Ukraine và phương Tây hợp lực phá thế áp đảo của pháo binh Nga
Nga đã tăng cường sản xuất các hệ thống pháo kể từ khi cuộc xung đột với Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, vượt xa các nước phương Tây về khối lượng.
Trong khi đó, NATO và các đối tác của Ukraine cũng đang nỗ lực gia tăng quy mô sản xuất, nhưng vẫn chưa rõ họ có đủ số lượng đạn pháo để đối phó với Moscow hay không.
Số lượng đạn pháo mà Nga sử dụng đã "giảm gần một nửa" sau khi quân đội Ukraine tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các dây chuyền sản xuất và kho dự trữ của nước này, Tướng Oleksandr Syrskyi, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình TSN.
![Binh sỹ Ukraine đứng cạnh lô đạn pháo đã qua sử dụng tại Donetsk. Ảnh: Ukrinform](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_65_51446414/2be908393d77d4298d66.jpg)
Binh sỹ Ukraine đứng cạnh lô đạn pháo đã qua sử dụng tại Donetsk. Ảnh: Ukrinform
Vào tháng 9/2024, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công vào kho đạn của Nga tại thị trấn Toropets (Nga). Cuộc tấn công này đã phá hủy 30.000 tấn đạn dược, gây ra một trong những tổn thất lớn nhất đối với quân đội Nga
Forbes đưa tin, Toropets được cho là nơi chứa các loại đạn dùng cho vũ khí nhỏ, đạn cối, tên lửa pháo binh và tên lửa đạn đạo tầm xa, nhiều khả năng có cả tên lửa Iskander do Nga sản xuất và tên lửa KN-23 do Triều Tiên cung cấp. Bốn ngày sau, Ukraine lại tấn công một kho đạn dược khác ở Tikhoretsk, miền Nam nước Nga và phá hủy 2.000 tấn đạn dược.
“Những gì chúng ta chứng kiến hiện nay là một cuộc canh tranh gay gắt về sản xuất đạn pháo. Kết quả cuộc xung đột có thể phụ thuộc vào cách các bên được trang bị để tiến hành cuộc chiến này”, một quan chức cấp cao của NATO lưu ý.
Năng lực sản xuất đạn pháo của Nga
CNN dẫn thông tin từ một quan chức tình báo châu Âu cho biết, Nga đang sản xuất khoảng 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng, tương đương khoảng 3 triệu quả mỗi năm. Vào năm 2024, Nga đã bắn khoảng 10.000 quả đạn pháo mỗi ngày trong khi Ukraine chỉ bắn khoảng 2.000 quả.
Thời gian gần đây, Moscow đã thông qua một dự luật tăng ngân sách quân sự năm 2025 thêm 25%, tổng cộng lên tới 142 tỷ USD (13,2 nghìn tỷ rúp) - một mức tăng đáng kể kể từ khi xung đột nổ ra. Trước đó vào năm 2022, ngân sách quân sự của Nga vào khoảng 59 tỷ USD, đến năm 2023, con số này lên tới 109 tỷ USD.
Chi tiêu quốc phòng của Nga dao động trong khoảng từ 4% đến 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn đáng kể so với mức trung bình của NATO trong những thập kỷ gần đây, theo báo cáo của Viện Hudson.
Báo cáo cho rằng, sản lượng pháo binh của Nga nhiều khả năng đạt tới gần 4,5 triệu quả. Dù vẫn còn nhiều hoài nghi về con số này nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là Moscow đã tăng đáng kể quy mô sản xuất kể từ năm 2022.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Hudson đánh giá, Nga đang sản xuất đạn pháo nhanh hơn khoảng ba lần và với chi phí thấp hơn nhiều so với Mỹ và Châu Âu.
Năng lực sản xuất đạn pháo của châu Âu
Vào tháng 5/2021, chỉ 9 tháng trước khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, quân đội Mỹ đã đề nghị giảm 50% chi tiêu cho đạn 155mm.
Nhưng đến năm 2024, để khôi phục chuỗi cung ứng, quân đội Mỹ đã yêu cầu Quốc hội nước này phân bổ 3,1 tỷ USD để tăng cường sản xuất đạn 155mm. Quốc hội đã tăng gấp đôi số tiền lên 6,414 tỷ USD, trong khuôn khổ dự luật an ninh bổ sung trị giá 95 tỷ USD, do Tổng thống Mỹ khi đó là ông Joe Biden ký vào tháng 4/2024.
Từ năm 2023 đến năm 2024, Ukraine đã tăng tổng sản lượng đạn cối và đạn pháo trong nước, từ 1 triệu viên đạn lên 2,5 triệu viên đạn mỗi năm (tăng 150%) theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD). Các loại đạn này có cỡ nòng từ 60mm đến 155mm.
Tập đoàn quốc phòng Đức Rheinmetall và Ukraine đã công bố ý định tăng cường sản xuất đạn dược 155mm lên 6 con số mỗi năm vào tháng 2/2024. Rheinmetall đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu viên đạn từ này cho đến năm 2027.
Mỹ cũng đã đầu tư 5,5 tỷ USD để mở rộng năng lực sản xuất đạn cỡ 155mm của nước này, từ 14.400 lên 40.000 mỗi tháng (tăng 178%).
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, hơn 40 quốc gia và đại diện của NATO và EU thường xuyên triệu tập các những người đứng đầu các tập đoàn quốc phòng dưới sự bảo trợ của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (UDCG).
Các thành viên UDCG đang thảo luận về một số lĩnh vực để cải thiện khả năng phòng thủ của Ukraine, trong đó có chế tạo tên lửa giá rẻ, xác định các hạn chế về sản xuất và hướng tới mục tiêu đẩy nhanh sản xuất đạn pháo 155mm.
Pháp và Thụy Điển tuyên bố sẽ tăng gấp đôi năng lực sản xuất đạn dược và thuốc nổ vào năm 2025 và tăng gấp mười lần năng lực sản xuất thuốc súng vào năm 2026.
Đức, Tây Ban Nha, Hungary, Nam Phi và Australia có kế hoạch tăng sản lượng lên tới 700.000 quả đạn pháo và lên tới 10.000 tấn thuốc súng vào năm 2025. Na Uy dự kiến đầu tư hơn 1 tỷ NOK, gần 90 triệu USD, để mở rộng đáng kể việc sản xuất hệ thống pháo trong ít nhất 15 năm.
Thông qua Đạo luật hỗ trợ sản xuất đạn dược (ASAP), ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu dự kiến sẽ tăng năng lực sản xuất đạn dược hàng năm lên 2 triệu viên.
Ukraine có thể đối phó lợi thế pháo binh của Nga như thế nào?
Theo giới quan sát, đến cuối năm 2025, Mỹ và các đồng minh NATO có thể sản xuất gần 2 triệu viên đạn mỗi năm cho Ukraine. Đây là một sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, sản lượng đạn pháo hàng năm của Nga là 3 triệu, nhiều hơn 1/3 so với các đối tác của Ukraine.
"Phương Tây điều hành một ngành công nghiệp quốc phòng được xây dựng cho thời bình. Các cuộc tập trận đã chỉ ra rằng nếu một cuộc xung đột quy mô lớn nổ ra ở châu Âu, Anh sẽ cạn kiệt kho vũ khí hiện có của họ chỉ sau hơn một tuần. Đức sẽ hết đạn trong vài ngày, hoặc vài giờ nếu cuộc chiến có cường độ giao tranh dữ dội", Viện Hudson nhận định.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài gần 3 năm qua đã cho thấy tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ khi Ukraine tìm cách vượt qua lợi thế về nguồn nhân lực và vật lực lớn hơn của Nga. Kể từ khi xung đột nổ ra, các công ty công nghệ quốc phòng của Ukraine đã nhanh chóng mở rộng. Trưởng nhóm công nghệ quốc phòng Brave1 của Ukraine Nataliia Kushnerska cho biết: "Quân đội Nga tại Ukraine đã phải đối mặt với nhiều thách thức có thể dẫn tới sự thay đổi cuộc chơi do các công ty công nghệ quốc phòng Ukraine phát triển. Điều quan trọng là Kiev phải tiếp tục xu hướng này.
Chương trình và hoạt động sản xuất tên lửa nội địa của Ukraine đã tiến triển nhanh chóng trong suốt năm 2024. Việc chế tạo tên lửa và đạn pháo trong nước cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự của Nga ở những nơi mà các đối tác phương Tây không mong muốn, đồng thời làm giảm sự phụ thuộc của nước này vào nguồn tài trợ vũ khí của Mỹ và châu Âu, vốn luôn bị gián đoạn trong thời gian qua.
Mặc dù sản lượng đạn pháo của Nga lớn hơn của phương Tây, nhưng việc sử dụng pháo binh của lực lượng Nga đã giảm đáng kể. Điều này chứng minh rằng các cuộc tấn công vào các kho sản xuất của Moscow đã mang lại lợi ích quân sự cho Ukraine trên tuyến đầu, Tướng Oleksandr Syrskyi nêu rõ. Nếu Kiev tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công này bằng vũ khí tầm xa tự phát triển và vũ khí phương Tây, họ có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Moscow trong vấn đề sản xuất đạn pháo.