Ứng dụng công nghệ, chuyển sản xuất nông nghiệp theo hướng 'thuận thiên'

Là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, đất đai phù sa, màu mỡ, An Giang có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Cá rô đồng tự nhiên sống trong ruộng thí điểm trồng sen mua lũ trong dự án Dự án Mekong NbS tại xã Vĩnh Trung (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang).

Cá rô đồng tự nhiên sống trong ruộng thí điểm trồng sen mua lũ trong dự án Dự án Mekong NbS tại xã Vĩnh Trung (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang).

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã và đang là thách thức lớn đã, ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến một trong những vựa lúa lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Trong bối cảnh đó, An Giang đang từng bước thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn ứng dụng các giải pháp về công nghệ, sinh thái để nâng cao giá trị sản xuất, góp phần tăng thu nhập, giảm tác động đến môi trường, hướng đến một nền sản xuất xanh và bền vững.

Lợi ích đa chiều

Là một trong những nông dân tiên phong tham gia ứng dụng mô hình “trồng sen, nuôi cá trê vàng, làm khô, kết hợp du lịch sinh thái”, ông Nguyễn Tấn Tài (xã Vĩnh Trung, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã tận dụng tối đa diện tích đất và nguồn nước, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp canh tác lúa truyền thông trước đây, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Tài cho biết: đất sản xuất của gia đình nằm ở vùng đệm kênh Trà Sư, chỉ sản xuất lúa được 2 vụ/năm, mùa lũ đất bỏ hoang nên kinh tế gia đình không ổn định. Khi được tiếp cận với mô hình mới từ Dự án Mekong NbS do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tài trợ với sự tư vấn của các chuyên gia đến từ Viện Biến đổi khí hậu- Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) triển khai thí điểm tại xã Văn Giáo và Vĩnh Trung (thị xã Tịnh Biên) ông đã mạnh dạn tham gia. Với gần 1 ha đất của gia đình, ông Tài đã liên kết với 5 hộ dân có đất liền kề và thuê thêm 44 ha đất xung quanh để phát triển mô hình.

Tham gia mô hình này, nông dân được Dự án Mekong NbS hỗ trợ gần 180 triệu đồng (gồm cá trê giống, lưới đăng bao quanh ruộng, sen giống, thức ăn cho cá, đầu tư làm khô cá,…), người dân tham gia đối ứng hơn 200 triệu đồng (chủ yếu là chi phí mua cây để rào lưới bao quanh ruộng và công lao động,…). Sau hơn 3 tháng triển khai, mô hình này mang lại doanh thu gần 420 triệu đồng, trừ chi phí nông dân lãi ròng hơn 160 triệu đồng.

Chế biến cá khô từ cá nuôi trong ruộng thí điểm trồng sen mua lũ trong dự án Dự án Mekong NbS.

Chế biến cá khô từ cá nuôi trong ruộng thí điểm trồng sen mua lũ trong dự án Dự án Mekong NbS.

“Mô hình này canh tác này hoàn toàn dựa vào tự nhiên, gần như không sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật nhưng mang lại nguồn thu nhập rất cao; trên cùng một diện tích canh tác, nông dân có thể gia tăng được lợi nhuận với nguồn thu từ cây sen (ngó sen, gương sen lụa, gương sen, hoa sen,…), cá (cá trê vàng thả nuôi và cá tự nhiên) và khách du lịch. Chưa kể, số cá trê vàng và cá đồng nếu không bán liền có thể chế biến thành khô để bán lâu dài .” ông Tài chia sẻ.

Đặc biệt, tham gia mô hình, bà con nông dân được hỗ trợ, kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp và start-up tiêu thụ sản phẩm như: trà sen, gương sen, khô cá OCOP,… nhằm tạo giá trị gia tăng, vừa mang lại thu nhập vừa quảng bá sản phẩm cũng như hình ảnh của địa phương.

Thạc sĩ Trịnh Phước Nguyên, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu - Trường Đại học An Giang cho biết: An Giang có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển nông nghiệp hữu cơ, theo hướng “thuận thiên”. Đây được xem là xu thế tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí khâu đang đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long cũng như ngành nông nghiệp của Việt Nam và thế giới.

Cùng với đó là xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sạch và tự nhiên của người dân sẽ giúp tăng giá trị thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, được sản xuất theo hướng “thuận thiện”,… với giá bán cạnh tranh hơn.

Thực tế, tại An Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp canh tác nông nghiệp theo hướng “thuận thiên” như: “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”; mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; chăn nuôi tuần hoàn; kinh tế dưới tán rừng; mô hình trữ cá tự nhiên, nuôi bổ sung cá mùa lũ và dưỡng lúa chét; trữ cá tự nhiên, nuôi bổ sung cá, kết hợp trồng sen và làm du lịch sinh thái; mô hình trồng lúa ngập sâu mùa lũ,… đã mang lại hiệu quả bước đầu, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Tối ưu hóa lợi nhuận

Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh An Giang đã và đang đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại An Giang.

Mô hình thí điểm trồng sen mùa lũ trong dự án Dự án Mekong NbS triển khai thí điểm tại xã Vĩnh Trung (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình thí điểm trồng sen mùa lũ trong dự án Dự án Mekong NbS triển khai thí điểm tại xã Vĩnh Trung (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng thời, duy trì, nhân rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái - hữu cơ để cải tạo, bảo vệ môi trường… từ đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ để gia tăng giá trị sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ, liên kết tiêu thụ sản phẩm… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Lưu Thị Lan, Quản lý dự án Mekong NbS, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) cho biết, WWF Việt Nam hiện đang triển khai thí điểm 7 mô hình sinh kế “thuận thiên” tại tỉnh An Giang. Thông qua các mô hình này, WWF Việt Nam mong thay đổi thói quen canh tác nông nghiệp của người nông dân, hướng đến phương pháp canh tác truyền thống, dựa vào thiên nhiên, vừ giúp đất thêm màu mỡ, vừa tăng năng suất, giảm dịch bệnh. Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

Để từng bước chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ, xu hướng “thuận thiên”, bà Lưu Thị Lan cho rằng, thời gian tới An Giang cần thực hiện có hiệu quả đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi nhuận và đảm bảo tính bền vững lâu dài, An Giang cần tập trung vào việc giảm chi phí lao động và phân bón thông qua cơ giới hóa cũng như cải tiến quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch quản lý linh hoạt để ứng phó với biến đổi khí hậu và tối ưu hóa lịch thời vụ trong năm.

"Tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và phát triển du lịch sinh thái sẽ giúp tăng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương", bà Lưu Thị Lan, Quản lý dự án Mekong NbS, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam lưu ý.

Ðể ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trần Thanh Hiệp cho biết: Thời gian tới, An Giang sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Riêng năm 2025, tỉnh phấn đấu có 44.051 ha diện tích sản xuất đạt các tiêu chí của quy trình sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, thời gian qua, nông dân tham gia thực hiện Đề án một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đã mang lại kết quả tích cực, giúp giảm chi phí, giảm phát thải, tăng năng suất, chất lượng. Đây là tiền đề để đề án càng ngày được lan rộng hơn ở các năm tiếp theo tại An Giang.

Với diện tích hơn 8ha trồng sen kết hợp nuôi cá trê vàng, làm khô và du lịch sinh thái mang lại thu nhập trên 217 triệu đồng từ tiền bán các sản phẩm từ cây sen.

Với diện tích hơn 8ha trồng sen kết hợp nuôi cá trê vàng, làm khô và du lịch sinh thái mang lại thu nhập trên 217 triệu đồng từ tiền bán các sản phẩm từ cây sen.

“Với 8.536 ha tham gia Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh trong năm 2024, kết quả cho thấy, đã giảm lượng giống trung bình 67kg lúa giống/ha theo mô hình 80kg/ha, ruộng đối chứng từ 120 -170 kg/ha; năng suất ruộng trung bình cao hơn đối chứng 0,1 tấn/ha; chi phí sản xuất giảm trung bình 4 - 5 triệu đồng/ha; lợi nhuận mô hình cao hơn đối chứng từ 3,6-5,3 triệu đồng/ha; nông dân ứng dụng về cơ giới hóa trong thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đạt trên 70% ở các khâu trong sản xuất lúa”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trần Thanh Hiệp phân tích.

Bên cạnh đó, tỉnh An Giang sẽ tăng cường chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển nông nghiệp; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng một cách hiệu quả để nâng cao giá trị nông nghiệp, khắc phục được những bất cập trong tiêu thụ nông sản…

Bài và ảnh: Công Mạo (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ung-dung-cong-nghe-chuyen-san-xuat-nong-nghiep-theo-huong-thuan-thien-20250211082513414.htm
Zalo