Tỷ phú trên miền 'đất sầu'

Họ là những nông dân lạ lẫm với cảnh hào nhoáng phố thị, quanh năm chỉ biết xoắn xít với cây trái miệt vườn. Nhưng, nếu nói về mức độ giàu có và chịu chơi, ắt hẳn mọi người phải kinh ngạc với những nông dân ở 'xứ sầu' huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.

Miền đất của những nông dân tỷ phú

“Sự trường tồn sừng sững của cây sầu riêng trên 100 năm tuổi, to tới vài người ôm trên đất xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai ắt phải có lý do!..”, ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai mở đầu câu chuyện về những nông dân tỷ phú ở địa phương bắt đầu từ cây sầu riêng có một không hai này.

Cây sầu riêng hơn 100 năm tuổi ở xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai.

Cây sầu riêng hơn 100 năm tuổi ở xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai.

Các bậc cao niên trong vùng kể lại rằng, đầu thế kỷ 20, một nhà truyền đạo người Pháp thông thạo canh nông không biết đem từ đâu về mấy chục cây sầu riêng trồng ngay trên vùng đất thuộc thôn 3, xã Hà Lâm ngày nay. Sau này, người truyền đạo đi đâu không ai rõ nhưng vườn sầu riêng độc nhất vô nhị thì vẫn còn đó, sừng sững, thách thức bom đạn chiến tranh. Quả chi chít cành nhưng cây quá cao, chênh vênh nguy hiểm, không ai dám leo lên hái. Chỉ khi quả chín rụng xuống người dân mới được thưởng thức. Đến năm 1975, vườn sầu riêng này đã chuyển nhượng qua nhiều đời chủ và chỉ còn một cây duy nhất.

“Vì sao người Pháp lại chọn vùng đất này để xuống giống những cây sầu riêng đầu tiên?..”, vị Phó Bí thư Đảng ủy xã Hà Lâm đặt vấn đề. “Nói về sản xuất nông nghiệp, vùng đất nào, phù hợp với cây gì, người Pháp họ nắm rất rõ. Thực tế đã chứng minh điều đó. Ngày nay, Đạ Huoai là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng và cả khu vực Tây Nguyên với chất lượng hàng đầu!..”, ông Nghị cho biết. Quả thực như thế, thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” đã phá vỡ giới hạn thị trường trong nước, mạnh mẽ vươn ra xuất khẩu, đem lại nguồn thu khổng lồ cho người nông dân. Ngay gia đình ông Phó Bí thư Đảng ủy xã Hà Lâm, vụ sầu riêng năm nay đã “bỏ túi” khoảng 6 tỷ đồng. Đó là khoản thu nhập không tưởng nhưng so với nhiều nông hộ ở địa phương, doanh thu như thế chưa thể lọt vào danh sách tốp đầu.

Để chứng minh điều này, ông Bùi Quang Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Lâm đề nghị tôi tới thăm vài gương điển hình trong Câu lạc bộ “Nông dân tỷ phú” huyện Đạ Huoai. Dọc đường liên thôn, những căn biệt thự choáng ngợp, những ôtô hạng sang, những con đường thảm nhựa hoặc ít nhất cũng là bê tông vào từng nhà… khiến tôi ngỡ ngàng. Thế nhưng, với ông Trung và cư dân nơi đây, đó là vấn đề không có gì mới mẻ và chẳng còn hứng thú đáng để thảo luận. Nội dung ngốn thời gian nhiều nhất với người dân “xứ sầu” chính là chỉ dẫn nhau cách nâng cao kỹ thuật để chăm sóc cây sầu riêng phát triển tốt nhất, đạt năng suất cao nhất, chất lượng vượt trội trong niên vụ tới. Từ ngày “danh chính ngôn thuận”, đàng hoàng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch, hầu hết vườn sầu riêng ở xã Hà Lâm đều đủ điều kiện để xuất ngoại, kinh tế của bà con phất lên trông thấy. Cây sầu riêng không chỉ làm thay đổi một miền đất khó mà còn tạo nên thương hiệu cho cả vùng đất phía Nam tỉnh Lâm Đồng.

Kinh ngạc doanh thu của những nông dân

Sau hơn mười phút chạy xe trên con đường nhựa dưới những tán sầu riêng mát rượi, chúng tôi tới gia đình ông Nguyễn Minh Hồng Điệp, người vừa lập kỷ lục về doanh thu trong mùa sầu riêng năm nay với khoảng 20 tỷ đồng. Tôi ngỏ lời khen căn biệt thự rộng gần 200m2 ẩn giữa vườn sầu riêng bát ngát, gia chủ khiêm tốn nói “cũ rồi”, mặc dù mới được xây dựng cách đây vài năm. Theo ông Điệp, căn biệt thự này nay đã “lạc mốt”, gia đình ông chuẩn bị xây thêm một căn mới, hoành tráng hơn cho người con lớn ra ở riêng. Về xe ôtô, gia đình ông đã sở hữu tới 3 chiếc, giá trị bạc tỷ mỗi xe. “Có được cơ ngơi đề huề như hôm nay, tất cả nhờ vào cây sầu riêng!..”, ông Điệp chia sẻ. Gia đình ông Điệp xuất phát điểm chẳng khá hơn các hộ khác. Quê nhà đất chật người đông, làm ăn khó khăn, năm 1994, vợ chồng ông từ Đồng Nai khăn gói lên xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai mua đất cất nhà tạm để ở, lấy cây cà phê làm nghề chủ đạo. Cần mẫn lao động, sáng tối với nương rẫy nhưng làm cà phê giống như đem sức lao động đi bán, lấy công làm lãi. Loại cây trồng này không thể làm cho gia đình ông khá giả lên được. Vậy là cà phê dần được thay thế bởi sầu riêng. Ban đầu chỉ là sầu riêng hạt truyền thống, sau chuyển dần sang sầu riêng Thái, Ri6 và các loại giống mới, được thị trường ưa chuộng. Lời lãi từ việc bán sầu riêng hằng năm, vợ chồng ông Điệp dùng để tái đầu tư, mua thêm đất để mở rộng diện tích canh tác. Đến nay, gia đình nông dân này đã sở hữu tới 31ha sầu riêng giống mới, phần lớn đã cho thu hoạch quả.

Người trồng sầu riêng ở Đạ Huoai ngày càng giàu có.

Người trồng sầu riêng ở Đạ Huoai ngày càng giàu có.

Gắn bó với sầu riêng suốt 20 năm qua, vợ chồng ông Điệp không chỉ sở hữu khối tài sản đáng mơ ước mà còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nắm trọn bí kíp làm sầu riêng để cho năng suất, chất lượng tốt nhất. Điều khiến nhiều người trân quý hơn là vợ chồng ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây trồng trên cho mọi người. Chính ông Điệp đã hỗ trợ kỹ thuật, chỉ dẫn tận tình cho vị Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Lâm đến với cây sầu riêng và cũng đang có doanh thu tiền tỷ mỗi năm.

Đối diện với những vườn sầu riêng xanh mởn, tốt tươi, đừng nhầm tưởng loại cây này dễ trồng. Người làm sầu riêng ở huyện Đạ Huoai ai cũng ví, trồng sầu riêng cũng giống như chăm trẻ sơ sinh, chẳng ai dám rời xa vườn dù chỉ vài ngày. Sầu riêng là cây đặc thù, thường tiết ra hương thơm, quyến rũ nhiều loại côn trùng nên rất dễ nhiễm và lây lan nguồn bệnh, như nứt thân xì mủ, cháy lá chết ngọn, thối rễ… Vì thế, người trồng sầu riêng phải luôn có mặt ở vườn để soi xét, bắt bệnh mà kịp thời chữa trị. Để đạt được doanh thu lên tới 17 tỷ đồng trong vụ sầu riêng vừa qua, hộ ông Nguyễn Chí Thiện, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai không chỉ ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất với hệ thống tưới tiêu tự động mà còn thường xuyên cắt cử người ra vườn “bới lông tìm vết”. Mọi dấu hiệu bệnh tật của cây đều phải được phát hiện, xử lý ngay tức khắc. Với người trồng sầu riêng, để bệnh bùng phát, lây lan là điều cấm kỵ. “Bấm lá, tỉa cành, làm sạch vườn tược rồi bón phân, điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp với từng giai đoạn. Khô quá cây chết. Ướt quá cây sinh bệnh. Cành rậm quá, cho quả ít. Cắt tỉa cành quá tay, cây chảy mủ, ảnh hưởng tới năng suất!..”, ông Thiện nói về cái khó của cây bạc tỷ. Đó là chưa kể, sầu riêng không thể tự thụ phấn vì hoa chỉ nở trong vài tiếng vào ban đêm. Vì thế, mùa sầu riêng ra hoa, vùng đất Hà Lâm lập lòe ánh đèn, người người, nhà nhà đổ ra vườn trèo lên từng cây thụ phấn. Để quả phát triển đều, đúng với kích thước mong muốn, gia chủ còn phải cắt tỉa bớt, chỉ giữ lại những trái khỏe mạnh, phù hợp với khả năng của từng cây. “Một trong những điều kiện khắt khe để sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc là không được trồng xen với hoa màu nào khác. Vườn sầu riêng không được có chuồng trại chăn nuôi, nhà ở, ao hồ nuôi cá. Nước dùng để tưới cho cây bạc tỷ phải là nước sạch, bơm từ giếng khoan lên!..”, ông Bùi Quang Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Lâm cho biết.

Huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng có gần 6.500ha sầu riêng, phần lớn trong số đó đang cho thu hoạch quả. Giá sầu riêng luôn ổn định ở mức cao, có thời điểm lên tới 120.000 đồng/kg tại vườn. Hằng năm, mỗi hộ trồng sầu riêng ở xã Hà Lâm có thu nhập tới 5-7 tỷ đồng đã trở thành thông thường. Điều đó trả lời, dù Câu lạc bộ “Nông dân tỷ phú” của huyện Đạ Huoai vừa thành lập nhưng số nông dân gia nhập đã lên tới hàng trăm.

Khắc Lịch

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/ty-phu-tren-mien-dat-sau-i757681/
Zalo