Ứng dụng công nghệ nâng cao giá trị cây dứa
Trong nhiều năm qua, Hợp tác xã nông nghiệp khóm Tân Phước BMF, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước (Tiền Giang) đã tập hợp nguồn lực để thực hiện các nghiên cứu nhằm giúp nông dân phòng trừ bệnh hại và công nghệ mới để gia tăng giá trị của trái dứa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Huyện Tân Phước là vùng đất trũng phèn của tỉnh Tiền Giang. Thổ nhưỡng nơi đây khá thích hợp để trồng dứa và khoai mỡ. Tuy nhiên, quy trình canh tác 2 loại cây trồng nói trên của đa số nông dân còn theo tập quán cũ nên việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chưa khoa học. Điều này gây ra tình trạng lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, cây dứa giống do nông dân tự để lại từ các vụ trước hoặc mua từ nguồn trôi nổi nên chất lượng không đồng đều. Tình trạng thoái hóa giống xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng cây trồng. Từ đó, trái dứa sản xuất ra bán cho thương lái, với giá không cao.
Nhận thấy những hạn chế đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dứa Tân Phước BMF Nguyễn Tiến Đạt đã cùng với các đối tác của mình thành lập hợp tác xã vào cuối năm 2023.
Hiện, hợp tác xã có 9 thành viên, có trình độ cao về nông nghiệp. Hợp tác xã có nguồn nhân lực đa phần là trẻ, năng động và được đào tạo bài bản, với mong muốn cống hiến và làm giàu cho bản thân, địa phương.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết, hợp tác xã xác định phải tập trung phát triển cây dứa trên vùng đất Tân Phước. Do đó, từ những ngày đầu thành lập, hợp tác xã đã tiến hành khảo sát và nghiên cứu để cây dứa phát triển tốt và đạt năng suất cao, giúp người nông dân đạt tối đa lợi nhuận.
Qua quá trình khảo sát, hợp tác xã đã ghi nhận tình trạng bệnh đỏ đầu lá trên cây dứa do vi khuẩn wilt gây ra và các tác nhân khác như: thổ nhưỡng, cây giống và tuyến trùng. Từ đó, hợp tác xã đã xây dựng liệu trình cho nông dân giải quyết vấn đề về bệnh “khó trị” này.
Vườn dứa có diện tích 1ha của ông Huỳnh Thanh Tiền, ngụ ấp Hưng Điền, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước (Tiền Giang) trước đây bị bệnh đỏ đầu lá. Ông Tiền đã trị bệnh bằng hình thức phỏng đoán theo kinh nghiệm, cho rằng cây bị rệp sáp và nhiễm vi khuẩn wilt.
Tuy nhiên, sau khi sử dụng thuốc phòng trị, tình hình cây dứa vẫn không cải thiện. Do đó, ông Tiền đã nhờ sự hỗ trợ của các cán bộ hợp tác xã để xác định nguyên nhân gây bệnh và có hướng giải quyết.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn dứa của gia đình, ông Tiền tâm sự: “Qua khảo sát, cán bộ hợp tác xã phát hiện ruộng dứa của tôi bị đỏ đầu lá không phải do vi khuẩn wilt mà là do tuyến trùng.
Từ đó, các cán bộ này đã thường xuyên đến thăm đồng và cung cấp thuốc điều trị. Sau 30-40 ngày, vườn dứa của tôi có chuyển biến theo hướng tích cực. Đọt dứa xanh trở lại và không bị đỏ”.
Từ khi thành lập đến nay, hợp tác xã nông nghiệp dứa Tân Phước BMF đã mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; liên kết với Trường đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp cận các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới.
Ngoài ra, hợp tác xã bước đầu còn tiếp cận được các kênh đầu tư quốc tế để có kinh phí nghiên cứu cải tiến quy trình canh tác, tiến tới sản xuất ra sản phẩm sạch nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, hiện tại, hợp tác xã đã nghiên cứu và áp dụng thành công quy trình canh tác cây dứa đạt năng suất cao, tăng khoảng 25% so với sản xuất theo kiểu truyền thống.
Điều này, giúp người dân trồng dứa tăng hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, hợp tác xã còn nghiên cứu phát triển các sản phẩm chế biến từ dứa loại 3, 4 để nâng cao giá trị gia tăng. Theo đó, hợp tác xã đã nghiên cứu và sản xuất nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng như: Chiết tách enzym Bromelain ứng dụng trong nấu nướng giúp đồ ăn nhanh mềm, nước ép dứa với tảo xoắn có hàm lượng dinh dưỡng cao, chiết xuất mùi từ quả dứa để sản xuất sáp thơm.
Hiện tại, hợp tác xã đang xây dựng cây đầu dòng giống dứa Queen, thiết lập đời F0 với 49 cây dứa Queen.
Dự kiến 1,5 năm nữa, hợp tác xã sẽ hoàn thiện để xin chứng nhận cây dứa đầu dòng. Ngoài ra, hợp tác xã cũng phối hợp với các chuyên gia và cơ quan thực hiện các đề tài khoa học tập trung vào sản xuất và bảo quản trái dứa sau thu hoạch.
Đề tài nghiên cứu bảo quản dứa MD2 và tiểu phần dứa Queen đang được hợp tác xã phối hợp với Đại học Quốc tế thực hiện. Đề tài khi hoàn thành sẽ cung cấp giải pháp công nghệ mới bảo quản bằng khí giúp kéo dài thời gian bảo quản trái dứa MD2 khoảng 40-45 ngày và kỳ vọng có thể đạt 60 ngày. Đối với trái dứa Queen có thể đạt 30 ngày khi áp dụng công nghệ.
Ông Nguyễn Tiến Đạt khẳng định: “Các nghiên cứu của hợp tác xã nhằm hướng tới nghiên cứu ứng dụng chứ không phải nghiên cứu cơ bản. Các nghiên cứu hướng đến mục tiêu khi hoàn thành có thể sử dụng để nâng cao giá trị của trái dứa”.