Rủi ro lớn khi xuất khẩu sang thị trường tỷ dân
Có rủi ro khách quan, doanh nghiệp xuất khẩu Việt buộc phải trông chờ sự trợ giúp tháo gỡ từ cơ quan quản lý, nhưng cũng có những trường hợp doanh nghiệp tự gây rủi ro cho mình.
Ngại ngần không dám “chốt đơn” xuất khẩu tiểu ngạch
Một loạt tình huống vướng mắc đang tìm hướng giải quyết được bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ phần mềm AutoAgri chia sẻ tại hội thảo mới đây về xuất khẩu rau củ quả sang thị trường Trung Quốc.
Năm 2018, doanh nghiệp của bà Thực hợp tác trồng 20ha bí ngô giống Nhật trái nhỏ tại Hà Nam. Đây là loại bí được ưa chuộng trong các món ăn ở Trung Quốc. Khi bắt đầu trồng, phía Trung Quốc vẫn cho nhập khẩu tiểu ngạch sản phẩm này. Thế nhưng tới lúc thu hoạch, vào đầu năm 2019, phía Trung Quốc lại không cho nhập tiểu ngạch nữa.
Mặc dù nhiều loại rau củ quả của Việt Nam đã được xuất chính ngạch vào Trung Quốc, nhưng vẫn còn rất nhiều loại tiềm năng, nhất là rau màu vụ đông, chưa được xuất chính ngạch.
Thấy nhiều thương nhân Việt Nam mua giống rau củ của Trung Quốc theo đường tiểu ngạch hoặc mua qua kênh thương mại điện tử về trồng hiệu quả, một số tập đoàn về giống rau củ của Trung Quốc đề xuất đầu tư để trồng khảo nghiệm tại một số khu vực mẫu ở Việt Nam.
Phía bạn có thể chuyển giao kỹ thuật cho người Việt Nam trồng. Ước tính 1 vụ rau màu vụ đông trồng giống cây của Trung Quốc ở phía Bắc nước ta thì thu nhập ít nhất cũng cao gấp 3 lần trồng lúa. Nhưng bà Thực chẳng dám nhận lời vì không thể đảm bảo đưa được sản phẩm vào thị trường Trung Quốc. Băn khoăn của bà kéo dài cả chục năm nay.
Đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 122 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 14 năm 2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Mục đích nhằm giảm dần và tiến tới dừng hẳn hình thức trao đổi cư dân biên giới (xuất khẩu tiểu ngạch) tiềm ẩn rất nhiều rủi ro (bị ép giá tại biên giới khi chưa ký hợp đồng đã đưa hàng lên, ùn tắc hàng hóa vào các thời vụ cao điểm... ). Từ ngày 1/1/2030, hàng hóa xuất nhập khẩu chỉ được làm thủ tục tại: cửa khẩu quốc tế; cửa khẩu chính; cửa khẩu phụ; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; lối mở biên giới đã hoàn thành trình tự mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới.
Bà Thực lưu ý, mùa đông Trung Quốc rất lạnh, nhiều vùng sản xuất rau củ gặp khó khăn, chỉ có thể trồng trong nhà màng. Trong khi đó, khu vực miền Bắc Việt Nam có thể trồng rau củ quả vụ đông sản lượng rất lớn để bán trực tiếp cho các địa phương phía Bắc Trung Quốc.
“Hiện vụ đông chúng tôi đang trồng nấm bụng dê, là sản phẩm cao cấp, phía Sơn Đông - Trung Quốc phải trồng trong nhà màng, trong khi ở miền Bắc Việt Nam hoàn toàn có thể trồng ngoài ruộng đồng. Hay vùng Ninh Thuận có thể trồng cây măng tây xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều thị trường quốc tế khác. Nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề sản xuất, chế biến các sản phẩm nêu trên, song chúng tôi vẫn chưa dám nhận lời.
Rất mong các cơ quan ban ngành tìm cách để có thêm nghị định thư giúp nhiều loại rau củ quả khác của Việt Nam xuất được chính ngạch vào thị trường tỷ dân, đặc biệt là khơi thông sản phẩm vụ đông”, bà Thực khuyến nghị.
Lúng túng mã vùng trồng
Nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu trái cây, ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật, Tập đoàn Vina T&T, cho biết, một trong những yêu cầu đầu tiên đối với doanh nghiệp xuất khẩu rau củ quả sang Trung Quốc là phải có mã số vùng trồng (PUC) do Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cấp. Diện tích cấp mã vùng trồng tối thiểu 10ha (tương tự quy định của nhiều nước nhập khẩu khác như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... ) và phải tuân thủ các yêu cầu về ghi chép nhật ký canh tác, quản lý dịch hại, đánh giá giám sát tái chứng nhận hàng năm.
Khi xây dựng mã số vùng trồng, doanh nghiệp kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, liều lượng sử dụng thuốc của bà con nông dân, tránh vượt ngưỡng quy định của các nước nhập khẩu.
Là một doanh nghiệp khoa học công nghệ được Bộ Khoa học Công nghệ cấp chứng nhận, công ty của bà Thực đã nghiên cứu phát triển phần mềm tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến đảm bảo đáp ứng “rào cản kỹ thuật” của các thị trường khó tính, gồm cả yêu cầu của thị trường Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc và mã vùng trồng.
“Phần mềm của chúng tôi thì 1 người nông dân không biết chữ cũng có thể dùng được. 1 người có thể làm mã vùng trồng cho cả 1 xã, quản lý giống như phần mềm kế toán, không có gì khó khăn, tốn kém”, bà Thực nói.
Tuy nhiên, việc triển khai mã vùng trồng tại Việt Nam còn không ít khó khăn.
Theo Luật Trồng trọt, Bộ NN-PTNT đã giao quyền quản lý, cấp mã vùng trồng theo tiêu chuẩn Việt Nam cho các địa phương. Song nhiều địa phương lấy lý do người dân không muốn làm rồi bỏ lửng.
Mặt khác, Việt Nam vẫn chưa có quy định luật pháp công nhận vùng trồng xen canh. Thực tế, nhiều vườn cà phê ở Tây Nguyên trồng xen canh bơ, sầu riêng... Nhưng quy định về mã vùng trồng của Việt Nam chưa tính đến chuyện cấp mã vùng cho cây nào; nếu cấp mã vùng trồng cho cây sầu riêng thì cây cà phê có được công nhận mã vùng trồng hay không.
“Không có quy định trong luật công nhận mã vùng trồng cho những vùng xen canh, chúng tôi đi thu mua cũng rất khó, nhiều khi tình ngay lý gian”, bà Thực trăn trở.
Doanh nghiệp tự tạo rủi ro
“Một doanh nghiệp trước đây nhờ đối tác Trung Quốc hỗ trợ để được cấp mã đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc trên hệ thống CIFER của GACC. Thời hạn của mã chỉ 5 năm, tới 2027 sẽ hết hạn. Vừa rồi, đối tác Trung Quốc bị bắt vì vướng mắc thuế. Bộ Công Thương có thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục gia hạn mã này được không”, bà Đoàn Thanh Hằng, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Nông sản Thái Nguyên nêu vấn đề.
Từ năm 2022, Hải quan Trung Quốc đã áp dụng 2 hệ thống cấp mã đăng ký xuất khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp nước ngoài, gồm: Hệ thống CIFER dành cho nhà sản xuất thực phẩm nước ngoài (doanh nghiệp sản xuất); Hệ thống IRE dành cho nhà xuất nhập khẩu thực phẩm và mỹ phẩm (doanh nghiệp thương mại).
Phản hồi trường hợp nêu trên, ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho hay, cơ quan này đã nhiều lần nhận câu hỏi tương tự từ phía các doanh nghiệp.
“Tính tuân thủ bảo mật thông tin của doanh nghiệp mình như thế là chưa đáp ứng yêu cầu. Chúng ta hoàn toàn có thể đầu tư thêm người biết tiếng Trung hoặc tiếng Anh rồi tự đăng ký, tại sao phải nhờ? Tài khoản đó Hải quan Trung Quốc chỉ cấp một lần. Khi có trục trặc từ phía đối tác hoặc có tranh chấp dẫn tới bị khóa tài khoản, chúng ta lấy căn cứ gì để làm việc với cơ quan chức năng của Trung Quốc để đòi lại quyền lợi cho mình”, ông Kiên khuyến cáo những doanh nghiệp tự tạo rủi ro cho mình.
Ngoài các thị trường truyền thống như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Bắc Kinh, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi tư vấn các doanh nghiệp Việt nên tiến sâu vào những thị trường tiềm năng khác của Trung Quốc.
Cụ thể, phía Tây Nam Trung Quốc có Tây Tạng, Thanh Hải, Tứ Xuyên, Cam Túc; miền Trung có Sơn Tây, Hà Nam, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây; phía Đông có Sơn Đông, Giang Tô, Thượng Hải, Chiết Giang, Phúc Kiến; phía Đông Bắc có Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Hà Bắc, Thiên Tân.
“Thời gian qua nổi lên nhiều vụ doanh nghiệp Việt mải khai thác thị trường, quên mất việc đăng ký thương hiệu, bị doanh nghiệp Trung Quốc lấy mất thương hiệu. Doanh nghiệp Việt gửi công văn về Bộ Công Thương nhờ hỗ trợ nhưng thực sự rất khó lấy lại. Doanh nghiệp Việt cần chú trọng hơn công tác xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, tránh bị mất thương hiệu ở thị trường Trung Quốc”, ông Kiên khuyến nghị.