Ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới hoạt động

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hướng tới chuyển đổi số được coi là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quan trọng để đổi mới phương thức hoạt động của các cấp hội phụ nữ tỉnh.

Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và các đại biểu chụp hình lưu niệm với các thí sinh đoạt giải Cuộc thi Ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt hội. Ảnh: ĐVCC

Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và các đại biểu chụp hình lưu niệm với các thí sinh đoạt giải Cuộc thi Ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt hội. Ảnh: ĐVCC

Vì vậy, trong năm 2024, thực hiện khâu đột phá: Đổi mới phương thức hoạt động hội, trọng tâm là ứng dụng CNTT, các cấp hội phụ nữ Đồng Nai đã tập trung nâng cao nhận thức, năng lực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ hội

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Lê Thị Thái cho biết, nhằm nâng cao nhận thức, năng lực ứng dụng CNTT trong cán bộ hội, ngay từ đầu năm, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị báo cáo viên trực tuyến và phát động Cuộc thi Ứng dụng CNTT trong sinh hoạt hội.

Trong quá trình tổ chức, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng một website riêng về cuộc thi, lập tài khoản và phân quyền cho hội LHPN cấp huyện, cơ sở thu, nộp bài dự thi của cán bộ, hội viên tại đơn vị. Đồng thời, tổ chức tập huấn thiết kế các sản phẩm truyền thông trong hoạt động hội cho cán bộ hội các cấp bằng hình thức trực tuyến.

Kết quả cuộc thi ngoài sự mong đợi của Ban tổ chức; 100% cơ sở hội trong toàn tỉnh đã gửi sản phẩm tham gia cuộc thi. Các tác phẩm được đầu tư công phu, sử dụng đa dạng phần mềm ứng dụng CNTT để thiết kế các sản phẩm. Đặc biệt, sau cuộc thi, các tập thể, cá nhân, cán bộ hội tham gia đều thấy rõ sự cần thiết của việc ứng dụng CNTT vào tổ chức sinh hoạt hội. Từ đó tạo động lực để cán bộ hội tiếp tục trau dồi kiến thức, kỹ năng và ứng dụng CNTT trong hoạt động hội.

Năm 2025, Hội LHPN tỉnh đã đề ra 3 chỉ tiêu liên quan đến ứng dụng CNTT gồm: 70% tài liệu truyền thông cấp tỉnh và 50% tài liệu cấp huyện được số hóa, đăng tải trên các nền tảng; 100% cán bộ hội có máy tính cá nhân và sử dụng thành thạo các phần mềm; 100% vụ việc liên quan đến phụ nữ phản ánh qua các nền tảng được hỗ trợ giải quyết…

Cùng với cuộc thi này, trong năm 2024, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức các cuộc thi trực tuyến cùng hoạt động tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực về ứng dụng CNTT; hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành, phần mềm theo dõi, đánh giá thi đua trong hệ thống hội; tăng cường sử dụng các nền tảng mạng xã hội trong tổ chức các cuộc thi online; hoạt động tuyên truyền của hội.

Để cán bộ hội biết cách bảo vệ thông tin cá nhân trong thời đại bùng nổ thông tin, Hội LHPN tỉnh đã đưa vào chương trình tập huấn nghiệp vụ chuyên đề kỹ năng bảo mật thông tin cá nhân; phòng, chống lừa đảo trên môi trường số; cách nhận diện, xử lý thông tin xấu, độc trên mạng. Cùng với đó là kỹ năng ứng dụng CNTT trong công tác truyền thông mạng xã hội…

Thực hiện công trình Phụ nữ ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động hội, trong năm 2024, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với VNPT xây dựng và cho ra mắt phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong hệ thống hội trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo tính công khai, rõ ràng, độ chính xác cao trong thi đua.

Các cấp hội cùng vào cuộc

Bên cạnh các hoạt động tăng cường ứng dụng CNTT do Hội LHPN tỉnh tổ chức, hội LHPN các huyện, thành phố và cấp cơ sở đã vào cuộc một cách tích cực.

Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết công tác hội và Phong trào Phụ nữ tỉnh năm 2024, Hội LHPN thành phố Biên Hòa cho biết, bám sát chủ đề năm 2024, Hội LHPN thành phố Biên Hòa đã ban hành nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ công tác hội và Phong trào Phụ nữ năm 2024 và triển khai đến 100% cơ sở hội.

Hội chủ động phối hợp tổ chức bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số, kỹ năng sử dụng một số phần mềm cơ bản phục vụ công tác quản lý của hội. Chỉ đạo hội LHPN phường, xã triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc và thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng tâm công tác hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các cấp hội thành phố đến cơ sở đã thành lập 165 nhóm trên Zalo, 31 trang Facebook, 21 fanpage để trao đổi thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật của hội. Nhờ đó, công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp hội được thực hiện kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Đồng thời, góp phần từng bước thực hiện công tác tập hợp hội viên, phụ nữ trên không gian mạng.

Nhờ chuyển động tích cực từ tỉnh đến cơ sở, hiện đa số cán bộ hội các cấp thành thạo các kỹ năng quản lý, sử dụng văn bản điện tử trên trục liên thông của tỉnh. Tài liệu hội nghị của hội các cấp hiện nay được tích hợp QR-Code, giúp hạn chế sử dụng văn bản giấy. Cán bộ hội cơ sở đã linh hoạt sử dụng công nghệ thông tin trong thiết kế video clip, slide báo cáo kết quả hoạt động, bài tuyên truyền đính kèm hình ảnh minh họa, video clip, âm nhạc, giúp cho buổi sinh hoạt trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

Chủ tịch Hội LHPN phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Thị Hồng Hạnh chia sẻ, chị đã sử dụng phần mềm Powerpoint và Video Editor, TikTok để thiết kế trò chơi đuổi hình bắt chữ và dùng công nghệ AI và CapCut tuyên truyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn… Nhờ đó, nội dung tuyên truyền đến với hội viên, phụ nữ dễ dàng hơn.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202412/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-doi-moi-hoat-dong-bc27612/
Zalo