Ứng biến pháp lý của doanh nghiệp Việt trước 'bức tường thuế quan' của Mỹ
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới của Mỹ (thuế đối ứng) vào ngày 2-4-2025, với mức thuế dự kiến lên đến 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, có thể đặt doanh nghiệp xuất khẩu vào thế khó. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên chủ động ứng biến từ góc độ pháp lý để giảm tác động của chính sách thuế mới này.

Thông tin mới nhất về thuế đối ứng là vào ngày 9-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, sẽ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với tất cả các đối tác thương mại không trả đũa Mỹ. Cũng trong ngày, Phía Việt Nam cho biết là sẽ khởi động đàm phán với Mỹ. Ảnh: Getty Images
Lập trường của Mỹ
Sau khi tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định thuế quan sẽ tiếp tục là “vũ khí chiến lược” trong nhiệm kỳ mới của ông. Trong tuyên bố đầu năm tại Nhà Trắng, ông nhấn mạnh loạt thuế mới đánh vào Canada, Mexico và Trung Quốc chỉ là khởi đầu, đồng thời tuyên bố sẽ áp thuế tiếp theo lên Liên minh châu Âu (EU) và hàng loạt nhóm hàng hóa chiến lược khác như chip bán dẫn, dầu khí, thép, nhôm, đồng và dược phẩm.
Thuế “đối ứng” được ông Trump lý giải là để đáp trả hàng chục năm bất công trong thương mại toàn cầu, dù giới quan sát lo ngại đây là sự phá vỡ lớn nhất các chuẩn mực thương mại quốc tế kể từ Thế chiến thứ II.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 đạt khoảng 142 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần 30% GDP và đem lại mức thặng dư thương mại hơn 123 tỉ đô la Mỹ.
Không ít doanh nghiệp Mỹ đang đối mặt với những tác động rõ rệt từ chính sách thuế mới. Với Nike - một trong những thương hiệu giày thể thao lớn nhất thế giới - hiện đặt khoảng một phần tư sản lượng tại Việt Nam, chính sách thuế mới đồng nghĩa chi phí nhập khẩu sẽ tăng mạnh. Các “ông lớn” khác như Adidas, Steve Madden, Deckers (sở hữu các thương hiệu Ugg và Hoka) hay VF Corporation (nắm The North Face, Vans, Timberland...) cũng có chuỗi cung ứng gắn chặt với Việt Nam và khó tránh khỏi ảnh hưởng.
Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ cần chủ động rà soát bộ hồ sơ giao dịch - đặc biệt là hợp đồng - để xác định có điều khoản nào có thể viện dẫn. Đồng thời, nên chủ động trao đổi với đối tác về khả năng điều chỉnh điều kiện hợp đồng và tìm đến tư vấn pháp lý kịp thời để xác định chiến lược ứng phó hiệu quả và phù hợp nhất.
Dù còn tranh cãi, chính sách thuế quan mới của ông Trump chắc chắn sẽ vẽ lại bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam và các nước đang tích cực đàm phán với Mỹ về chính sách thuế và mức thuế.
Với Việt Nam, thách thức là hiện hữu. Đối với doanh nghiệp Việt, chúng ta cần ứng biến thế nào?
Ứng biến của doanh nghiệp Việt đang có giao thương với đối tác tại Mỹ
Doanh nghiệp Việt có quan hệ thương mại với đối tác Mỹ sẽ là nhóm chịu tác động sớm từ chính sách thuế mới. Tình huống càng khó xử hơn nếu doanh nghiệp là bên bán, đã ký hợp đồng với điều khoản giá đã bao gồm thuế nhập khẩu tại Mỹ.
Trong trường hợp đó, khi thuế nhập khẩu tăng vọt lên 46%, phần chi phí này sẽ do phía doanh nghiệp Việt gánh trọn, khiến mỗi lô hàng xuất đi là một thương vụ lỗ. Nếu hợp đồng không có điều khoản chia sẻ rủi ro hay điều chỉnh giá, doanh nghiệp rất dễ rơi vào thế bị động và thiệt hại lớn.
Liệu có lối “thoát hiểm” nào cho doanh nghiệp? Ít nhất từ khía cạnh pháp lý, có một số giải pháp trước mắt để doanh nghiệp ứng biến.
Thứ nhất, một trong những “lối thoát” pháp lý doanh nghiệp có thể cân nhắc là viện dẫn điều khoản bất khả kháng (force majeure) nếu hợp đồng có quy định. Việc Mỹ bất ngờ áp thuế 46% có thể được xem là sự kiện ngoài tầm kiểm soát, khiến việc thực hiện hợp đồng trở nên không khả thi về mặt tài chính.
Tuy nhiên, điều khoản bất khả kháng chỉ phát huy hiệu lực nếu được soạn thảo rõ ràng, và việc tăng thuế được liệt kê cụ thể là một rủi ro bất khả kháng. Thực tế cho thấy nhiều hợp đồng mua bán quốc tế không được lập thành văn bản chi tiết mà chỉ thể hiện qua Phiếu đặt hàng (Purchase Order), khiến việc viện dẫn càng cần thận trọng hơn. Trong trường hợp này, bên bán có thể căn cứ vào quy định bất khả kháng theo luật điều chỉnh hợp đồng hoặc luật thương mại quốc tế để áp dụng khi xem xét tình huống tăng thuế này. Dù vậy, doanh nghiệp không nên quá kỳ vọng vào điều khoản này nếu chưa được dự liệu trước trong hợp đồng mua bán.
Với 17 FTA, Việt Nam đang nắm trong tay cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada... Doanh nghiệp phải rà soát lại hợp đồng thương mại, bảo đảm tuân thủ luật pháp sở tại và các cam kết FTA. Lúc này, phòng pháp chế không chỉ là “người gác cổng” mà phải trở thành “người mở đường” cho chiến lược phát triển dài hạn.
Thứ hai, một phương án pháp lý khác doanh nghiệp có thể cân nhắc là điều khoản “thay đổi hoàn cảnh cơ bản” (hardship). Đây là tình huống khi hợp đồng vẫn có thể thực hiện, nhưng nếu làm theo điều kiện cũ thì bên bán sẽ chịu thiệt hại nặng nề so với lúc ký hợp đồng.
Việc Mỹ đột ngột tăng thuế lên 46% có thể được xem là một sự thay đổi bất lợi nghiêm trọng, khiến giá trị thương mại ban đầu không còn phù hợp. Khi đó, bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu đàm phán lại giá hoặc điều chỉnh các điều kiện hợp đồng để cân bằng lợi ích.
Thứ ba, một giải pháp pháp lý nên được ưu tiên ngay từ đầu là điều khoản “thay đổi luật pháp”. Đây là “phao cứu sinh” cho hợp đồng được soạn thảo “có tầm nhìn xa”, giúp hai bên ứng biến khi pháp luật thay đổi ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng.
Nếu hợp đồng có điều khoản này, doanh nghiệp có thể viện dẫn chính sách thuế mới của Mỹ là yếu tố thay đổi luật, gây gánh nặng tài chính ngoài dự tính. Từ đó, doanh nghiệp có cơ sở yêu cầu đàm phán lại để phân bổ lại nghĩa vụ thuế giữa các bên một cách công bằng.
Thứ tư, doanh nghiệp phải kiểm tra và xác định được luật nào điều chỉnh hợp đồng mua bán đã ký. Luật điều chỉnh hợp đồng sẽ là “phao cứu sinh” sau cùng mà doanh nghiệp sử dụng để bảo vệ quyền của mình; vai trò của luật điều chỉnh hợp đồng càng quan trọng hơn trong bối cảnh các bên không ký kết hợp đồng mua bán mà chỉ thực hiện theo thông lệ đặt hàng qua Phiếu đặt hàng. Ở các luật điều chỉnh, doanh nghiệp sẽ tìm thấy các cơ sở pháp lý chỉ dẫn cho việc hành động của mình (có thể là thương lượng lại hợp đồng hoặc miễn trách nhiệm) trong bối cảnh việc thực hiện hợp đồng đã ký chịu tác động lớn từ chính sách thuế mới của Mỹ.
Nếu hợp đồng chọn luật Việt Nam, doanh nghiệp có thể áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng (điều 156) hoặc hoàn cảnh thay đổi cơ bản (điều 420) theo Bộ luật Dân sự 2015. Pháp luật Việt Nam có lợi thế gần gũi, quen thuộc với doanh nghiệp Việt hơn.
Nếu hợp đồng chọn Công ước Viên (CISG), cần tham vấn chuyên gia vì việc đọc hiểu và vận dụng điều 79 không hề đơn giản. Quy định này cho phép bên bị ảnh hưởng thương lượng hoặc chấm dứt hợp đồng nếu việc thực hiện trở nên quá khó khăn do sự kiện bất ngờ như việc tăng thuế 46%.
Trong trường hợp hợp đồng áp dụng luật Mỹ, có thể là Luật Hợp đồng thống nhất (UCC), doanh nghiệp cần chú ý đến học thuyết “commercial impracticability” tại điều 2-615. Quy định này cho phép sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng khi việc thực hiện trở nên quá bất lợi vì lý do khách quan; nhưng để áp dụng thành công, doanh nghiệp Việt sẽ phải đầu tư thời gian, chi phí và tham vấn luật sư Mỹ để bảo vệ quyền lợi.
Tóm lại, việc Mỹ đột ngột nâng thuế nhập khẩu lên 46% có thể được xem là sự kiện bất khả kháng, hoàn cảnh thay đổi cơ bản, hoặc thay đổi chính sách pháp luật - tùy theo cách hợp đồng giữa các bên được soạn thảo và luật trực tiếp điều chỉnh hợp đồng. Tuy nhiên, sẽ không có quy định pháp luật nào giúp trả lời ngay và rõ ràng rằng khi nào một sự kiện được xem là “thay đổi cơ bản” hay “bất khả kháng”, nên doanh nghiệp phải cung cấp đủ bằng chứng thuyết phục cho hoàn cảnh riêng của mình và phụ thuộc hoàn toàn vào đánh giá của cơ quan giải quyết tranh chấp.
Do đó, nếu hợp đồng mua bán có thỏa thuận rõ ràng về các tình huống như bất khả kháng hay thay đổi chính sách thuế là thay đổi hoàn cảnh cơ bản, doanh nghiệp sẽ có cơ sở pháp lý vững hơn để xử lý tình huống. Đây là giá trị của một hợp đồng được đầu tư bài bản, khác với việc chỉ sử dụng Phiếu đặt hàng hoặc hợp đồng sơ sài.
Dĩ nhiên, doanh nghiệp Việt có quyền khởi xướng áp dụng các điều khoản trên để thương lượng lại hợp đồng với đối tác Mỹ; nhưng nếu đối tác không đồng thuận, tranh chấp là điều khó tránh, và khi đó con đường tố tụng sẽ là lựa chọn cuối cùng.
Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ cần chủ động rà soát bộ hồ sơ giao dịch - đặc biệt là hợp đồng - để xác định có điều khoản nào có thể viện dẫn. Đồng thời, nên chủ động trao đổi với đối tác về khả năng điều chỉnh điều kiện hợp đồng và tìm đến tư vấn pháp lý kịp thời để xác định chiến lược ứng phó hiệu quả và phù hợp nhất.
Doanh nghiệp xuất khẩu cần tỉnh táo và chủ động trước “bức tường thuế quan”
Chính sách thuế mới từ chính quyền ông Trump là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ: đã đến lúc doanh nghiệp Việt phải nhìn nhận lại cách tham gia sân chơi toàn cầu, nơi luật lệ và tiêu chuẩn tiến bộ là điều không thể xem nhẹ. Trong bối cảnh bất ổn này, mọi doanh nghiệp xuất khẩu - không chỉ sang Mỹ mà cả các thị trường khác - bên cạnh việc đầu tư dồn lực vào phát triển kinh doanh thì còn cần phải đầu tư đúng mực vào việc quản trị rủi ro pháp lý như một yếu tố sống còn.
Đầu tiên, hãy đầu tư nghiêm túc cho hợp đồng mua bán đầy đủ, rõ ràng, nghĩa là không chỉ có điều khoản về giá, điều kiện giao hàng hay thanh toán, mà còn cần có các “điều khoản phòng thủ” như bất khả kháng, thay đổi hoàn cảnh cơ bản, thay đổi pháp luật. Đây là những công cụ pháp lý giúp doanh nghiệp thương lượng lại điều khoản, điều chỉnh giá, hoặc phân bổ rủi ro khi luật chơi mới đột ngột áp dụng.
Tiếp theo, đừng coi nhẹ việc khai báo mã HS và trị giá hải quan. Trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn phó mặc việc này cho các đại lý logistics, chỉ một sai sót nhỏ trong phân loại cũng đủ khiến doanh nghiệp bị truy thu thuế hoặc phạt hành chính. Hãy rà soát kỹ mã HS cho cả sản phẩm hoàn chỉnh lẫn từng linh kiện, đồng thời kiểm tra lại trị giá hải quan theo quy định hiện hành.
Cuối cùng, hãy chủ động mở đường thoát hiểm bằng chính các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký. Mỹ là thị trường lớn nhưng không phải là duy nhất. Với 17 FTA, Việt Nam đang nắm trong tay cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada... Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, doanh nghiệp phải rà soát lại hợp đồng thương mại, bảo đảm tuân thủ luật pháp sở tại và các cam kết FTA. Lúc này, phòng pháp chế không chỉ là “người gác cổng” mà phải trở thành “người mở đường” cho chiến lược phát triển dài hạn.