Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ những điều trước nay chưa từng công khai

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có những phát ngôn ấn tượng tại Đại hội đồng cổ đông năm 2025. Bên cạnh đó ông cũng bật mí chiến lược đầu tư mới của Tập đoàn Vingroup.

Hàng ngày phải báo cáo trực tiếp những xe sửa quá 8 tiếng

Sáng 24/4, Tập đoàn Vingroup (VIC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 với nhiều điểm đáng chú ý, đặc biệt là những phát ngôn ấn tượng của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng và những trụ cột kinh doanh mới của tập đoàn.

Một trong những điểm đáng chú ý tại đại hội là thông tin Vingroup đang nghiên cứu mở thêm 2 trụ cột nữa cho các hoạt động của tập đoàn. Đó là hạ tầng và năng lượng. Về hạ tầng, Vingroup đang đề xuất tự bỏ chi phí làm tuyến đường sắt Phú Mỹ Hưng - Cần Giờ, Hà Nội - Quảng Ninh. Vingroup cũng đăng ký nghiên cứu phát triển cảng biển, phát triển năng lượng, đến năm 2030 phát triển khoảng 25,5 GW năng lượng tái tạo và LNG. Mục tiêu đến năm 2035 là 52,5 GW.

Trước đó, tháng 8/2018, Tập đoàn Vingroup do tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm chủ tịch đã công bố định hướng trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ. Mục tiêu của tập đoàn này là đến năm 2028 sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính. Trong vài năm qua, Vingroup liên tục tái cấu trúc sau khi đưa ra bản chiến lược hồi tháng 8/2018.

Trả lời về lợi thế cạnh tranh của hãng xe điện VinFast so với các nhà sản xuất nước ngoài, ông Phạm Nhật Vượng cho biết, xe VinFast có 3 yếu tố cơ bản cần nắm rõ. Trước hết, đó là xe tốt. Thứ 2 là giá hợp lý và thứ 3 là “dịch vụ hậu mãi cực tốt”. Đó là 3 thế mạnh, trụ cột để VinFast có thể cạnh tranh.

Về giá thành và giá xe, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, tập đoàn liên tục nghiên cứu cải tiến, cải tổ để giảm các chi phí từ linh kiện, phát triển xe tới chi phí sản xuất, kinh doanh. Cho nên VinFast hoàn toàn tự tin cạnh tranh ngang ngửa các hãng Trung Quốc.

Còn thế mạnh vượt trội là gì? Theo ông Vượng, đó là sự tận tâm phục vụ khách hàng. Đó chính là “hậu mãi cực tốt”. Theo đó, khối hậu mãi của VinFast hàng ngày phải báo cáo trực tiếp cho ông Vượng những xe sửa quá 8 tiếng.

“Hàng ngày tôi nhận danh sách 5-7 xe sửa quá 8 tiếng, tất nhiên trong điều kiện tiêu chuẩn, không phải đâm đụng nát bét. Tức là vấn đề hậu mãi được quan tâm hàng đầu. Nên tôi tự tin VinFast không chỉ cạnh tranh được mà phát triển tốt trên thị trường”.

"Đất nước sẽ được"

Liên quan đến việc Vingroup vừa thoái vốn khỏi VinBrain và VinAI trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết các thương vụ chuyển nhượng cho NVIDIA và Qualcomm đều kèm theo điều kiện kép: bắt buộc tiếp tục đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam.

“Đó là lý do chính. Chúng tôi muốn Việt Nam thu hút được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, từ đó tạo nền tảng phát triển khoa học công nghệ trong nước. Họ phải mở trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam và tuyển dụng nhân sự người Việt. Đây sẽ là môi trường đào tạo và phát triển doanh nghiệp lâu dài”, ông Vượng chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: “Chuyện bán được vài trăm triệu USD không phải điều Vingroup quan tâm”.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Vingroup. Ảnh: VIC

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Vingroup. Ảnh: VIC

Lý do thứ hai, theo ông Phạm Nhật Vượng, là Vingroup không tạo ra các công ty hay tài sản để nắm giữ lâu dài, mà để thúc đẩy phát triển. Khi các doanh nghiệp đạt đến một mức độ nhất định, tập đoàn sẵn sàng chuyển nhượng để tiếp tục đầu tư vào hàng chục, hàng trăm công ty khác.

“Song song với việc thoái vốn, tôi đã thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 150 triệu USD để rót vốn vào các startup công nghệ. Hiện tại, quỹ đang trong quá trình thúc đẩy hoạt động. Ai trình dự án tốt, chứng minh được tiềm năng tương lai thì tôi sẵn sàng đầu tư. Quan trọng là ý tưởng có triển vọng thực sự”, ông Vượng chia sẻ.

Ông nhấn mạnh: “Tập đoàn có thể được lợi một phần hoặc có thể không, thậm chí có thể mất. Nhưng đất nước sẽ được. Tôi tin rằng kể cả doanh nghiệp công nghệ cũng nên được phép phá sản vài lần để trưởng thành. Đó là một sân chơi, một sàn đấu - nơi những ai chưa thành công lần đầu có thể tiếp tục vươn lên, chiến đấu. Càng có nhiều cơ hội thất bại, thì thành công sau này càng vững chắc. Hãy chấp nhận hy sinh từ khi còn nhỏ để lớn lên một cách bền vững”.

“Tóm lại, mục tiêu thứ nhất là thúc đẩy nền tảng lớn cho đất nước. Thứ hai là tạo ra nhiều cơ hội khởi nghiệp cho giới trẻ. Vì vậy, tôi quyết định: nếu công ty nào đã ổn định, có đối tác tốt muốn mua và thương vụ mang lại lợi ích chung, thì sẽ bán chứ không giữ khư khư cho riêng mình,” ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ.

“Những gì Vingroup cần vẫn có thể được đảm bảo thông qua hợp đồng hợp tác để phát triển sản phẩm theo đơn đặt hàng. Khi đó, không chỉ Vingroup được hưởng lợi mà các doanh nghiệp Việt Nam khác cũng có thể tiếp cận và sử dụng chung. Đây chính là chiến lược phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực khoa học công nghệ cho Việt Nam,” ông Vượng chia sẻ những điều mà trước nay ông chưa từng công khai.

Tại đại hội, Vingroup tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững, tiên phong xây dựng nền kinh tế xanh, góp phần thúc đẩy Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Năm 2025, Vingroup đặt mục tiêu đạt 300.000 tỷ đồng doanh thu và 10.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, với trọng tâm là phát triển bền vững thông qua chiến dịch “chuyển đổi xanh”, duy trì vị thế dẫn đầu trên thị trường trong các lĩnh vực hoạt động, tập trung phát triển chất lượng sản phẩm, dịch vụ, và trải nghiệm khách hàng.

Năm 2024, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần 189.068 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.276 tỷ đồng, tăng 156,6%. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2024 đạt 839.216 tỷ đồng, tăng 172.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ty-phu-pham-nhat-vuong-chia-se-nhung-dieu-truoc-nay-chua-tung-cong-khai-2394612.html
Zalo