Ukraine có thể trở thành 'kho vũ khí của thế giới tự do' thời kỳ hậu chiến

Cựu Ngoại trưởng Ukraine nói trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider rằng ngành công nghiệp quốc phòng có thể là động lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau chiến tranh của nước này.

Cựu Ngoại trưởng Ukraine nói rằng ngành công nghiệp quốc phòng có thể giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau chiến tranh. Ảnh: Getty.

Cựu Ngoại trưởng Ukraine nói rằng ngành công nghiệp quốc phòng có thể giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau chiến tranh. Ảnh: Getty.

Ông Dmytro Kuleba, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ukraine từ năm 2020 đến cuối năm 2024, cho biết: “Khi nhìn vào các ngành công nghiệp quốc phòng, tôi nghĩ đến việc làm thế nào để biến chúng thành động lực phục hồi kinh tế Ukraine”.

Ông nói thêm: “Những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay là sự tái cơ cấu hoàn toàn nền kinh tế của Ukraine”.

Không ai biết khi nào cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc, mặc dù các cuộc đàm phán về thỏa thuận hòa bình giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang được xúc tiến.

Nền kinh tế Ukraine gặp khó khăn kể từ khi cuộc xung đột với Nga bùng nổ vào tháng 2/2022.

Theo cơ quan thống kê Ukraine, GDP của nước này đã giảm 28,8% vào năm 2022, trước khi tăng trở lại 5,3% vào năm 2023. Tăng trưởng GDP của nước này được dự đoán sẽ nằm trong khoảng 3,4% đến 3,6% vào năm 2024, một phần do chi tiêu quốc phòng, theo OECD.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Ukraine vẫn tỏ ra kiên cường, một phần nhờ vào hơn 220 tỷ USD viện trợ quân sự của phương Tây, các công ty tư nhân và nhà nước chuyển trọng tâm sang ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.

“Ngày nay, một nền kinh tế khác đang nổi lên trước mắt chúng ta”, ông Kuleba cho hay, thêm rằng khu vực tư nhân cũng có thể “tận dụng” một cách rộng rãi các công nghệ quốc phòng của Ukraine, chẳng hạn như máy bay không người lái (UAV) được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và các phương tiện tự hành được sử dụng ở tiền tuyến.

“Tại sao không áp dụng công nghệ tương tự để phân tích nền kinh tế, sự dịch chuyển của hàng hóa và dịch vụ trong nước, tối ưu hóa chúng để tiết kiệm chi phí và hướng tới khách hàng nhiều hơn?”, ông nói.

“Kho vũ khí của thế giới tự do”

Ông Kuleba không phải là cựu quan chức duy nhất nhìn thấy tiềm năng to lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.

Ông Oleksandr Kamyshin, cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine, nói với tờ The Guardian vào tháng 11/2023 rằng Ukraine có thể trở thành "kho vũ khí của thế giới tự do".

Một số nhà phân tích kinh tế và quân sự cũng dự đoán Ukraine sẽ trở thành cường quốc quốc phòng châu Âu sau khi chiến tranh kết thúc.

William Courtney, thành viên cấp cao phụ trợ tại Tập đoàn RAND và cựu Đại sứ Mỹ, nói rằng Ukraine có thể trở thành nhà sản xuất nhiều loại thiết bị, khí tài quân sự với mức chi phí cạnh tranh. Ông nói, điều này sẽ hữu ích vì nhiều nước châu Âu thiếu khả năng sản xuất một số mặt hàng hoặc khả năng sản xuất chúng với số lượng đủ.

Ông Courtney chỉ ra phần mềm, AI, robot và xe bánh lốp là những lĩnh vực quan trọng mà Ukraine đã phát triển kể từ khi bắt đầu chiến tranh và là lĩnh vực mà nước này có thể dẫn đầu ở châu Âu.

Ông cũng dự đoán rằng, khoảng một thập kỷ sau khi các hoạt động chiến đấu kết thúc và đạt được lệnh ngừng bắn hoặc đình chiến ổn định, Ukraine có thể trở thành 1 trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất quốc phòng.

Dmytro Krukovets, nhà phân tích kinh tế vĩ mô tại Trường Kinh tế Kiev, nói rằng ông kỳ vọng Ukraine sẽ trở thành một bên sản xuất vũ khí mạnh mẽ sau chiến tranh.

Ông chỉ ra “sự gia tăng nhanh chóng” trong các công ty khởi nghiệp công nghệ quân sự và đổi mới quốc phòng, trích dẫn một nghiên cứu vào tháng 10/2024 của Brave1 và Trường Kinh tế Kiev. Nghiên cứu đó cho thấy các công ty khởi nghiệp quốc phòng của Ukraine đã huy động được 5 triệu USD vào năm 2023 và huy động được 50 triệu USD vào năm 2024.

Vẫn còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế khác lại đưa ra quan điểm thận trọng hơn.

Kateryna Bondar, thành viên của Trung tâm AI Wadhwani tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định rằng Ukraine sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài do hệ thống tư pháp yếu kém và thiếu luật pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

“Vốn chỉ có thể đến từ nước ngoài, nhưng chúng tôi chưa thấy khoản đầu tư thực sự đáng kể và nguyên nhân đằng sau là do thiếu niềm tin vào chính phủ, luật pháp và hệ thống tư pháp”, bà nói.

Kể từ khi chiến tranh bùng nổ, các công ty quốc phòng phương Tây đã mở cơ sở tại nước này, bao gồm nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức, nhà thầu quốc phòng Mỹ AeroVironment và KNDS, một tập đoàn quốc phòng Pháp-Đức.

Nhưng Charles Lichfield, Phó Giám đốc Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, nói rằng Ukraine cũng sẽ cần các ngành công nghiệp quốc phòng để phục vụ nhu cầu trong nước, ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai, hạn chế cơ hội xuất khẩu. “Họ sẽ cần giữ lại phần lớn những gì họ đang sản xuất”, ông nói.

Các nhà nghiên cứu của RAND cho biết trong một báo cáo năm 2023 rằng Ukraine sẽ cần đảm bảo an ninh trước mối đe dọa từ một cuộc tấn công khác để tạo cho các nhà đầu tư niềm tin chấp nhận rủi ro và thực hiện các cam kết lâu dài ở nước này.

Hiện tại, ông Kuleba cho biết các ý tưởng của ông đối với nền kinh tế Ukraine vẫn còn chưa được khám phá, nhưng "nếu muốn xây dựng tương lai, chúng ta phải bắt đầu" ngay bây giờ. "Ukraine cởi mở với hầu hết mọi ý tưởng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xây dựng một nền kinh tế bền vững", ông nói thêm.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ukraine-co-the-tro-thanh-kho-vu-khi-cua-the-gioi-tu-do-thoi-ky-hau-chien-post182783.html
Zalo