Ứng dụng UDL thúc đẩy đảm bảo công bằng, nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập

Ứng dụng Thiết kế phổ quát cho việc học (UDL) góp phần thúc đẩy hơn nữa giáo dục hòa nhập có chất lượng cho trẻ em khuyết tật nói riêng và trẻ em nói chung.

Ngày 12/12, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Đại học Wakayama (Nhật Bản), tổ chức UNICEF Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Đảm bảo công bằng và chất lượng trong giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật dựa trên ứng dụng UDL”.

Qua hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu, chia sẻ, và bàn thảo về các thông tin từ thực tiễn về các biện pháp, định hướng nhằm đảm bảo sự công bằng, chất lượng trong giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, dựa trên ứng dụng UDL. Từ đó, có cơ sở đề xuất cách thiết kế quy trình ứng dụng UDL trong quá trình thực hiện giáo dục hòa nhập cho các em, ở mọi cấp học và môi trường học tập, hướng tới đảm bảo một nền giáo dục bền vững cho các trẻ em khuyết tật trên thế giới và ở Việt Nam.

Việc tổ chức hội thảo cũng góp phần thực hiện mục tiêu bao trùm của ngành giáo dục, trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 là “Xây dựng một nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền (Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho hay, trong những năm qua, giáo dục hòa nhập tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật vẫn là một nhiệm vụ đầy thách thức.

"Hội thảo với trọng tâm là ứng dụng Thiết kế phổ quát cho việc học (UDL) là một bước đi quan trọng, góp phần thúc đẩy hơn nữa giáo dục hòa nhập có chất lượng cho trẻ em khuyết tật nói riêng và trẻ em nói chung.

UDL là một khung hướng dẫn cách thiết kế bài học, không phải là một khái niệm mới hoàn toàn mà là sự tổng hợp các nguyên tắc sư phạm hiệu quả để đảm bảo việc học tập cho tất cả học sinh, kể cả học sinh khuyết tật. Điểm cốt lõi của UDL là tập trung vào việc xóa bỏ rào cản học tập, tạo ra môi trường giáo dục bình đẳng, nơi mỗi học sinh đều có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Trên thế giới, việc áp dụng UDL đã chứng minh hiệu quả trong hỗ trợ trẻ khuyết tật tham gia học tập hòa nhập, giúp các em cảm nhận được giá trị của bản thân trong cộng đồng học đường. Điều quan trọng hơn nữa, UDL còn mang đến những công cụ và phương pháp giúp giáo viên thực hiện dạy học một cách thuận lợi, khoa học và sáng tạo hơn.

Do vậy, việc tổ chức một Hội thảo khoa học mà ở đó có sự trao đổi, chia sẻ học thuật về ứng dụng UDL sao cho thực sự hiệu quả giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước như ngày hôm nay, là một việc làm có ý nghĩa, mang lại giá trị thực tiễn và nhân văn", thầy Nguyễn Văn Hiền chia sẻ.

 Đoàn Chủ tịch chủ trì hội thảo.

Đoàn Chủ tịch chủ trì hội thảo.

Ông Nguyễn Nhật Linh (Chuyên gia giáo dục, UNICEF Việt Nam) cho hay, mặc dù tại Việt Nam ngành Giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc thúc đấy hệ thống giáo dục và môi trường học tập hòa nhập, chúng ta vẫn còn gặp phải rất nhiều thách thức.

Ví dụ như ở cấp trung học phổ thông, tỷ lệ đi học đúng tuổi có sự chênh lệch lớn giữa nhóm trẻ khuyết tật và trẻ không khuyết tật. Theo kết quả điều tra Người khuyết tật năm 2023 do Tổng cục Thống kê thực hiện, tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp trung học phổ thông ở trẻ em khuyết tật là 30,8% so với 76,6% đối với trẻ em không khuyết tật.

Trong nhiều năm qua, UNICEF Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thúc đẩy giáo dục hòa nhập nhằm đảm bảo quyền được giáo dục cho tất cả trẻ em. Một số thành tựu đáng kể bao gồm: việc ban hành Thông tư 20/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó thúc đẩy vai trò của các Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập, cũng như các sáng kiến đổi mới sáng tạo như ứng dụng âm nhạc và công nghệ thực tế ảo tăng cường trong trị liệu cho trẻ khuyết tật.

"Thiết kế phổ quát cho việc học (UDL) là một phương pháp tiếp cận mang tính chuyển đổi, hướng tới xây dựng môi trường học tập có tính tiếp cận cao và khuyến khích sự tham gia vào bài học của tất cả học sinh, bao gồm cả trẻ khuyết tật.

Bằng cách tích hợp các phương pháp giảng dạy linh hoạt, lộ trình học tập được cá nhân hóa cùng với nhiều phương tiện kích thích sự tương tác của trẻ, UDL thúc đẩy chiều kích công bằng và hòa nhập trong lớp học. UDL không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ khuyết tật nói riêng mà đồng thời còn làm phong phú thêm trải nghiệm học tập cho tất cả học sinh nói chung, thông qua việc đáp ứng nhu cầu và phong cách học tập đa dạng các em học sinh.

Hội thảo ngày hôm nay là một cơ hội để chúng ta cùng nhau trao đổi về các sáng kiến hiện tại và tìm thêm giải pháp xây dựng một hệ thống giáo dục hòa nhập bền vững cho trẻ em khuyết tật tại Việt Nam...", ông Nguyễn Nhật Linh nói.

 TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi hội thảo.

TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi hội thảo.

Tại hội thảo, TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát biểu về định hướng trong việc phát triển hệ thống, tổ chức dạy và học để đảm bảo quyền được học tập có chất lượng đối với học sinh khuyết tật ở Việt Nam.

Tiến sĩ Trí cho hay, những người khuyết tật hoàn toàn có thể làm được những điều phi thường. Ông cũng đã lấy ví dụ về những tấm gương khuyết tật vươn lên trong cuộc sống và đạt nhiều thành tích.

“Xã hội của chúng ta phải tạo ra môi trường để người khuyết tật làm được những điều như vậy. Đó là trách nhiệm của ngành giáo dục”, Tiến sĩ Trí nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho hay, trong việc phổ cập giáo dục tiểu học, khó nhất là đối tượng học sinh khuyết tật.

Chúng ta biết rằng, giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục tốt nhất, nhưng để đảm bảo được hòa nhập tốt, chúng ta vẫn cần phải phát triển theo hai hướng là giáo dục bán hòa nhập và phương thức giáo dục chuyên biệt.

 Nhiều đại biểu quốc tế tham dự sự kiện.

Nhiều đại biểu quốc tế tham dự sự kiện.

Giáo sư Susan De La Paz (Đại học Maryland, Hoa Kỳ) cũng có những lí giải phân tích tổng hợp về thành tích của học sinh tại Hoa Kỳ. Theo đó, bà Susan cho hay, UDL được đề cập trong luật giáo dục chính của Hoa Kỳ, “Đạo luật Mọi học sinh đều thành công (2016)”. Các tiểu bang được khuyến khích thiết kế các đánh giá sử dụng nguyên tắc UDL, trao trợ cấp cho LEA sử dụng UDL và áp dụng công nghệ phù hợp với UDL.

Những sinh viên chuẩn bị trở thành giáo viên phải hiểu “cách sử dụng hiệu quả công nghệ, kỹ thuật giảng dạy và chiến lược phù hợp với các nguyên tắc phổ quát cho việc học...”

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

"Tác động tích cực trung bình kết hợp với UDL cho thấy, thành tích học tập của người học từ môi trường dựa trên UDL tốt hơn đáng kể so với các bạn cùng lứa tuổi không tiếp cận UDL.

Người học có khuyết tật (SWD) và người học không có khuyết tật (thường đạt thành tích ngang hàng) được hưởng lợi ích như nhau từ UDL.

Ở Hoa Kỳ, UDL được thực hiện ở môi trường giáo dục phổ thông. Tất cả các giáo viên ở Mỹ đều học cách sử dụng UDL trong lớp học của mình và các khu vực làm việc ở trường học để giúp các giáo viên làm việc hiệu quả hơn", Giáo sư Susan cho hay.

Trong chiều cùng ngày, các chuyên gia thảo luận về các chủ đề như, đảm bảo công bằng và chất lượng giáo dục hòa nhập; Ứng dụng thiết kế UDL trong giáo dục hòa nhập; Giáo dục đáp ứng sự đa dạng của trẻ khuyết tật trong môi trường hòa nhập.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ung-dung-udl-thuc-day-dam-bao-cong-bang-nang-cao-chat-luong-giao-duc-hoa-nhap-post247678.gd
Zalo