Ukraine: Hòa bình ló dạng

Triển vọng hòa bình bắt đầu le lói ở Ukraine sau cuộc điện đàm 90 phút giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12/2. Cùng với đó là những tuyên bố của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc xung quanh vấn đề viện trợ và bảo đảm an ninh cho Ukraine đang làm tăng lên hy vọng cuộc chiến sẽ chấm dứt.

Ngày 12/2, trên mạng xã hội Truth Social của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc điện đàm kéo dài 90 phút.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã có một “cuộc điện thoại dài và hiệu quả cao” với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã có một “cuộc điện thoại dài và hiệu quả cao” với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong thông báo, ông Trump cho biết đã có một “cuộc điện thoại dài và hiệu quả cao” với Tổng thống Putin và hai bên đã đồng ý “để các nhóm tương ứng của chúng tôi bắt đầu đàm phán ngay lập tức”. Ông cho biết cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông với Tổng thống Putin sẽ diễn ra tại Saudi Arabia trong vài tháng tới.

Điện Kremlin đã xác nhận cuộc gọi và lời mời chung của hai nhà lãnh đạo đến thăm quốc gia của nhau trong chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới Nga kể từ năm 2009 và là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới Mỹ kể từ năm 2015. Trong bản thông báo của mình, Điện Kremlin cũng duy trì lập trường tối đa, với việc Tổng thống Putin nói rằng ông “đã đề cập đến nhu cầu loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột và nhất trí với ông Trump rằng có thể đạt được giải pháp lâu dài thông qua đàm phán hòa bình”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán hôm 12/2, nói rằng ông và ông Trump đã có một cuộc trò chuyện “có ý nghĩa” qua điện thoại. “Không ai muốn hòa bình hơn Ukraine”, ông viết. “Cùng với Mỹ, chúng tôi đang vạch ra các bước tiếp theo để đảm bảo một nền hòa bình lâu dài, đáng tin cậy. Như Tổng thống Trump đã nói, hãy thực hiện điều đó”.

Ông Trump cũng cho rằng Mỹ sẽ tìm cách “bảo đảm” viện trợ quân sự trong tương lai cho Ukraine nếu Kiev đồng ý thỏa thuận trao đổi khoáng sản đất hiếm và các tài nguyên thiên nhiên khác của Ukraine. Tổng thống Ukraine Zelensky sẽ gặp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio vào ngày 14/2, bên lề Hội nghị an ninh Munich.

Trước đó, vào ngày 12/2, lập trường đàm phán của Mỹ đã được nêu tại Brussels. Tại đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã đưa ra những phát biểu công khai rằng Kiev phải thừa nhận rằng họ không thể giành lại toàn bộ đất đai do Nga chiếm đóng. “Chúng ta phải bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng việc quay trở lại biên giới trước năm 2014 của Ukraine là một mục tiêu không thực tế”, ông Hegseth nói, phác thảo ra lập trường ban đầu cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga. “Theo đuổi mục tiêu viển vông này chỉ kéo dài chiến tranh và gây ra nhiều đau khổ hơn”, ông nói thêm, mặc dù điều này có thể được hiểu là thừa nhận việc Nga sáp nhập Crimea và phần lớn vùng Donbas. Kiev sẽ chỉ đạt được hòa bình thông qua “các đảm bảo an ninh vững chắc”, nhưng ông Hegseth đã loại trừ tư cách thành viên NATO của Ukraine. Thay vào đó, hòa bình sẽ phải được đảm bảo bởi “quân đội có năng lực của châu Âu và ngoài châu Âu”, nhưng không đến từ Mỹ. Phát biểu của ông Hegseth không được phía Ukraine chấp nhận. Ông Zelensky cho rằng châu Âu không thể đưa ra những đảm bảo an ninh kiên cường cho Kiev nếu không có sự tham gia của Mỹ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ủng hộ cuộc điện đàm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ủng hộ cuộc điện đàm.

Những yêu cầu của Nga trong đàm phán có thể phản ánh những yêu cầu được đưa ra từ năm 2021: rằng Ukraine phải áp dụng quy chế trung lập và NATO phải ngừng triển khai vũ khí cho các quốc gia thành viên đã gia nhập sau năm 1997, khi liên minh bắt đầu chấp nhận các quốc gia cộng sản cũ. Điều đó bao gồm phần lớn Đông Âu, bao gồm Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic là Latvia, Lithuania và Estonia. Vào tháng 12/2024, Tổng thống Putin tuyên bố ông sẽ yêu cầu Ukraine áp dụng quy chế trung lập và thực hiện một số mức độ phi quân sự hóa, đồng thời yêu cầu phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga.

Những diễn biến nhanh chóng đã khiến châu Âu lo ngại rằng ông Putin và ông Trump dường như đang đàm phán về tương lai an ninh của lục địa này mà không có sự tham gia của chính người châu Âu. Các Bộ trưởng Ngoại giao châu Âu đã tuyên bố ủng hộ Ukraine trong cuộc họp của các đồng minh của nước này tại Paris hôm 12/2. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết lợi ích của Ukraine phải được bảo vệ trong các cuộc đàm phán sắp tới giữa Moscow và Washington. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean Nol-Barrot kêu gọi châu Âu tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán, nói rằng “sẽ không có hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine nếu không có sự tham gia của người châu Âu”.

Thông báo của ông Trump được đưa ra sau một cuộc trao đổi tù nhân liên quan đến Marc Fogel, một giáo viên người Mỹ bị bắt tại Moscow vì tội ma túy; và Alexander Vinnik, người bị bắt vào năm 2017 tại Hy Lạp vì tội gian lận tiền điện tử và sau đó bị dẫn độ về Mỹ. Thỏa thuận được sắp xếp bởi Steve Witkoff, đặc phái viên của ông Trump tại Trung Đông, một trong những đồng minh thân cận nhất của tổng thống trong nhóm sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán với người Nga. Nhóm đàm phán của Mỹ sẽ bao gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Giám đốc CIA John Ratcliffe, cố vấn an ninh quốc gia Michael Waltz và ông Witkoff.

Ngày 13/2, Tổng thống Trump đã nhắc lại rằng ông tin ông Putin “muốn có hòa bình”. Ông cũng kêu gọi Nga quay trở lại nhóm các quốc gia công nghiệp hóa G7, nói rằng việc trục xuất Nga là một sai lầm. Nga đã bị đình chỉ khỏi nhóm - khi đó là G8 - vào năm 2014, sau khi sáp nhập Crimea, và tuyên bố rút lui vĩnh viễn vào năm 2017.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/ukraine-hoa-binh-lo-dang-i759316/
Zalo