Ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng
Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết 'Rạng rỡ Việt Nam' ôn lại truyền thống vẻ vang của Đảng, đồng thời đặt ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng mà các cấp ủy, tổ chức đảng cần quan tâm, đổi mới và thực hiện quyết liệt hơn nữa. Trong đó, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng được xác định không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là một bước đột phá nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới.
Nội dung này được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân nhanh chóng đón nhận và nhất trí cao bởi thực tế tại nhiều cấp ủy việc ứng dụng khoa học-công nghệ đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Nổi bật trong đó là những kết quả từ việc xây dựng, triển khai ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử tại nhiều cấp ủy địa phương, đơn vị.
Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh Thái Nguyên có 89.910 đảng viên đăng ký tài khoản, đạt 91,1%.
Tại Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo công tác xây dựng, triển khai ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử. Sổ tay được xác định là kênh thông tin chính thống, quan trọng của Đảng bộ tỉnh để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tra cứu thông tin, văn kiện, tài liệu; hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng Đảng; trao đổi, hướng dẫn, giải đáp những ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng bảo đảm nhanh chóng, chính xác, khoa học.
Đồng thời, đây là công cụ nắm bắt, quản lý sinh hoạt của đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trên cơ sở đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ tỉnh.
Sau thời gian xây dựng các nội dung về giao diện, bố cục, thể thức, thiết kế hệ thống, Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Thái Nguyên được đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp nhận tích cực.
Trên Sổ tay, các tiện ích, tính năng từng bước được hoàn thiện, có tính toàn diện, đa dạng, kết hợp chặt chẽ các nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Giao diện được thiết kế đơn giản, có tính thẩm mỹ cao; kết hợp tất cả nhiệm vụ cho từng đối tượng sử dụng, thuận tiện khi khai thác, sử dụng...
Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh Thái Nguyên có 89.910 đảng viên đăng ký tài khoản, đạt 91,1%. Thông qua các tính năng của Sổ tay, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy đã cập nhật kịp thời, đầy đủ các văn bản, tài liệu của Trung ương, Tỉnh ủy và các đảng bộ trực thuộc.
Hằng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy cập nhật đầy đủ tài liệu sinh hoạt chi bộ theo quy chế; đã có 748 tin, bài, chủ yếu dẫn nguồn tin từ trang tin Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên và bài viết của thành viên Tổ Thư ký Sổ tay đảng viên điện tử.
Sổ tay đảng viên điện tử đã phân quyền và hướng dẫn phân quyền cho 4.981 tài khoản (bao gồm tài khoản quản trị cấp tỉnh, cấp huyện, quản trị cấp cơ sở và bí thư chi bộ). Tổng số công việc được giao đến đảng viên qua ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử là 1.456 lượt. Trong đó, giao việc cấp chi bộ là 678 lượt, giao việc toàn đảng bộ là 778 lượt. Tính từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2024, toàn đảng bộ đã có 11.899 lượt chi bộ đăng ký và báo cáo kết quả sinh hoạt qua Sổ tay đảng viên điện tử.
Từ triển khai, sử dụng ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên cho thấy, mọi thông tin chính thống về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo, hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh được truyền tải chính xác, nhanh chóng đến cán bộ, đảng viên.
Kỹ năng cơ bản trong sử dụng các ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử ở cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên; các thông tin dữ liệu đảng viên được cung cấp kịp thời, đến đúng đối tượng sử dụng, có tính bảo mật cao; hoạt động sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp được đổi mới, hiệu quả, bài bản, khoa học, phát huy được tính dân chủ, tiết kiệm thời gian, chi phí... Thông qua đó, tạo ra sự đột phá trong công tác xây dựng Đảng ở Đảng bộ tỉnh, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý tổ chức đảng, đảng viên.
Đúng như nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm: Công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần hiện đại hóa công tác quản lý đảng viên, điều hành tổ chức đảng. Việc xây dựng hệ thống quản lý đảng viên trên nền tảng số giúp tăng cường tính minh bạch, chính xác và hiệu quả trong quản lý hồ sơ, quá trình công tác, đánh giá, phân loại đảng viên. Điều này giúp các cấp ủy nắm bắt chính xác tình hình đội ngũ, từ đó có cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển hợp lý, khắc phục tình trạng quan liêu, thiếu thực tiễn.
Để tiếp tục đẩy nhanh ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng, thiết nghĩ các cấp ủy cần quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư trong bài viết, tăng cường công tác tuyên truyền lan tỏa sâu rộng tới toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thực hiện tốt các giải pháp, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chuyển đổi số đối với công tác xây dựng Đảng cũng như Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.