Bất ngờ về bộ phận máy bay Boeing 787 sản xuất tại Đà Nẵng

'Gói công việc ban đầu thực hiện là cụm đầu cánh nghiêng của Boeing 787 Dreamliner - một trong những bộ phận khí động học quan trọng nhất trên thế giới. Tôi nghĩ, không ai tin rằng bộ phận này được sản xuất tại Đà Nẵng.', ông Jihoon Park - Giám đốc quản lý Công ty KP Aerospace Vietnam - cho biết.

Nhà máy sản xuất linh kiện máy bay KP Vina đi vào hoạt động ngày 13/12. Đây là dự án được Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cuối năm 2023, tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư 20 triệu USD. Hiện dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 trên diện tích 1,3 ha.

Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện Hàng không KP Vina giai đoạn 1 xây dựng trên diện tích 1,3 ha.

Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện Hàng không KP Vina giai đoạn 1 xây dựng trên diện tích 1,3 ha.

Ông Jihoon Park cho hay, khi bắt đầu dự án này nhiều người nói rằng không thể làm được mọi thứ trong vòng một năm. Tuy nhiên, nhờ sự hợp tác và hướng dẫn tận tình của DHPIZA, công ty đã được cấp giấy phép đầu tư chỉ sau một tháng nộp đơn, 10 tháng sau lễ khởi công công ty đã tổ chức lễ khánh thành. “Không có gì là không thể ở Đà Nẵng!”, ông Jihoon Park bày tỏ.

Gói công việc ban đầu mà công ty thực hiện là cụm đầu cánh nghiêng của Boeing 787 Dreamliner - một trong những bộ phận khí động học quan trọng nhất trên thế giới.

“Tôi nghĩ, không ai tin rằng bộ phận này được sản xuất tại Đà Nẵng, vì Đà Nẵng thường được biết đến là một trong những nơi tuyệt đẹp để du lịch. Trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ mang nhiều dự án mới đến đây và nhà máy sẽ được lấp đầy bằng các bộ phận máy bay để xuất khẩu”, ông Jihoon Park chia sẻ.

Một chiếc máy bay Boeing 787 của Vietnam Airlines. Ảnh: VNA.

Một chiếc máy bay Boeing 787 của Vietnam Airlines. Ảnh: VNA.

Giai đoạn tiếp theo sẽ khởi động dự án chế tạo các bộ phận kim loại cho lắp ráp với sự hỗ trợ từ các công ty địa phương.

Hiện công ty này đã bắt đầu chuyển giao công nghệ cần thiết để sản xuất phụ tùng máy bay cho Đà Nẵng, đã đưa thực tập sinh người Việt Nam sang Hàn Quốc để đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - nhìn nhận, sự hiện diện của nhà máy này là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của Đà Nẵng như một trung tâm công nghệ cao, một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến và sản xuất linh kiện, đặc biệt trong ngành hàng không.

Đây là dự án thứ 2 trong lĩnh vực hàng không vũ trụ được đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng, sau dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không Sunshine, Công ty TNHH UAC Việt Nam.

Thanh Hiền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bat-ngo-ve-bo-phan-may-bay-boeing-787-san-xuat-tai-da-nang-post1700706.tpo
Zalo