Lý do Kazakhstan đóng vai trò quan trọng trong giải quyết khủng hoảng năng lượng
Kazakhstan, nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới, đang nổi lên như đối tác tiềm năng giúp châu Âu và Mỹ vượt qua khủng hoảng năng lượng. Nhưng cơ hội này có thể vuột mất nếu phương Tây không nhanh chóng hành động.
Theo tờ Thời báo Trung Á (timesca.com) ngày 8/1, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay, Kazakhstan - quốc gia sản xuất uranium lớn nhất thế giới - đang nổi lên như một đối tác tiềm năng cho tương lai năng lượng của châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, cơ hội này đang dần tuột khỏi tay phương Tây do thiếu những nỗ lực ngoại giao và đầu tư chiến lược.
Bình luận với tờ Thời báo Trung Á, Tiến sĩ Robert M. Cutler cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã cho thấy rõ những hạn chế của năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió. Dù đã đầu tư nhiều năm với tham vọng lớn, các nguồn năng lượng này vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu ổn định và quy mô lớn của các nền kinh tế hiện đại. Trong tình hình đó, năng lượng hạt nhân đã trở thành giải pháp khả thi duy nhất để đạt được mục tiêu không phát thải mà vẫn đảm bảo độ tin cậy.
Tình hình càng trở nên cấp bách khi châu Âu cần giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Thực tế cho thấy, "gót chân Achilles" về mặt địa chính trị của châu lục này chính là việc phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga trong nhiều thập kỷ qua. Điều đáng lo ngại là châu Âu phải nhập khẩu tới 97% uranium, trong đó phần lớn được làm giàu tại Nga - tạo ra một sự phụ thuộc tương tự.
Kazakhstan, với vai trò là nhà sản xuất gần 40% uranium tự nhiên của thế giới, có thể là chìa khóa giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, cả châu Âu và Mỹ đều chưa tận dụng được cơ hội đó. Đặc biệt, chưa có tổng thống Mỹ đương nhiệm nào từng thăm Kazakhstan, trong khi Nga và Trung Quốc đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống ngoại giao này.
Trung Quốc hiện đang nhập khẩu 60% lượng uranium từ Kazakhstan, được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư vào khai thác mỏ và cơ sở nhiên liệu hạt nhân. Nga, thông qua tập đoàn Rosatom, cũng đã xây dựng quan hệ đối tác chặt chẽ với công ty Kazatomprom của Kazakhstan. Điều này mang lại cho Bắc Kinh và Moskva đòn bẩy đáng kể trong thị trường uranium toàn cầu.
Một thách thức lớn là Kazakhstan vẫn phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng của Nga để vận chuyển và làm giàu uranium. Đến cuối năm 2024, khoảng 90% lượng uranium xuất khẩu của nước này đi qua các tuyến đường do Nga kiểm soát. Tình hình càng phức tạp khi Kazakhstan đã ký thỏa thuận cung cấp gần một nửa sản lượng quặng uranium hàng năm cho Trung Quốc trong thập kỷ tới.
Trong bối cảnh đó, Pháp là một điển hình về cách tiếp cận hiệu quả với Kazakhstan. Công ty năng lượng Orano của Pháp đã có cổ phần đáng kể trong các mỏ uranium của quốc gia này. Các chuyến thăm ngoại giao gần đây của Tổng thống Emmanuel Macron đã góp phần củng cố mối quan hệ song phương, cho thấy tiềm năng hợp tác giữa phương Tây với Kazakhstan.
Tiến sĩ Cutler cũng đề xuất Mỹ nên áp dụng chiến lược toàn diện tập trung vào ba điểm chính: ngoại giao chiến lược, phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng năng lực trong lĩnh vực hạt nhân. Đối với châu Âu và Mỹ, việc coi Kazakhstan không chỉ là nhà cung cấp tài nguyên mà còn là đối tác chiến lược trong chính sách năng lượng là vô cùng quan trọng.
Thông qua hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng năng lực chế biến tại Kazakhstan, phương Tây có thể giúp thúc đẩy sự ổn định chính trị và đa dạng hóa chuỗi cung ứng năng lượng hạt nhân. Điều này sẽ giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc vào uranium làm giàu của Nga, đồng thời tạo điều kiện để Mỹ phục hồi ngành công nghiệp hạt nhân của mình, ứng phó với sự thống trị của Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực này.