Ukraine lo lắng sau khởi đầu rối bời của chính quyền Tổng thống Mỹ Trump

Tổng thống Volodymir Zelensky thừa nhận cơ hội sống sót của Ukraine rất thấp nếu không được Mỹ hỗ trợ, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra những thông điệp gây hoang mang về cách sẽ ngồi xuống bàn đàm phán với Nga.

Nhiều báo đăng bài về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong tuần qua. (Ảnh: Reuters)

Nhiều báo đăng bài về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong tuần qua. (Ảnh: Reuters)

"Có lẽ sẽ rất, rất, rất khó khăn. Và tất nhiên, trong mọi tình huống khó khăn, bạn vẫn có cơ hội. Nhưng chúng tôi sẽ có cơ hội thấp -- cơ hội thấp để sống sót nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ", ông Zelensky nói trong cuộc trả lời phỏng vấn NBC ngày 14/2.

Quan điểm được ông Zelensky đưa ra sau các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Ukraine và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tình hình trong tuần qua trở nên mất phương hướng đối với những người lo lắng về cách chính quyền Tổng thống Trump sẽ thực hiện lời hứa chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

Khi ông Trump tiến hành bước đầu tiên hướng tới tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài gần 3 năm, những phát biểu được đưa ra từ nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao Mỹ khiến nhiều người trở nên hoang mang về cách giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất mà châu Âu phải đối mặt trong nhiều thập kỷ.

Tổng thống Trump có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Zelensky hôm 12/2, sau đó cho biết đã giao các quan chức khởi động tiến trình đàm phán. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga có thể sẽ diễn ra tại Ả-rập Xê-út.

Hai cuộc điện đàm gây bất ngờ cho các đồng minh châu Âu, khiến họ đang tự hỏi phải làm gì với những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth.

Ông Hegseth nói với các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 12/2, rằng việc Ukraine gia nhập liên minh này là không thực tế để tiến tới thỏa thuận với Nga, và rằng khôi phục lại biên giới của Ukraine như trước năm 2014 là "mục tiêu viển vông". Ông cũng cho biết Mỹ sẽ không điều quân tham gia lực lượng an ninh tại Ukraine.

Ngay ngày hôm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dường như đã rút lại phát biểu của chính mình, khi ông nói tại một cuộc họp báo rằng "mọi thứ đều có thể" đối với việc đàm phán về Ukraine.

Ngày 14/2, Phó Tổng thống JD Vance gây thêm hoang mang khi ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Wall Street Journal, rằng Mỹ sẽ có các lựa chọn để gây sức ép với Mátxcơva, bao gồm việc đưa quân đội Mỹ đến Ukraine.

Sau đó, ông Vance viết trong đoạn đăng trên mạng xã hội X rằng Wall Street Journal đã bóp méo lời ông. "Không bao giờ nên đưa quân đội Mỹ vào tình thế nguy hiểm nếu điều đó không thúc đẩy lợi ích và an ninh của Mỹ”, ông viết.

Đại sứ Daniel Fried, một nhà ngoại giao Mỹ nghỉ hưu đang làm việc tại tổ chức tư vấn Atlantic Council, nhận định rằng chính quyền Mỹ đưa ra những thông điệp mâu thuẫn, nhưng tạo dư địa để đàm phán một kết quả có thể chấp nhận được với Nga.

"Họ ở khắp mọi nơi, họ không đưa ra quan điểm thống nhất, nhưng họ không loại trừ bất kỳ điều gì. Họ đã che giấu lập trường trong một đám mây mơ hồ và không chắc chắn", ông Fried nói.

“Vụng về” và “sai lầm”

Những thể hiện của chính quyền Tổng thống Trump trong tuần qua khiến một số đồng minh châu Âu tin rằng Washington đang nhượng bộ Nga trước khi bước vào đàm phán.

Ngày 14/2, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói rằng cách tiếp cận của chính quyền Mỹ là "vụng về" và "sai lầm".

Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich, ông Pistorius nhấn mạnh rằng Nga hoàn toàn không thay đổi một chút lập trường nào của họ về đàm phán.

"Sẽ tốt hơn nhiều nếu thảo luận về (việc trao cho Ukraine) tư cách thành viên NATO và những thay đổi lãnh thổ tại bàn đàm phán", ông Pistorius phát biểu.

Thượng nghị sĩ Roger Wicker thuộc đảng Cộng hòa, chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện, đã chỉ trích điều ông gọi là "sai lầm của người mới vào nghề" khi Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth sẵn sàng từ bỏ biên giới của Ukraine trước khi bước vào bàn đàm phán. Ông cũng cho biết ông “bối rối” vì những phát biểu của ông Hegseth.

Bên cạnh đó, vẫn còn chưa rõ ai sẽ là người thực hiện chính sách của ông Trump về Ukraine.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, nhà lãnh đạo Mỹ nêu tên các nhà đàm phán, trong đó có đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff, nhưng không nhắc đến đặc phái viên Ukraine Keith Kellogg.

Sau đó, Nhà Trắng cho biết ông Kellogg vẫn tham gia vào chính sách Ukraine.

Ông Fried cho rằng dù có thông điệp gây nhầm lẫn, nhưng chính quyền Trump đang thể hiện các ưu tiên của họ và điều này có thể dẫn đến kết quả ở Ukraine.

“Những ưu tiên đó có vẻ sẽ là đảm bảo lệnh ngừng bắn nhanh chóng; Ukraine sẽ được bảo đảm an ninh và quân đội châu Âu sẽ thực hiện điều đó trên thực địa chứ không phải quân đội Mỹ”, ông Fried nói.

"Một kết quả tốt nghĩa là xung đột sẽ dừng lại; 80% Ukraine được tự do và có những bảo đảm an ninh cho Ukraine đủ để Nga sẽ không mở chiến dịch quân sự một lần nữa. Đó là một chiến thắng chiến lược cho Ukraine", ông Fried đánh giá.

Thu Loan

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ukraine-lo-lang-sau-khoi-dau-roi-boi-cua-chinh-quyen-tong-thong-my-trump-post1717281.tpo
Zalo