Ứng dụng công nghệ số: Tạo bứt phá trong sản xuất, kinh doanh
Chiều qua (14-11), trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II đã diễn ra phiên thảo luận 3 chuyên đề, gồm: Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ số - lực đẩy cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sáng tạo số, trí tuệ nhân tạo (AI) và dịch vụ.
Tăng năng suất, chất lượng sản phẩm
Hiện nay, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, trở thành xu thế tất yếu đối với sự phát triển của nhân loại. Trong đó, phát triển kinh tế số, nhất là ứng dụng công nghệ số cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; tiết giảm các chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại phiên thảo luận chuyên đề “Ứng dụng công nghệ số - lực đẩy cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo”, đại diện các doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: Chuyển đổi số trong sản xuất, triển vọng, thách thức và mô hình thực tế; nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bằng việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động tự động hóa nhà máy; ứng dụng công nghệ số vào hoạt động logistics công nghiệp da giày; ứng dụng của camera AI trong việc nâng cao an toàn, hiệu suất cho nhà máy công nghiệp; đẩy mạnh số hóa và tự động hóa, phát triển sản phẩm và quy trình sản xuất thông minh…
Các đại biểu tham dự diễn đàn tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty Jakob Sài Gòn (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A)
Chia sẻ về ứng dụng sáng tạo các giải pháp chuyển đổi số của Việt Nam để nâng cao năng suất tại Công ty Takako Việt Nam, ông Lê Duy Nhất Luật, Giám đốc công ty, cho biết việc thực hiện tự động hóa thao tác gá lắp, đo đạc kết nối tự động toàn line; áp dụng xe AGV trong vận chuyển sản phẩm sử dụng handy QR Code đã giúp công ty giảm giá thành và nâng cao năng lực sản suất, năng lực cạnh tranh…
Theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, AI và sáng tạo số không chỉ là công cụ hỗ trợ mà trở thành động lực bứt phá, giúp ngành dịch vụ vượt qua các giới hạn cũ về năng suất, chất lượng và khả năng phục vụ.
Tại hội thảo chuyên đề sáng tạo số, AI và dịch vụ, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp công nghệ số đã thảo luận về những cơ hội và thách thức mà sáng tạo số và AI mang lại cho lĩnh vực dịch vụ, về những ứng dụng thực tiễn và tiềm năng phát triển trong tương lai.
Hiện nay, trong dịch vụ khách hàng, AI tối ưu hóa trải nghiệm người dùng thông qua trợ lý ảo và hệ thống tự động, cá nhân hóa các dịch vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường. Trong lĩnh vực quản trị, các giải pháp AI và sáng tạo số giúp giảm thiểu chi phí, tăng cường tính chính xác và hiệu quả trong việc ra quyết định. Trong dịch vụ công cộng, AI cải thiện khả năng quản lý, phục vụ người dân một cách nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả hơn.
Đưa nông sản Việt Nam vươn xa
Với sự hỗ trợ của công nghệ số, các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp có thể tăng năng suất lao động, tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ khâu canh tác, thu hoạch, chế biến cho đến phân phối, ứng dụng công nghệ vào chuỗi giá trị nông nghiệp không chỉ giúp nâng cao hiệu quả mà còn đưa nông sản Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế.
Tại hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị”, các đại biểu đã chia sẻ về định hướng, các giải pháp và bài học kinh nghiệm trong quá trình ứng dụng công nghệ số, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo trong từng giai đoạn của chuỗi giá trị nông nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ngành nông nghiệp tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong ứng dụng công nghệ số nhưng vẫn còn tồn tại các nút thắt về hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật; năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ số, làm giàu dữ liệu số của mọi chủ thể kinh tế; hạ tầng số, nhất là vùng sâu, vùng xa; thương mại nông sản qua môi trường số; phát triển nhân lực số.
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Quốc Toản đã kiến nghị một số giải pháp, như: Nâng cao nhận thức số, tư duy số và hành động số; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của startup số, nhất là tại vùng nông thôn; phát triển hạ tầng thương mại điện tử gắn với logistics nông nghiệp; đào tạo kỹ năng số của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân từ sản xuất đến bán hàng; cùng với đó triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nhất là chất lượng dịch vụ công; phát triển dữ liệu số nông nghiệp, nông dân số, xã hội số gắn với phát triển dữ liệu quốc gia về dân cư…