vũ lực, vũ khí để giải phóng một vùng đất...), hoặc ở ngữ cảnh khác "giải phóng phụ nữ", "giải phóng sức lao động"...
Việc quân ta về lại Hà Nội là để tiếp nhận, quản lý Thủ đô của mình một cách hòa bình theo Hiệp định Geneve (mà trước đó bị quân Pháp và bù nhìn dùng vũ lực xâm chiếm). Gọi "tiếp quản" là đúng đắn nhất ! (gọi "giải phóng", theo góc độ nào đó, có thể không sai, nhưng không thật đúng và không tôn trọng lịch sử !)".
Trước đó, cũng chính ông Nguyễn Thế Kỷ đã lên tiếng về việc một ông giáo sư hay được báo chí và một số địa phương mời ông phát biểu, nói chuyện về một nhân vật lịch sử vĩ đại của đất nước, và ông đã xuyên tạc rất nhiều khi... ngẫu hứng nói. Sau khi ông Kỷ lên tiếng trên facebook, năm nay hầu như không còn thấy ông giáo sư kia xuất hiện ở bất cứ diễn đàn nào.
Nên có lúc, chúng ta hành xử theo thói quen, nhiều khi biết sai nhưng rồi cũng... tặc lưỡi. Những ý kiến như của ông Nguyễn Thế Kỷ cũng được rất nhiều người đồng tình, vì nó hợp lòng dân, nó hợp lý hợp tình, nó đúng sự thật.