Tỷ phú Trần Đình Long: Hòa Phát sẽ đầu tư nhà máy sản xuất thép ray 14.000 tỷ đồng
Tại phiên họp cổ đông thường niên sáng 17/4, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long nói tập đoàn này sẽ đầu tư một nhà máy sản xuất thép ray 14.000 tỷ để tham gia vào các dự án đường sắt.
Phiên họp cổ đông thường niên sáng nay của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) có tới hơn 1.000 cổ đông đến dự, chiếm 64% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội cổ đông này tiến hành ngay phần hỏi đáp mà không đọc các tài liệu vì ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT, muốn dành thời gian giải đáp thắc mắc của các cổ đông.

Ông Trần Đình Long trả lời các cổ đông Hòa Phát sáng 17/4. Ảnh: HPG
Theo tỷ phú Trần Đình Long, kế hoạch năm 2025 của Hòa Phát đặt ra mục tiêu đầy tham vọng. Lúc đầu là 150.000 tỷ doanh thu và 10.000 tỷ LNST nhưng doanh nghiệp đã đặt kế hoạch tham vọng 170.000 tỷ doanh thu và 15.000 tỷ sau thuế. Quý 1/2025, Hòa Phát đạt 37.000 tỷ doanh thu và 3.300 tỷ lợi nhuận sau thuế, đúng kế hoạch.
Trước câu hỏi về việc cung cấp thép cho các dự án trọng điểm quốc gia ngành đường sắt, ông Trần Đình Long cho biết, trong cuộc họp tháng 9/2024 khi Thủ tướng Chính phủ mời các doanh nghiệp lớn đến tham gia đóng góp ý kiến và giao nhiệm vụ thì có hỏi Hòa Phát về việc sản xuất đường ray tàu.
Hòa Phát khẳng định đường sắt (thông thường và cao tốc), Hòa Phát có thể cung cấp sắt thép đường ray từ phần nền trở xuống còn đầu máy toa xe có thể không làm nhưng có thể cung cấp nguyên vật liệu.
Trên cơ sở cân đối nguồn lực, chính thức thông báo có dự án sản xuất ray ở Dung Quất 2 với tổng vốn đầu tư 14.000 tỷ.
"Đó là dự án mới và rất khó, chưa sản xuất ở Việt Nam bao giờ. Với quyết tâm của chúng tôi, tôi tin tưởng sẽ sản xuất thành công đường ray này. Cam kết tất cả các loại thép cho phần nền của đường sắt là Hòa Phát cung cấp được hết." - ông Long chia sẻ.
Một cổ đông lại lo lắng hỏi: "Liệu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam không?". Ông Long cho biết Hòa Phát sẽ được bảo vệ, bởi Bộ Công Thương đã áp thuế chống bán phá giá với nhiều loại thép của Trung Quốc. Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới sẽ bảo hộ cho nền sản xuất trong nước. Thực tế, mức thuế với thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc đã bị áp 19,38-27,83%, từ ngày 8/3.
Bên cạnh đó, sản lượng thép Hòa Phát xuất khẩu chiếm khoảng 20% doanh thu, trong đó thị trường Mỹ chiếm 1%, theo Tổng giám đốc Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng. Tập đoàn vẫn chủ yếu phục vụ thị trường nội địa nên mức độ ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ là không đáng kể.