Ukraine hối thúc Belarus rút quân ngay khỏi khu vực biên giới chung
Ngày 25/8, Ukraine đã kêu gọi Belarus rút số lượng lớn binh sĩ và trang thiết bị quân sự khỏi khu vực biên giới Belarus tiếp giáp với Ukraine.
Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Ukraine cảnh báo Belarus đang mắc phải sai lầm nghiêm trọng và hối thúc các lực lượng vũ trang Belarus dừng ngay hành động không thân thiện và rút quân khỏi khu vực biên giới.
Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, hiện các lực lượng đặc nhiệm Belarus cùng lính đánh thuê Wagner cũng đang có mặt tại khu vực biên giới Gomel của Belarus, phía Bắc Ukraine. Họ được trang bị xe tăng, pháo, hệ thống phòng thủ tên lửa, các trang thiết bị quân sự.
Bộ Ngoại giao Ukraine dẫn thông tin tình báo nêu rõ, sự hiện diện của số lượng lớn các binh sĩ Belarus cùng lính đánh thuê Wagner dưới chiêu bài tập trận gần khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl có thể đe dọa đến an ninh quốc gia Ukraine nói riêng và an ninh toàn cầu nói chung.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine khẳng định Ukraine chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có những hành động quân sự không thân thiện chống lại người dân Belarus. Dù vậy, Ukraine vẫn có quyền tự vệ trong trường hợp bị tấn công.
Trước đó, ngày 18/8, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố Ukraine đã triển khai hơn 120.000 binh sĩ tại khu vực giáp biên giới với Belarus. Đáp lại, ông Lukashenko đã ra lệnh điều động 1/3 lực lượng quân đội Belarus tới dọc tuyến biên giới giữa hai bên.
"Sau khi chứng kiến hành động của Ukraine, chúng tôi đã triển khai quân đội tại một số khu vực sát biên giới. Tôi đã buộc phải triển khai gần 1/3 số binh sĩ quân đội để củng cố cho số lượng binh sĩ hiện có", ông Lukashenko tuyên bố trên kênh truyền hình Nga VGTRK.
Tổng thống Belarus khẳng định, quân đội Belarus đã sẵn sàng bảo vệ đất nước nếu chiến tranh nổ ra.
Trước đó, hồi đầu tháng 8, ông Lukasheko cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa Belarus đã bắn hạ nhiều máy bay chiến đấu không người lái của Ukraine vi phạm không phận Belarus.
Giới chức Belarus cũng nhiều lần hối thúc Nga và Ukraine quay lại bàn đàm phán hòa bình và cảnh báo việc tiếp tục giao tranh có thể dẫn đến leo thang căng thẳng khiến Ukraine bị hủy hoại nặng nề.
Belarus là nước có hiệp ước phòng thủ chung với Nga và Nga đã triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này.