Ukraine và 'canh bạc' mong manh để gia nhập NATO

Ukraine tuyên bố sẽ không chấp nhận điều gì khác, ngoài việc trở thành thành viên NATO để được bảo đảm về an ninh trong tương lai.

Ukraine thúc giục, đồng minh né tránh

Theo hãng tin Reuters, trong thư gửi các đối tác trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng NATO diễn ra ngày 3/12, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha tuyên bố lời mời Ukraine gia nhập NATO sẽ loại bỏ một trong những lý do chính để Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine: Ngăn chặn Ukraine trở thành thành viên NATO.

Các quốc gia thành viên NATO dường như chưa sẵn sàng mời Ukraine gia nhập trong thời điểm này (Ảnh: NATO).

Các quốc gia thành viên NATO dường như chưa sẵn sàng mời Ukraine gia nhập trong thời điểm này (Ảnh: NATO).

Dù từng tuyên bố con đường trở thành thành viên của Ukraine là “không thể đảo ngược” nhưng NATO không hề công bố lịch trình cụ thể hay đưa ra lời mời chính thức đối với Ukraine. Các nhà ngoại giao cho rằng, hiện vẫn còn bất đồng giữa 32 thành viên của liên minh trong vấn đề này.

Cụ thể một vài quốc gia muốn chờ đợi chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền để hiểu rõ quan điểm của Mỹ trong việc kết nạp Ukraine làm thành viên NATO trước khi tự đưa ra quyết định.

Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ukraine và các quốc gia thành viên NATO tại Brussels, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis thông báo với các phóng viên rằng quá trình gia nhập NATO của Ukraine không có tiến triển cụ thể.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Séc Jan Lipavsky cho biết, Séc là một trong những quốc gia coi lời mời Ukraine gia nhập NATO là bước đi cần thiết song thừa nhận các nước khác chưa đạt được nhất trí trong vấn đề này.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, quốc gia có mối quan hệ khăng khít với Nga, nhắc lại quan điểm rằng Budapest phản đối việc Ukraine trở thành thành viên NATO. “Ukraine đang có chiến tranh nên không thể đóng góp cho an ninh của liên minh”, ông Szijjarto giải thích.

Một số nhà phân tích và ngoại giao gợi ý Ukraine có thể tìm kiếm sự đảm bảo về mặt an ninh từ các quốc gia phương Tây riêng rẽ thay vì từ cả khối NATO.

Trước đó, ông Keith Kellogg, người được Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump lựa chọn làm đặc sứ Mỹ phụ trách xung đột Ukraine, từng đề xuất tạm gác việc xem xét kết nạp Ukraine làm thành viên NATO để đổi lấy thỏa thuận hòa bình có đảm bảo về an ninh.

Song Kiev bày tỏ hoài nghi về thỏa thuận trên và dẫn lại thực tế từ Bản Ghi nhớ Budapest tròn 30 năm trước, thời điểm Ukraine chấp thuận bàn giao kho vũ khí gồm 1.700 đầu đạn hạt nhân để đổi lấy sự bảo đảm về an ninh từ Mỹ, Nga và Anh.

Ngoại trưởng Ukraine Sybiha nhấn mạnh Bản Ghi nhớ Budapest đã thất bại trong việc bảo đảm an ninh cho Ukraine và các quốc gia xuyên Đại Tây Dương. Đây cũng chính là lý do Ukraine không nên để sai lầm này tái diễn.

Ưu tiên hàng đầu vẫn là cung cấp vũ khí, đạn dược

Tổng Thư ký NATO Mark Rutte dù tuyên bố liên minh “đang bắc cầu” để Ukraine gia nhập, song nêu rõ vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là cung cấp thêm cho Ukraine vũ khí, đạn dược để đẩy lui đà tiến công của quân Nga.

Theo ông Rutte, Hội nghị Ngoại trưởng NATO lần này sẽ tập trung vào việc làm thế nào để Ukraine có thể chiếm ưu thế vào bất kỳ thời điểm nào Ukraine lựa chọn để bước vào bàn đàm phán với Nga.

Việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga vẫn là ưu tiên hàng đầu của NATO (Ảnh: AP).

Việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga vẫn là ưu tiên hàng đầu của NATO (Ảnh: AP).

“Để đạt được mục tiêu này, điều quan trọng nhất là chúng ta cần cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine”, ông Rutte nói thêm.

Thủ tướng Đan Mạch hoan nghênh gói viện trợ quân sự mới mà Mỹ, Đức, Thụy Điển, Estonia, Lithuania và Na Uy dành cho Ukraine. Trong đó, gói viện trợ quân sự vừa được Mỹ công bố hôm 2/2 có tổng trị giá 725 triệu USD.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết NATO chia sẻ quyết tâm chung là sẵn sàng làm bất kỳ điều gì cần thiết để Ukraine tự phòng vệ, bảo vệ cho người dân đồng thời tìm ra một giải pháp công bằng và bền vững cho cuộc chiến với Nga.

Hiện Ukraine đang đối mặt với một mùa Đông khắc nghiệt khi quân đội Nga đẩy mạnh tấn công ở mặt trận phía Đông đồng thời liên tục không kích vào hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Chính phủ Kiev coi việc trở thành thành viên NATO là sự bảo đảm tốt nhất về an ninh trong tương lai. Theo Điều 5 Hiệp ước phòng vệ chung của NATO, các thành viên trong liên minh nhất trí coi hành động tấn công một quốc gia thành viên là hành động tấn công chung mọi thành viên trong khối đồng thời sẵn sàng hỗ trợ quốc gia đó chống lại kẻ thù.

Hồi cuối tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tuyên bố trong cuộc phỏng vấn trên đài Sky News rằng việc đặt lãnh thổ Ukraine dưới “chiếc ô bảo trợ” của NATO sẽ giúp chặn cuộc giao tranh giữa Ukraine và Nga bước vào giai đoạn nóng như hiện nay.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ukraine-va-canh-bac-mong-manh-de-gia-nhap-nato-192241204090854011.htm
Zalo