Ùn tắc giao thông và nỗi lo vận chuyển chậm làm tăng giá hàng hóa
Những hệ lụy dây chuyền cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là khó tránh khỏi trước thực trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng ở Tp.HCM ngay trong tháng đầu của năm 2025 và mùa cao điểm mua sắm Tết. Điều này rất cần cải thiện nhanh, cũng như có giải pháp căn cơ trước 'bài toán' quá tải hạ tầng giao thông.
Ghi nhận ở Tp.HCM trong nửa đầu tháng 1/2025 cho thấy mức độ ách tắc giao thông trở nên nghiêm trọng trên các giao lộ từ khu vực nội đô cho đến ngoại thành. Nguyên nhân do mật độ phương tiện chở hàng hóa tăng cao trong mùa mua sắm Tết và vì Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 với mức phạt cao cho các vi phạm, đã tác động lớn đến ý thức của người đi đường.
Nguy cơ "đứt" hàng cục bộ vì... ùn tắc giao thông
Điều này khiến các doanh nghiệp (DN) đối mặt với chậm trễ vận chuyển, tác động dây chuyền đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa. Như tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Công Thương với TP HCM về chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, đại diện một số chợ đầu mối nông sản, siêu thị phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa của họ trong những ngày qua.
Ông Lê Hoàng Phong, Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, bày tỏ mối lo giá thịt lợn có thể sẽ bị đẩy lên nếu tiếp diễn tình trạng kẹt xe nặng nề quanh chợ đầu mối dẫn tới hàng chuyển từ cơ sở giết mổ về chợ không kịp.
Còn theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, với tình hình ách tắc giao thông như hiện tại sẽ có nguy cơ bị đứt hàng cục bộ với mặt hàng tươi sống, rau củ quả phải đưa về mỗi ngày. Điều đó khiến cho nhóm hàng này có nguy cơ tăng giá. Ngoài ra, do kẹt xe nên shipper giao hàng cho khách mua sắm thông qua kênh trực tuyến (online) cũng gặp khó khăn.
Mặc dù vậy, dưới góc độ một DN chuyên về xuất khẩu nông sản, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho rằng không thể vì muốn vận chuyển nhanh hơn mà làm sai luật. Vì vậy, việc tăng mức phạt như Nghị định 168/2024/NĐ-CP có tính răn đe của pháp luật, sẽ giúp phân luồng giao thông về sau được tốt hơn.
Theo ông Tùng, phía công ty hiện chưa chịu tác động về mặt chi phí và thời gian do ảnh hưởng bởi tình trạng kẹt xe và tăng mức phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168. Tuy nhiên, với đơn vị vận tải đang làm dịch vụ cho công ty có thể sẽ bị ảnh hưởng, nhất là theo hợp đồng đã ký, đòi hỏi họ phải đáp ứng những yêu cầu về mặt giờ giấc khi vận chuyển hàng hóa.
Không riêng gì ông Tùng, các nhà đầu tư nước ngoài ở Tp.HCM cũng mong muốn việc nâng cao ý thức giao thông cần được thực hiện được tốt hơn, để từ đó sẽ giảm ách tắc giao thông một cách căn cơ nhằm không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Như kiến nghị gần đây của Hiệp hội DN Nhật Bản tại Tp.HCM (JCCH), bên cạnh việc tăng cường xử lý vi phạm thì nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông cũng rất quan trọng.
Theo JCCH, vấn đề vượt đèn đỏ, đi ngược chiều và chạy xe trên vỉa hè đều là hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ và rất nguy hiểm. Phía hiệp hội ý thức được rằng vấn đề này khó giải quyết triệt để được ngay lập tức, nhưng mong rằng sẽ có sự tuyên truyền, chỉ đạo liên tục và kịp thời để đảm bảo người dân có ý thức tuân thủ luật giao thông.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng tình trạng ách tắc như hiện tại còn nằm ở vấn đề hạ tầng giao thông. Như lưu ý của Tiểu ban Vận tải và Hậu cần thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), hạ tầng đường bộ xung quanh Tp.HCM vẫn chưa đạt tiêu chuẩn như các khu vực phía Bắc. Cần làm rõ kế hoạch cải thiện kết nối vào Tp.HCM.
Chờ giải “bài toán” quá tải hạ tầng giao thông
Hơn thế nữa, việc quá tải hạ tầng giao thông khiến cho vấn đề kẹt xe càng trở nên nghiêm trọng và gây nhiều hệ lụy đến sản xuất kinh doanh. Nhất là tình trạng chậm trễ khi vận chuyển hàng hóa. Nhiều DN lúc nào cũng phải lo lắng cho việc vận chuyển hàng hóa đi trên đường vì sợ kẹt xe, ảnh hưởng đến thời gian xuất hàng hóa.
Một thực trạng thấy rõ là hiện nay Tp.HCM đang phải đối diện với những vấn đề của một đô thị lớn có dân số tăng quá nhanh. Hạ tầng giao thông Tp.HCM đã trở nên xuống cấp, quá tải, thường xuyên ùn tắc.
Chính vì thế, trong Báo cáo Kinh tế Tp.HCM mới đưa ra của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Tp.HCM và Cục Thống kê Tp.HCM, có khuyến nghị trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Tp.HCM cần phải tập trung nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm. Việc tập trung phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển một cấu trúc nền tảng của một bộ máy sản xuất năng suất cao và một đô thị tiện nghi.
Như lưu ý trong báo cáo này, một trong những thách thức của Tp.HCM trong năm 2025 là cơ sở hạ tầng vốn đã và đang phải chịu quá tải trong một thời gian dài, trong đó bao gồm giao thông vận tải. Sự quá tải của cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố khiến chi phí đầu vào sản xuất của các DN và chi phí sinh hoạt của người lao động còn cao. Điều này khiến cho Tp.HCM giảm khả năng thu hút vốn đầu tư.
Do đó, bản báo cáo Kinh tế Tp.HCM đã nhấn mạnh “tốc độ giải quyết thách thức về cơ sở hạ tầng sẽ góp phần quyết định tốc độ tăng trưởng của Thành phố trong năm 2025 và đóng vai trò then chốt trong việc quyết định tốc độ tăng trưởng trong kỷ nguyên tiếp theo”.
Xét về quá tải hạ tầng giao thông, còn có thể thấy rõ ở lĩnh vực hàng không. Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KBSV, tình trạng quá tải tại các cảng hàng không lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Tân Sơn Nhất ngày càng trở nên nghiêm trọng trong những năm gần đây. Nguyên nhân chính do lưu lượng hành khách và hàng hóa gia tăng nhanh chóng trong khi các dự án nâng cấp cảng, xây dựng hệ thống giao thông kết nối hiệu quả triển khai chậm.
Trong khi đó, thông lượng hàng hóa qua cảng hàng không năm 2025 được dự báo vẫn sẽ đạt mức tăng 10 – 15% so với 2024. Trong bối cảnh nhiều sân bay chủ chốt đang quá tải và hoạt động vượt công suất thiết kế dẫn đến tăng chi phí hoạt động như hiện nay, Bộ phận phân tích của KBSV chỉ rõ việc nâng cấp, mở rộng và xây mới các cảng hàng không là cần thiết và gấp rút.
Nói chung, nếu nhìn vào tình hình ách tắc giao thông nghiêm trọng ở Tp.HCM như hiện giờ sẽ thấy có nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhanh để giảm thiểu phần nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Trong đó, ngoài việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông thì cần có giải pháp căn cơ, tập trung nâng cấp mở rộng hạ tầng giao thông là rất cần thiết trong lúc này.