Ukraine lo sốt vó trước mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên, Nga sắp phản công lớn

Các nhà phân tích quốc phòng cho biết, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã trở thành một trong những vũ khí quan trọng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, với độ chính xác được cải thiện đáng kể. Điều này có thể tạo ra mối đe dọa lớn với Kiev.

Ukraine đối mặt mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên?

Sự gia tăng về độ chính xác khiến tên lửa được cho là của Triều Tiên do Nga sử dụng đã trở thành thách thức đáng gờm đối với hệ thống phòng không của Ukraine, làm dấy lên lo ngại rằng Bình Nhưỡng đang sử dụng chiến trường để tinh chỉnh công nghệ vũ khí của mình, có thể tạo ra tác động rộng hơn đối với an ninh khu vực Đông Bắc Á.

Ukraine thu hồi 1 mảnh vỡ nghi của tên lửa Triều Tiên. Nguồn: Reuters

Ukraine thu hồi 1 mảnh vỡ nghi của tên lửa Triều Tiên. Nguồn: Reuters

Theo Reuters, trong những tuần gần đây, Nga đã sử dụng hơn 20 tên lửa đạn đạo KN-23 của Triều Tiên để tấn công Ukraine. Những tên lửa này, có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa tới hơn 800km, áp đảo các hệ thống phòng không vốn đã cạn kiệt của Ukraine.

Alexander Lord, nhà phân tích quốc phòng tại công ty tư vấn rủi ro địa chính trị Sibylline, cho rằng: "KN-23 có lẽ là tên lửa đạn đạo mà quân đội Nga sử dụng nhiều nhất hiện nay. Dù Moscow không công khai thừa nhận đang sử dụng loại vũ khí này, nhưng ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng những KN-23 đã được cải tiến. Cải tiến đó có thể nằm ở khả năng dẫn đường và quan trọng hơn là độ chính xác. Ukraine không có nhiều khả năng bắn hạ chúng. Ngoài ra, các cuộc tấn công bằng KN-23 đang áp đảo hệ thống phòng không của nước này, tạo điều kiện cho các tên lửa khác phá hủy các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine”.

Độ chính xác gia tăng đáng kể

Mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc giữa Moscow và Bình Nhưỡng đã được củng cố trong những năm gần đây, khi cả hai quốc gia đều phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây

Vào tháng 7/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Triều Tiên và hai bên đã ký kết hiệp ước về "Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện".

Tình báo phương Tây cho rằng, Triều Tiên đang cung cấp tên lửa và binh sỹ cho Nga để đổi lấy công nghệ quân sự của Moscow, trong đó có các hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh, có thể giúp tăng cường hơn nữa khả năng phát triển tên lửa hiện đại của nước này.

Bà Dorothy Camille Shea, Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cho rằng Bình Nhưỡng đang có được "những kinh nghiệm chiến đấu quý giá" từ cuộc chiến ở Ukraine. Theo Reuters, độ chính xác của tên lửa Triều Tiên đã cải thiện đáng kể từ độ lệch ước tính 1-3km xuống chỉ còn 50-100m khi tấn công mục tiêu, làm dấy lên lo ngại rằng Nga đang chia sẻ công nghệ quân sự quan trọng cho Bình Nhưỡng.

Chuyên gia Alexander Lord cho rằng, công nghệ của Nga có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Triều Tiên nâng cấp tên lửa: “Công nghệ này giống với công nghệ chế tạo tên lửa Iskander của Nga và nhiều khả năng Moscow đã chia sẻ bí quyết kỹ thuật cho đối tác. Việc trao đổi công nghệ tên lửa thông thường rất dễ xảy ra dù sự hợp tác đó khó có thể mở rộng sang vũ khí hạt nhân”.

Theo ông Alexander Lord, Triều Tiên đang ở một vị trí thuận lợi để thử nghiệm vũ khí của họ trong các tình huống chiến đấu thực sự và sau đó thu thập dữ liệu quan trọng để tinh chỉnh kho vũ khí. Điều này hỗ trợ họ rất nhiều trong việc tăng cường khả năng sản xuất tên lửa, giúp củng cố lợi thế trước Hàn Quốc và Nhật Bản.

Lực lượng Triều Tiên sắp phối hợp với Nga phản công lớn?

Thời gian qua, Ukraine cho biết, Triều Tiên đã cung cấp số lượng lớn nhân lực cho Nga. Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết, Bình Nhưỡng đã triển khai ít nhất 12.000 binh sỹ đến khu vực Kursk của Nga, nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt kể từ khi Ukraine tiến hành cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ vào tháng 8/2024.

Ukraine tuyên bố đã gây tổn thất đáng kể cho các lực lượng Triều Tiên. Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết: “Quân đội Triều Tiên đã mất khoảng 4.000 binh sỹ", Một lữ đoàn của họ thực sự đã bị phá hủy hoàn toàn còn 2 lữ đoàn khác mất khả năng chiến đấu. Do đó, các đơn vị Triều Tiên buộc phải rút khỏi tuyến đầu". Hiện cả Nga và Triều Tiên vẫn chưa lên tiếng về tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu Ukraine.

Bất chấp tổn thất, Bình Nhưỡng có thể điều thêm 30.000–40.000 binh sỹ ra tiền tuyến, Tổng thống Zelensky cảnh báo. Còn Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết, các đơn vị Triều Tiên đã dừng hoạt động chiến đấu ở khu vực Kursk của Nga "kể từ giữa tháng 1/2025".

Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây có thể là sự tạm dừng chiến thuật chứ không phải là một cuộc rút lui hoàn toàn. Lực lượng Triều Tiên có thể đang tập hợp lại và chuẩn bị cho cuộc phản công lớn tại Kursk cùng với Nga.

"Quân đội Triều Tiên đã phải chịu thương vong đáng kể. Họ thực hiện các cuộc tấn công lớn bằng bộ binh bất chấp mối đe dọa máy bay không người lái và hỏa lực đạn pháo chính xác của Ukraine. Mặc dù chiến thuật này đã mang lại cho họ một số thành công trên chiến trường, nhưng cũng dẫn đến những tổn thất không hề nhỏ”, ông Alexander Lord đánh giá.

Matthew Ford, giảng viên về quan hệ quốc tế tại Đại học Sussex cho rằng: "Những thách thức đối với quân đội Triều Tiên khi chiến đấu tại Kursk có thể bắt nguồn từ rào cản ngôn ngữ, không thông thuộc địa hình và đôi khi mất kết nối với lực lượng Nga”.

“Nếu Triều Tiên tái triển khai quân đội, một cuộc tấn công dữ dội mới trong khu vực có thể diễn ra. Nhưng cái giá phải trả cho Bình Nhưỡng sẽ rất lớn", ông Alexander Lord lưu ý.

Dù vậy trong bối cảnh xung đột tiếp diễn, Triều Tiên không chỉ giúp Nga có thêm binh lực và vũ khí, mà Bình Nhưỡng có thể tận dụng cuộc chiến làm nơi thử nghiệm vũ khí và chiến thuật cho các cuộc xung đột trong tương lai.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-lo-sot-vo-truoc-moi-de-doa-tu-ten-lua-trieu-tien-nga-sap-phan-cong-lon-post1153264.vov
Zalo