Ứng dụng công nghệ nâng chất giáo dục
Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội. Hiện nay, các trường học đã ứng dụng CNTT vào dạy và học để những tiết học thêm sinh động, cuốn hút hơn. Từ đó, phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, phát triển toàn diện các kỹ năng của học sinh.
Phủ sóng công nghệ
Xác định vai trò của ứng dụng CNTT trong giảng dạy rất quan trọng, cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Đa Kia (huyện Bù Gia Mập) đã không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu các bài giảng có sử dụng phần mềm để thu hút học sinh, tăng tính tương tác giữa các nhóm trong lớp.
Hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề và là Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, cô Hồng luôn đổi mới sáng tạo, thiết kế bài giảng trực quan sinh động, hấp dẫn để học sinh hiểu và nắm bài ngay trên lớp. “Đối với môn Tiếng Anh, ứng dụng CNTT vào giảng dạy rất thuận lợi. Trong thiết kế bài giảng, tôi sử dụng các ứng dụng miễn phí như Kahoot, Quizizz hay Mentimeter… nhằm tạo câu hỏi tương tác để học sinh trả lời trực tiếp hoặc thông qua điện thoại giao bài tập về nhà cho học sinh. Bên cạnh đó, tôi dùng các ứng dụng để phỏng vấn học sinh, yêu cầu các em đưa ra ý kiến trên diễn đàn để trao đổi, từ đó tạo sự tương tác nhiều hơn. Muốn trò học tốt, giáo viên phải luôn sáng tạo để kích thích sự hứng thú, tự tin trong học tập của các em” - cô Hồng chia sẻ. Năm học 2021-2022, sáng kiến “Sử dụng một số “game-based activities” để kích thích sự hứng thú và tương tác của học sinh trong các tiết học online ở bộ môn Tiếng Anh THPT” của cô Hồng được Sở GD&ĐT công nhận sáng kiến cấp tỉnh.
Em Võ Đình Tuyến, học sinh lớp 10A6, Trường THPT Đa Kia hào hứng: Em thấy ứng dụng CNTT trong dạy và học rất thiết thực, các bài giảng hấp dẫn, thu hút hơn. CNTT phổ biến ở nhiều môn giúp tiết học sôi nổi, học sinh sáng tạo, năng động.
Ông Lê Quốc Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đa Kia cho biết: Việc ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học được Ban Giám hiệu trường xem là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định việc nâng cao chất lượng giảng dạy và đổi mới phương pháp quản lý của trường. THPT Đa Kia là một trong những trường học được tỉnh đầu tư đầy đủ về CNTT. Toàn trường có 22 phòng học, trong đó 18/22 phòng được dự án trang bị bảng tương tác và máy chiếu, còn lại 4 phòng học, nhà trường đã đầu tư tivi 65inch đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong trường học.
Hiện 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường ứng dụng CNTT thành thạo và thuận lợi, hiệu quả trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ứng dụng CNTT, giáo viên sử dụng được các kho học liệu đa dạng, phong phú trên internet, hay những phần mềm về dạy học trong Toán học, các thí nghiệm ảo trong Vật lý, Hóa học, Sinh học… hoặc hình ảnh, tài liệu, video đối với những môn xã hội. Từ đó, góp phần đổi mới và nâng cao phương pháp, chất lượng dạy học.
Những tiết học Toán của thầy Lý Kiều Văn sôi nổi, thu hút học sinh nhờ ứng dụng các trò chơi vào học tập
Là giáo viên trẻ không ngừng đổi mới sáng tạo, thầy Lý Kiều Văn, Trường THPT Đa Kia chú trọng ứng dụng CNTT vào giảng dạy môn Toán để giúp học sinh có thêm nhiều kiến thức, hào hứng trong tiết học.
Toán là môn học khô khan, thế nhưng với sự nhạy bén của người trẻ, thầy Văn đã đưa các ứng dụng trò chơi “Ai là triệu phú”, “Đường lên đỉnh Olympia” lồng ghép kiến thức Toán học để kiểm tra bài cũ và kiến thức của học sinh trong các tiết học. Và đây là một trong những môn học ở trường thu hút sự chú ý nghiêm túc của học sinh để tìm ra đáp án đúng.
Thầy Văn cho biết: Để giúp học sinh hứng thú trong học tập, tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu những ứng dụng trong dạy và học trên mạng, YouTube… nhằm tạo ra các trò chơi, tiết học hấp dẫn, sôi nổi cho học sinh. Cụ thể, tôi đã dùng ứng dụng vẽ hình Geogebra và sử dụng triệt để các ứng dụng trong PowerPoint để bài giảng dễ hiểu, thu hút học sinh. Hiện tôi tìm hiểu thêm một vài ứng dụng Geogebra nền tảng 3D, hay PowerPoint phiên bản mới để hình ảnh sinh động hơn.
Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, dạy và học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông cũng như thực hiện lộ trình chuyển đổi số của ngành giáo dục. Hiện 100% cán bộ, giáo viên Trường THPT Đa Kia ứng dụng tốt CNTT, khai thác hiệu quả các công cụ trình chiếu, soạn và trình bày bài giảng điện tử E-Learning... để tổ chức dạy học. Bên cạnh đó, các giáo viên tích cực hướng dẫn, khuyến khích học sinh tiếp cận và ứng dụng CNTT trong học tập, nghiên cứu.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đa Kia Lê Quốc Hoàng
Nhiều năm liền, Trường THPT Đa Kia đạt top 10 trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh và điểm tốt nghiệp THPT. Cụ thể, năm 2021, tuyển sinh đầu vào của trường chỉ 3,5 điểm/5 môn, thế nhưng đến năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100% và xếp thứ 10/35 trường THPT trong toàn tỉnh; trường có nhiều em điểm xét tổ hợp 3 môn đạt trên 27 điểm. Năm 2022 và 2024, trường được tặng cờ thi đua của Chính phủ.
Lợi thế của công nghệ
Thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” ngành giáo dục, giai đoạn 2020-2025, đặc biệt là ứng dụng CNTT không chỉ giúp thầy cô giáo tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng bài giảng mà còn giúp học sinh tiếp cận thông tin đa chiều, rút ngắn khoảng cách, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm tối ưu về thời gian. Từ đó, giúp học sinh tiếp thu kiến thức, nhận thức và phát triển tư duy tốt hơn.
Thầy Lữ Văn Tập, Tổ trưởng Tổ Sinh học - Công nghệ, Trường THPT chuyên Quang Trung (TP. Đồng Xoài) cho rằng: Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đòi hỏi giáo viên phải sử dụng CNTT rất nhiều trong giảng dạy để đưa học sinh đến gần với kiến thức thực tiễn đời sống. Việc áp dụng CNTT vào giảng dạy rất quan trọng với giáo viên, bản thân tôi sử dụng CNTT liên tục đối với từng bài giảng, từng chuyên đề để học sinh tiếp thu tốt kiến thức.
Khi ứng dụng CNTT trong giảng dạy, thay vì những tiết học chỉ có viết bảng, hình ảnh hạn chế thì khi học với bảng thông minh, màn hình chiếu, hình ảnh trực quan hơn, học sinh có thể trực tiếp tương tác với bảng và có những trò chơi giúp học sinh hiểu bài dễ hơn. Thầy Lý Kiều Văn, Trường THPT Đa Kia nhấn mạnh: Đặc biệt, với Toán lớp 11 có phần hình học không gian, trước đây hình học không gian vẽ trên bảng là mặt phẳng rất khó hình dung. Tuy nhiên, hiện nay nhờ CNTT, các em thấy rõ được hình chóp, hình lập phương trong không gian, từ đó dễ liên tưởng, hiểu bài và làm bài tập hiệu quả hơn.
Cô Trần Thị Yến Anh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng (TP. Đồng Xoài) chia sẻ: Nhà trường đã đưa ứng dụng CNTT vào quản lý, dạy học nhiều năm qua rất hiệu quả, tiết học trở nên sinh động hơn, giúp trẻ được làm quen với các thiết bị thông minh và nhìn thấy những hình ảnh sống động, tương tác tốt với giáo viên... Ngoài ra, CNTT giúp giáo viên có môi trường tìm kiếm thông tin, tài liệu hỗ trợ thêm trong công tác giáo dục.