Ứng dụng công nghệ vào y học cổ truyền
Y học cổ truyền nước ta đã có từ hàng nghìn năm, nhưng chưa có sự phát triển xứng tầm. Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ hóa sinh, nhiều chuyên gia đang kỳ vọng công nghệ sẽ giúp cho nền y học cổ được gìn giữ và lưu truyền.
Chỉ từ muối ăn thông thường, với công nghệ điện phân của Nga, Đại học Y Dược Thái Bình đã cho ra đời sản phẩm khử khuẩn. TS Đặng Văn Nghiễm cho biết: “Chúng tôi sử dụng công nghệ điện phân muối ăn, sau đó làm kiềm hóa cho nên có tác dụng diệt khuẩn tốt”.
Việt Nam có nền y học cổ truyền lâu đời với hàng nghìn năm phát triển. Mỗi năm, cả nước dùng khoảng 4,5 -5 vạn tấn dược liệu. Tuy nhiên, tình hình sử dụng thuốc y học cổ truyền tại nước ta còn nhiều hạn chế. Chất lượng dược liệu suy giảm do khó bảo quản; phương pháp chủ yếu vẫn là sắc thuốc truyền thống, gây tốn kém thời gian. Hiện đại hóa y học cổ truyền bằng giải pháp áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ mới là nội dung được các chuyên gia hướng đến, nhằm duy trì và phát triển y học cổ truyền.
Thầy thuốc nhân dân Đỗ Thế Lộc - Phó Chủ tịch Hội Quân Dân y Việt Nam, cho biết: “Chúng ta phải hiện đại hóa y học cổ truyền, vì hiện chúng ta đang chế biến từ cây cỏ thô sơ. Do vậy, cần ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào dùng công nghệ sinh học hóa hữu cơ; cần đưa khoa học hiện đại vào quá trình nghiên cứu, chế biến phát triển. Trên cơ sở đó, chúng ta có bằng chứng xác thực từ y học hiện đại vào để chứng minh giá trị điều trị của nó".
Hiện đại hóa y học cổ truyền bằng giải pháp áp dụng công nghệ mới là hướng đi bắt buộc, nhằm duy trì và phát triển nền y học đã có hàng nghìn năm. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các bệnh viện. Đặc biệt, cần chú trọng việc kiểm nghiệm chất lượng thuốc, nguồn thuốc, tiến tới xây dựng sàn giao dịch điện tử về thuốc đông y để minh bạch nguồn gốc thuốc.