Ứng dụng khoa học, công nghệ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương

Theo Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công Nguyễn Thị Lâm Giang, việc nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng hiện đại, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Triển khai đồng bộ công tác khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong ngành Công Thương

Báo cáo tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 19/5/2025, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương được triển khai đồng bộ và toàn diện, trong đó tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, xác định những ưu tiên chiến lược trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của toàn Ngành cũng như các lĩnh vực ưu tiên; tổ chức sắp kiện toàn, sắp xếp Bộ máy triển khai thực hiện; đổi mới tư duy và phương thức quản lý theo hướng minh bạch, hiện đại.

"Việc nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng hiện đại, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng vào những thành tích ấn tượng của ngành Công Thương những năm qua." - Cục trưởng Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh và cho biết thêm, điều này được thể hiện trên nhiều phương diện từ việc cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện định hướng, chính sách phát triển, công cụ quản lý nhà nước đối với từng ngành, từng lĩnh vực, cho tới thúc đẩy, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chủ trì Hội nghị "Triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia"

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chủ trì Hội nghị "Triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia"

Các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ của Bộ Công Thương tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Nhiều nghiên cứu được hình thành, triển khai trên cơ sở mô hình liên kết giữa Viện - Trường - Doanh nghiệp. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã được những giải thưởng cao, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, được vinh dự trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ.

Giải quyết nút thắt thể chế trong hoạt động khoa học, công nghệ

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, hoạt động khoa học công nghệ cũng giống như nhiều hoạt động khác trên cả nước đã gặp phải nhiều khó khăn, nút thắt liên quan đến thể chế. Đơn cử như vấn đề về nguồn ngân sách đầu tư, cơ chế phân bổ ngân sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ, các cơ chế quản lý, thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, việc xác định tài sản và cơ chế thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ, cơ chế phát triển các tổ chức khoa học, công nghệ, đặc biệt là các tổ chức khoa học, công nghệ công lập.

"Những khó khăn, rào cản này về cơ bản đã được phản ánh, nhìn nhận và được giải quyết một cách bài bản bởi Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị. Nghị quyết số 193 của Quốc Hội, các Nghị quyết 03, 71 của Chính phủ, và sắp tới là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng như các văn liên quan khác." - bà Nguyễn Thị Lâm Giang nhận định.

Theo đó, ngành Công Thương, cụ thể là những người làm công tác quản lý và nghiên cứu khoa học, công nghệ của ngành đã tích cực tham gia vào việc đề xuất những giải pháp cho những khó khăn rào cản đó thông qua tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cụ thể:

Về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Bộ Công Thương đã chủ động tham gia đóng góp ý kiến vào việc trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP và nay là Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có chức năng trong quá trình xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt những cơ chế, chính sách có tính đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (như Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội, Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua). Ngay sau khi các văn bản trên được ban hành, Bộ Công Thương đã tổ chức xây dựng Kế hoạch, phân công thực hiện đối với các đơn vị trong Bộ đảm bảo bám sát các nhiệm vụ được giao và tiến độ đề ra.

Song song với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công cho biết thêm, chúng ta cũng đã chủ động hơn trong việc xác định các định hướng ưu tiên, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, xây dựng kế hoạch khoa học, công nghệ cho giai đoạn mới 2026-2030. Căn cứ Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ hướng dẫn các đơn vị trong Bộ, các Viện, Trường, Tổ chức Khoa học & Công nghệ cũng như các doanh nghiệp xây dựng Kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2026-2030 để thực hiện Chiến lược. Các nhiệm vụ ưu tiên trong Kế hoạch sẽ bám sát định hướng, chủ trương và nhiệm vụ giao Bộ Công Thương tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, gắn với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giao Bộ Công Thương trong các Nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành Công Thương; bám sát định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển ngành Công Thương và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý; nhiệm vụ phục vụ công tác xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, giai đoạn 2020-2025, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương được triển khai đồng bộ và toàn diện

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, giai đoạn 2020-2025, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương được triển khai đồng bộ và toàn diện

Để tiến một bước trong việc xác định những nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng tâm, trọng điểm trong thời gian ngắn sau khi thành lập, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công đã tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ kiện toàn Hội đồng Khoa học, Công nghệ, Đổi mới sáng tạo của Bộ và quy chế hoạt động của Hội đồng. Hội đồng có nhiệm vụ chính là:

(1) Xác định ưu tiên chiến lược, cơ chế, chính sách lớn trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương;

(2) Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương để quyết định các chiến lược, kế hoạch trung và dài hạn, các chương trình, đề án về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương;

(3) Kiến nghị, đề xuất các giải pháp, biện pháp để giải quyết những vấn đề trọng yếu trong việc thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành trong trung hạn và dài hạn...

Hoạt động của Hội đồng trong thời gian tới sẽ đảm bảo việc triển khai công tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Bộ có trọng điểm; bám sát nhiệm vụ ưu tiên của ngành và phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ.

Công tác quản lý hoạt động khoa học công nghệ của Bộ nhanh chóng được rà soát, cập nhật các quy định mới, từng bước được hoàn thiện theo hướng minh bạch, hiện đại. Triển khai Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 88/2025/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đồng thời để thống nhất trong triển khai công tác quản lý khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của Bộ khi điều chỉnh phân công theo Nghị định số 40/2025/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương hiện nay đang xem xét, phê duyệt việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1320/QĐ-BCT ngày 31/5/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Công Thương.

Đồng thời, Bộ Công Thương đang đẩy nhanh việc triển khai, xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Bộ để nâng cao hiệu quả, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện quản lý hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của Bộ; đảm bảo khả năng tham gia và tiếp cận rộng rãi của các bên có liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Ngành Công Thương quyết liệt triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW

Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công Nguyễn Thị Lâm Giang cho rằng, sự ra đời của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là sự khẳng định chủ trương thống nhất, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ; đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong việc thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ đang đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác tổ chức, triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của ngành Công Thương; đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất của Cấp ủy các cấp, các đơn vị trong Bộ, các Viện, Trường và doanh nghiệp để hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đóng góp quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển của ngành Công Thương.

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ; đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong việc thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ; đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong việc thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới

Theo đó, để triển khai và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ giao Bộ Công Thương, Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công Nguyễn Thị Lâm Giang đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành để thực hiện cụ thể như sau:

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nhanh chóng phối hợp với Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công tổ chức triển khai xây dựng Kế hoạch để cụ thể hóa các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ.

Các đơn vị quản lý chuyên ngành thuộc Bộ, ngoài việc chủ động đề xuất triển khai các nội dung, nhiệm vụ về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phục vụ, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước của mỗi đơn vị, chủ động đặt hàng với Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công những nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng tâm, trọng điểm để phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực do mình quản lý.

Các tổ chức hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Bộ ưu tiên tập trung triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đảm bảo thống nhất trên cơ sở chủ động, nhanh chóng tổ chức, hướng dẫn các cơ chế, chính sách đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang được xem xét và thông qua tại Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; chủ động phối hợp với các đơn vị có chức năng để nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển ngành, đặc biệt là đặc thù của các doanh nghiệp của ngành Công Thương.

Bên cạnh đó, xây dựng Kế hoạch khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của ngành Công Thương giai đoạn 2026 - 2030 gắn với thực hiện nhiệm vụ của Ngành Công Thương đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao cho; tập trung vào việc phát triển, làm chủ các ngành công nghiệp nền tảng; đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững của các ngành, lĩnh vực sản phẩm, đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng hai con số của đất nước.

Các Viện, Trường đại học trực thuộc Bộ tập trung triển khai xây dựng định hướng và phát triển các Viện, Trường giai 2026 - 2030, trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gắn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, chiến lược của Bộ Công Thương.

Các Viện tiếp tục thực hiện việc rà soát, đánh giá và sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; chủ động và đề xuất việc đầu tư, tăng cường tiềm lực (về nhân lực và hạ tầng kỹ thuật, công nghệ) phục vụ công tác phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của đơn vị.

Nâng cao chất lượng xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hình thành các cụm, chuỗi nhiệm vụ hướng tới việc giải quyết triệt để nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; ưu tiên hướng tới việc làm chủ các công nghệ lõi phục vụ phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh; chú trọng nhiệm vụ nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học phục vụ xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách phát triển ngành.

Ngoài ra, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Thời gian tới, đại diện Cục đề nghị các doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hợp tác công - tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ trực tiếp nhu cầu của doanh nghiệp; Tăng cường triển khai các hoạt động đào tạo, chuyển giao, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ và thích nghi công nghệ hiện đại, quản trị và khai thác công nghệ; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.

Huyền My - Tiến Thành

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ung-dung-khoa-hoc--cong-nghe-thuc-day-qua-trinh-tai-co-cau-nganh-cong-thuong-140613.htm
Zalo