Ukraine đang chuẩn bị cho 'kịch bản tồi tệ nhất': Mỹ rút toàn bộ viện trợ
Dẫn các nguồn tin ẩn danh trong Chính phủ Ukraine, tờ Bild (Đức) cho hay giới lãnh đạo Ukraine đang lên kế hoạch ứng phó với 'kịch bản tồi tệ nhất' – viễn cảnh Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định chấm dứt hoàn toàn viện trợ cho Kiev.

Binh sĩ Ukraine bắn lựu pháo bọc thép 2000 trong cuộc xung đột với Nga gần Bahmut, vùng Donetsk. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo nguồn tin, ông Trump được cho là đã gây sức ép buộc Ukraine phải nhanh chóng chấp nhận “đề xuất cuối cùng” từ Washington nhằm kết thúc xung đột. Thêm vào đó, Tổng thống Mỹ cảnh báo rằng nếu các cuộc đàm phán giữa Kiev và Moskva không có tiến triển, Washington có thể rút khỏi vai trò trung gian và “đứng ngoài cuộc”.
“Những điều thể hiện trên văn bản cũng như những gì được ám chỉ trong các cuộc đàm phán là điều không thể chấp nhận được”, tờ Bild dẫn lời một nhà ngoại giao Ukraine giấu tên cho hay trong bài đăng ngày 24/4.
Một quan chức khác nói thêm: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc mất hoàn toàn sự hậu thuẫn từ Mỹ”.
Theo tờ Bild, Tổng thống Trump đang thúc đẩy một giải pháp hòa bình, đồng thời tìm kiếm một thỏa thuận khai thác tài nguyên khoáng sản với Ukraine nhằm bù đắp cho khoản viện trợ hàng tỷ USD mà Mỹ đã chi trước đó. Mối quan hệ giữa hai bên đã trở nên căng thẳng sau cuộc đối đầu công khai giữa ông Trump và Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng hồi tháng 2, khiến Mỹ tạm dừng chuyển giao viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Kiev.
Ngày 24/4, ông Trump tiếp tục làm dấy lên tranh cãi khi tuyên bố rằng Tổng thống Zelensky là “đối tác khó làm việc hơn” so với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Phát ngôn này được đưa ra ngay sau khi ông Zelensky bác bỏ một điều khoản được cho là then chốt trong đề xuất hòa bình của Mỹ – cụ thể là việc công nhận Crimea thuộc lãnh thổ Nga – khẳng định Ukraine sẽ không đưa vấn đề này ra bàn đàm phán chính thức.
Dù vậy, một số quan chức Ukraine vẫn hy vọng các phát biểu mang tính công kích của ông Trump chỉ là chiến thuật nhằm tạo áp lực trong quá trình đàm phán.
“Chúng tôi hy vọng đó chỉ là chiến lược đàm phán”, một nguồn tin từ Chính phủ Ukraine chia sẻ với tờ Bild. Trong khi đó, Kiev đang nỗ lực đàm phán lại với Washington, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ bổ sung từ các đối tác châu Âu.
Theo lời ông Zelensky, Ukraine vẫn đang nhận những lô vũ khí từ các cam kết viện trợ trước đây của Mỹ, nhưng kể từ khi ông Trump nhậm chức, không có gói viện trợ mới nào được thông qua. Các lời kêu gọi gần đây về việc cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot và tên lửa hiện cũng chưa nhận được phản hồi từ Washington.
Về phần mình, Moskva tiếp tục tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình, với điều kiện các yêu cầu an ninh cốt lõi của họ phải được đáp ứng. Điện Kremlin phản đối mọi sự hiện diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên lãnh thổ Ukraine, yêu cầu Kiev từ bỏ ý định gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu và công nhận biên giới mới của Nga.
Moskva cũng bác bỏ phương án “đóng băng xung đột” vì cho rằng điều đó chỉ dẫn đến những vòng giao tranh mới sau này. Nga viện dẫn việc Ukraine từng nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn – kể cả trong các dịp lễ Phục sinh – và không tuân thủ thỏa thuận đình chỉ tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng do Mỹ làm trung gian, như bằng chứng cho thấy Kiev không phải là một đối tác đáng tin cậy trong tiến trình hòa bình.