Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa

Thời điểm này, các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đang tất bật thu hoạch lúa. Ai cũng hớn hở vì vụ này giá bán lúa khá cao, chắc chắn lời to. Kết quả này chính là nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nông dân bây giờ làm ruộng rất 'nhàn', tiết kiệm chi phí sản xuất, thu về lợi nhuận cao và ổn định.

Đang đứng xem máy gặt đập liên hợp chạy ngon ơ trên cánh đồng rộng lớn, từng bao lúa đầy nằm ngổn ngang trên cánh đồng được xe đến thu gom, ông Lê Minh Chí, ấp Đắc Lực vui ra mặt vì tính sơ sơ mỗi héc-ta ông thu về trên 5,6 tấn, giá lúa đang mức 12.200 đồng/kg, thể nào cũng bỏ túi gần chục triệu đồng mỗi công (chưa trừ chi phí).

Nở nụ cười tươi trên môi, ông Chí hớn hở khoe: “Thu hoạch vụ Đông - Xuân sớm này, anh em hợp tác xã ai cũng phấn khởi. Tôi tham gia hợp tác xã lâu năm rồi với diện tích 2,2ha. Trước đây, nông dân trồng lúa theo kinh nghiệm, sâu bệnh thì phun thuốc, cây lúa còi thì bón phân. Nhưng bây giờ nhà nông phải thay đổi tư duy. Muốn như vậy trước hết là phải đi học. Mà tôi nhờ học các lớp trồng lúa kỹ thuật cao, các lớp tập huấn để thay đổi cách canh tác, nhất là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật”.

Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) trong niềm vui vụ mùa bội thu. Ảnh: NGỌC HẢI

Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) trong niềm vui vụ mùa bội thu. Ảnh: NGỌC HẢI

Nói tới đây, ông Chí xoay qua chỉ tấm bảng có mã QR được cắm trước mỗi cánh đồng rồi bảo: “Đây là mã QR mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, quét vào đây hiện đầy đủ các thông tin hộ dân, diện tích đất, đất canh tác, thời vụ canh tác, kỹ thuật làm đất, xử lý giống, phương pháp gieo sạ, kỹ thuật bón phân… Như trước đây ruộng tôi gieo sạ dày, tốn nhiều giống, sạ xong phải dặm lại, tốn công, tốn phí thuê người làm… Giờ tôi áp dụng sạ thưa, sạ hàng, sạ cụm, tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất lúa. Thời gian tới, địa phương có mở các lớp dạy nghề nâng cao kỹ thuật trồng lúa theo hướng chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh là tôi đăng ký ngay. Nông dân giờ phải đi học để có thêm kiến thức, nâng cao kỹ thuật canh tác lúa”.

Ngoài các yếu tố trên, ông Chí cũng chia sẻ thêm bí quyết, nhờ sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN công nghệ Nano Canxi Silic trên cây lúa ST25 do Công ty CP Nano Industry Đăng Quang hỗ trợ. Với 4 lần phun bằng thiết bị bay (drone), liều lượng 1 lít PAN/ha/lần phun (giai đoạn lúa đẻ nhánh, giai đoạn phân hóa đòng, lúa bắt đầu trổ bông, giai đoạn vào chắc), thấy bộ rễ lúa cứng, lúa sinh trưởng tốt, đẹp và đồng đều. Nhờ vậy mà cây lúa tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, giảm chi phí sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Nông sản thu hoạch đảm bảo sức khỏe người nông dân, người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Dự kiến sang vụ mới, ông sẽ tính toán lại liều lượng phân bón gốc, kết hợp với phân PAN để đạt vụ mùa bội thu.

Mã QR mô hình sản xuất lúa chất lượng cao cung cấp đầy đủ thông tin canh tác của nông dân. Ảnh: NGỌC HẢI

Mã QR mô hình sản xuất lúa chất lượng cao cung cấp đầy đủ thông tin canh tác của nông dân. Ảnh: NGỌC HẢI

Ruộng nhà ông Lê Văn Ở, ấp Đắc Lực hiện đã thu hoạch xong. Ông có 1,2ha tham gia hợp tác xã và ông rất tâm đắc về điều này vì nhờ làm kinh tế tập thể mà ông thay đổi thói quen canh tác, không còn lo đầu ra mỗi khi thu hoạch xong, thương lái đến tận ruộng thu mua. Ông Ở chia sẻ: “Giờ làm ruộng rất khỏe. Từ lúc cải tạo đất, gieo sạ đến thu hoạch, tôi chưa bước chân xuống lội ruộng lần nào. Giờ sử dụng toàn bộ máy móc cả, nhưng nông dân phải làm chủ, biết cách sử dụng máy móc, học kỹ thuật trồng lúa "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm". Để nắm cái này, nông dân phải tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn mới biết cách làm”.

Ông Nguyễn Văn Tới - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng thông tin:

Hợp tác xã có 29 thành viên, tổng diện tích canh tác là 50ha, thành viên có diện tích nhiều nhất là 3,4ha, ít nhất là 0,5ha. Hiện hợp tác xã đang tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Đây là đề án có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long nhằm gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Tham gia đề án, nông dân thấy phấn khởi vì kết quả như mong đợi. Vụ lúa Đông - Xuân sớm, các thành viên thu hoạch lúa đạt 5,6 - 6 tấn/ha, với giống lúa ST25, giá bán 12.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí có lợi nhuận 50 - 55 triệu đồng/ha. Về lợi nhuận thấy rõ tăng lên nhiều (trên 20 triệu đồng/ha), nông dân rất phấn khởi, năm nay chắc ăn Tết lớn”.

Việc áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng đã giúp nông dân giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài ra còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Điều đó đem lại sự phấn khởi cho nông dân về vụ mùa được mùa, được giá.

NGỌC HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/giao-duc-nghe-nghiep/202412/ung-dung-tien-bo-khoa-hoc-ky-thuat-trong-canh-tac-lua-9f05389/
Zalo