Ukraine có thực sự bị gạt ra khỏi bàn đàm phán hòa bình giữa Nga và Mỹ?

Những động thái gây tranh cãi gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm dấy lên nỗi lo lớn trong nội bộ phương Tây: Ukraine và châu Âu có thể bị gạt ra khỏi bàn đàm phán giữa Moscow và Washington.

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine sẽ bắt đầu "ngay lập tức". Kiev được đã được thông báo ngay sau đó rằng, họ sẽ không có ghế trên bàn đàm phán tương lai. Hiển nhiên, điều này đã khiến châu Âu dậy sóng.

Chưa để tình hình tạm lắng, nhóm của Tổng thống Trump tiếp tục đưa ra các tuyên bố gây sốc, tạo ấn tượng rằng chính quyền Mỹ đương nhiệm sẽ vội vã bắt đầu xây dựng một thỏa thuận hòa bình mà chưa có kế hoạch rõ ràng. Điều rõ ràng duy nhất là nỗi lo sợ của Ukraine và phương Tây về viễn cảnh bị gạt ra bên lề của tiến trình đàm phán tương lai.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Lập trường của ông Trump về Nga

Ông Trump dường như tự tin rằng người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nghiêm túc.

Cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Trump và ông Putin kể từ Nhà Trắng đổi chủ diễn ra vào ngày 12/2 và kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết. Ông Trump mô tả cuộc trò chuyện là "dài và hiệu quả cao", nhấn mạnh rằng cả hai bên đã đồng ý "hợp tác chặt chẽ, bao gồm cả việc thăm viếng lẫn nhau".

“Tôi tin rằng Tổng thống Putin muốn hòa bình, Tổng thống Zelensky muốn hòa bình, và tôi cũng muốn hòa bình,” ông Trump tuyên bố trước các phóng viên tại Phòng Bầu dục vào ngày 13/2. Tổng thống Trump cũng tiết lộ ý định gặp người đồng cấp Nga Putin tại Saudi Arabia để bàn về kế hoạch hòa bình nhưng chưa công bố thời gian cụ thể.

Trả lời câu hỏi của báo giới ngày 14/2 về việc liệu có thể đặt niềm tin vào Nga để đạt được một thỏa thuận hòa bình hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth khẳng định: "Bạn không cần phải tin tưởng ai đó để có thể đàm phán với họ".

Lập trường của ông Trump về Ukraine

Ông Trump đã điện đàm với ông Putin lần đầu tiên vào ngày 12/2 trước khi thông báo qua với Tổng thống Zelensky rằng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ bắt đầu, làm dấy lên lo ngại rằng ông Trump không quan tâm đến việc tham vấn với Kiev trước khi đưa ra các quyết định quan trọng. Ông Zelensky cũng thừa nhận với các nhà báo rằng ông cảm thấy "không mấy dễ chịu" khi bản thân nhận được tin tức sau nhà lãnh đạo Nga.

Khi được các phóng viên hỏi liệu Ukraine có nên tham gia các cuộc đàm phán hòa bình hay không, ông Trump nói rằng: "Đó là một câu hỏi thú vị. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải tạo ra hòa bình". Ngay sau đó, ông Trump khẳng định Kiev sẽ không được mời tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.

"Họ là một phần của nó. Chúng ta sẽ có Ukraine, chúng ta có Nga và chúng ta sẽ có những người khác tham gia, rất nhiều người", ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục ngày 13/2.

Tuy nhiên, ông Zelensky cho biết điều quan trọng là ông phải gặp ông Trump trước Tổng thống Putin. Cho đến nay, Kiev vẫn chưa xác nhận cuộc gặp đã lên kế hoạch với tổng thống Mỹ.

Ông Trump có quan điểm khác hẳn người tiền nhiệm Biden trong vấn đề viện trợ cho Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh rằng, Washington phải nhận được lợi ích tương xứng trong quan hệ với Kiev.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Trump ám chỉ rằng Ukraine "có thể sẽ thuộc về Nga một ngày nào đó", đồng thời tiết lộ đã yêu cầu Kiev cung cấp khoáng sản đất hiếm trị giá 500 tỷ đô la. Theo ông chủ Nhà Trắng, Ukraine "về cơ bản đã đồng ý" với đề xuất này.

Ông Trump khẳng định: “Chúng ta phải nhận lại thứ gì đó. Chúng ta không thể tiếp tục chi trả số tiền này mà không có gì đổi lại".

Tổng thống Zelensky cho biết thỏa thuận khoáng sản với Mỹ không bao gồm bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Ukraine. Đó là lý do Kiev từ chối đặt bút ký vào thỏa thuận với Washington.

Lập trường của ông Trump về NATO

Ông Trump đã nhất trí với Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth rằng con đường gia nhập NATO của Ukraine là không "thực tế".

“Ông Pete Hegseth đã đưa ra tuyên bố hôm nay rằng ông ấy nghĩ rằng điều đó không có khả năng xảy ra hoặc không thực tế. Tôi nghĩ có lẽ điều đó đúng”, ông Trump ngày 12/2 cho biết.

“Họ đã nói như vậy từ lâu rồi rằng Ukraine không thể gia nhập NATO, và tôi đồng ý với điều đó", ông Trump nói thêm.

Cùng ngày, ông Hegseth nhấn mạnh rằng các đảm bảo an ninh hậu chiến cho Ukraine “phải được hỗ trợ bởi các lực lượng quân sự có năng lực từ châu Âu và ngoài châu Âu”, nhưng nằm ngoài phạm vi của NATO. Ông khẳng định: “Để nói rõ ràng, trong bất kỳ thỏa thuận đảm bảo an ninh nào, sẽ không có quân đội Mỹ nào được triển khai tới Ukraine".

Phát biểu ngày 14/2, ông Vance khẳng định: “Như chúng tôi luôn nhấn mạnh, quân đội Mỹ không bao giờ nên bị đưa vào tình thế nguy hiểm trừ khi điều đó phục vụ lợi ích và an ninh của mình”.

“Cuộc chiến này là giữa Nga và Ukraine", ông Vance.

Khả năng Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ

Ông Trump và các quan chức cấp cao trong chính quyền của ông tỏ ra hoài nghi về khả năng Ukraine giành lại toàn vẹn lãnh thổ. Phát biểu trước các phóng viên vào ngày 13/2, ông Trump cho rằng Ukraine có thể giành lại một số vùng lãnh thổ nhưng không nên kỳ vọng khôi phục đường biên giới trước năm 2014.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth gọi việc Ukraine giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, bao gồm bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý năm 2024, là “không thực tế.” Tại hội nghị thượng đỉnh Ramstein, ông nhấn mạnh rằng dù Mỹ muốn thấy một Ukraine "có chủ quyền và thịnh vượng" nhưng "chúng ta phải bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng việc khôi phục biên giới trước năm 2014 là một mục tiêu không khả thi".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Ảnh: Axios

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Ảnh: Axios

Ông Keith Kellogg, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Ukraine và Nga, tuyên bố rằng "việc chính thức hóa tổn thất lãnh thổ của Ukraine" trong một thỏa thuận hòa bình tiềm năng "không đồng nghĩa với việc công nhận chúng".

“Tôi nghĩ sẽ có một sự thỏa hiệp nào đó về vấn đề lãnh thổ. Nhưng hãy nhớ, bạn không cần phải chính thức thừa nhận điều đó", ông Kellogg nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 13/2.

Ông Kellogg trước đó xác nhận Tổng thống rằng Trump có kế hoạch sử dụng đòn bẩy đối với cả Nga và Ukraine nhằm chấm dứt xung đột và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Theo đó, "kế hoạch đáng tin cậy" của ông Trump sẽ "gây sức ép không chỉ với Moscow mà còn với Kiev", đồng thời đưa ra các sáng kiến tích cực cho cả hai bên.

Phản ứng của châu Âu

Một số quan chức châu Âu tin rằng tiến trình hòa đàm tăng tốc dưới sự lãnh đạo của Mỹ có thể tác động xấu tới an ninh châu Âu, mặc dù việc Tổng thống Trump vội vã thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình là điều có thể đoán trước.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU, bà Kaja Kallas, nhấn mạnh: "Bất kỳ giải pháp nhanh chóng nào cũng là một dấu hiệu xấu", đồng thời khẳng định sẽ không có thỏa thuận nào nếu không có sự tham gia của châu Âu và Ukraine. Bà cũng chỉ trích Mỹ "nhân nhượng" với Moscow.

Đối với các quốc gia Trung-Đông Âu và vùng Baltic, những nước vốn ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, động thái đột ngột của ông Trump nhằm thúc đẩy đàm phán với ông Putin đặc biệt đáng báo động.

Ông Gabrielius Landsbergis, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Litva, nói với Kyiv Independent: "Các cuộc đàm phán hòa bình phải được bắt đầu trên chiến trường, khi Ukraine nắm thế chủ động và có thể gia tăng sức ép lên Nga".

"Đó là cách đạt được lợi thế trên bàn đàm phán. Hiện tại, Ukraine không được đặt vào vị thế mạnh hơn. Những gì diễn ra vào ngày 12/2 thực chất là một động thái ép Ukraine phải nhượng bộ", ông Landsbergis nói thêm.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Kyiv Independent, CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-co-thuc-su-bi-gat-ra-khoi-ban-dam-phan-hoa-binh-giua-nga-va-my-post1155169.vov
Zalo