Ứng dụng AI giúp tăng trưởng bất động sản công nghiệp xanh
Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, nhu cầu về phát triển bền vững và thân thiện với môi trường đang ngày càng được chú trọng. Trong đó, yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi này là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) các khu công nghiệp và nhà máy thông minh.
Ứng dụng AI trong bất động sản công nghiệp
Ông Thomas Rooney - Phó Giám đốc Bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Hà Nội, nhận định: “Trong các dự án công nghiệp, AI đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý năng lượng, tự động hóa, tối ưu hóa tài nguyên và cải thiện thiết kế. Các thuật toán AI có thể theo dõi và cải thiện hiệu suất vận hành thông qua việc điều khiển ánh sáng, hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng không khí (HVAC), các hệ thống khác thích ứng theo thời gian thực. AI đồng thời hỗ trợ giám sát việc sử dụng tài nguyên và dự đoán nhu cầu bảo trì, từ đó giảm thiểu lãng phí và chi phí. Ngoài ra, thiết kế phái sinh và mô phỏng bằng AI giúp kiến trúc sư và nhà phát triển dự án trong việc tạo ra các tòa nhà tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường”.
Đối với các dự án xây dựng với mục tiêu đạt chứng nhận tiêu chuẩn xanh quốc tế thì việc đảm bảo dự án có thể đạt được các tiêu chuẩn như LEED, BREEAM hay Lotus thường khá phức tạp. Nhưng, AI có thể hỗ trợ đơn giản hóa quy trình này. Các nền tảng tích hợp AI có thể theo dõi và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững trong suốt vòng đời dự án, từ thiết kế, thi công cho đến vận hành.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp ưu tiên yếu tố bền vững và tìm kiếm các mặt bằng đạt chứng chỉ xanh, bất động sản công nghiệp ứng dụng AI có thể đạt được giá thuê và tỷ lệ thuê cao hơn. Việc đầu tư vào công nghệ xanh có tích hợp AI đồng thời cải thiện hiệu suất năng lượng và tăng mức độ hài lòng của khách thuê.
Ông Rooney cũng nhấn mạnh, trong tương lai gần, các cơ quan quản lý có thể yêu cầu bắt buộc áp dụng AI trong quản lý tòa nhà nhằm đáp ứng các mục tiêu về hiệu quả năng lượng và phát triển bền vững. Ông chia sẻ: “Với tốc độ phát triển của công nghệ và chính sách biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm ngặt, quản lý tòa nhà bằng AI có thể không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Các nhà phát triển bất động sản công nghiệp cần chủ động nắm bắt xu hướng này”.

Ứng dụng AI trong bất động sản công nghiệp. Ảnh minh họa
Cơ hội nhưng thách thức còn lớn
Bên cạnh lợi ích, việc ứng dụng AI còn đặt ra một số thách thức về tính bền vững. Các công nghệ ứng dụng AI cần lượng lớn tài nguyên tính toán để đào tạo mô hình, xử lý và lưu trữ dữ liệu. Theo dự báo của Gartner, với tốc độ hiện nay, AI có thể sử dụng đến 3,5% tổng lượng tiêu thụ điện toàn cầu vào năm 2030. Điều này đặt ra áp lực cho nỗ lực giảm thiểu điện năng tiêu thụ để đạt mục tiêu phát triển bền vững và tuân thủ các quy định về sử dụng năng lượng.
Tuy nhiên, AI vẫn là công cụ then chốt giúp các tòa nhà hoạt động hết công năng. Thực tế, các nhà phát triển AI đang ngày càng hiểu rõ hơn về tác động carbon của công nghệ này và không ngừng nghiên cứu các giải pháp giúp giảm thiểu phát thải. Các tập đoàn công nghệ lớn đang thực hiện nhiều sáng kiến nhằm giảm thiểu tác động của AI tới môi trường. Amazon, một trong những đơn vị vận hành trung tâm dữ liệu hàng đầu, đang chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo, kéo dài tuổi thọ máy chủ và hướng đến mục tiêu đạt trạng thái “nước dương” vào năm 2030 - tức trả lại cho cộng đồng lượng nước nhiều hơn mức tiêu thụ để làm mát hệ thống.
Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm rõ ràng trong việc thúc đẩy phát triển AI, góp phần vào sự phát triển của các công trình xanh. Trên toàn quốc, số lượng các tòa nhà xanh đang gia tăng, với mức tăng trưởng ghi nhận gần đây là 8% và được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì trong năm tới. Các nhà phát triển lớn như LÕ-GOI (với các dự án tại Hưng Yên hoặc Yên Phong - Bắc Ninh, dự kiến hoàn thành vào quý II/2025) hay Frasers đang tích cực tích hợp yếu tố bền vững vào các dự án nhà xưởng và kho vận.

Ứng dụng AI giúp tăng trưởng bất động sản công nghiệp xanh tại Việt Nam. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, việc áp dụng AI tại Việt Nam vẫn còn gặp thách thức, đặc biệt là các giới hạn về nguồn điện tại các thị trường cấp 1. Ông Rooney nhận định: “Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn địa điểm đầu tư, nhưng việc hạn chế về nguồn điện tại các khu công nghiệp tại thị trường cấp 1 đang khiến nhà đầu tư cân nhắc đến các vị trí ít cạnh tranh hơn. Chúng tôi kỳ vọng rằng, các dự án công nghiệp xanh ứng dụng AI sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt tại các địa phương cấp 2 - nơi có quỹ đất dồi dào và điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng phù hợp”.
Ngoài ra, nhiều quan điểm trái chiều về tác động của AI đến công việc vẫn còn tồn tại. Báo cáo của ManpowerGroup cho thấy, chỉ 56% nhân sự tuyến đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cảm thấy lạc quan về tác động của AI đến công việc của họ.
Ông Hoàng Nguyễn - Giám đốc Kinh doanh toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam nhận định, trước những thách thức lớn về thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng liên quan đến AI, cùng với chi phí đầu tư cao và các lo ngại về bảo mật cũng như quy định pháp lý, doanh nghiệp nên tập trung vào việc đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ hiện tại để thu hẹp khoảng cách kỹ năng và đẩy nhanh quá trình ứng dụng AI”.
Một khó khăn khác tại Việt Nam là tư duy vận hành truyền thống khiến các doanh nghiệp còn dè dặt trong việc tiếp cận các giải pháp mới dựa trên AI. Chi phí đầu tư ban đầu và đào tạo nhân lực cũng là những yếu tố cần cân nhắc. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các cơ sở có tích hợp AI giúp nâng cao giá thuê và hiệu quả vận hành, từ đó mang lại lợi nhuận cao hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp bất động sản cần tích cực xem xét và đưa AI vào chiến lược phát triển các dự án kho xưởng mới.