Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang bật mí về 'mảnh ghép còn thiếu'

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cho rằng một nền tảng kinh doanh thành công phải là nền tảng có sức tăng trưởng cao, tăng trưởng không ngừng, vượt trội, vượt hơn kỳ vọng của người tiêu dùng nhưng sử dụng tài nguyên thiên nhiên ít nhất.

Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2025 của CTCP Tập đoàn Masan (MSN) và hai công ty thành viên Masan Consumer (UPCoM: MCH), Masan MEATLife (UPCoM: MML) sáng 25/4, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang đã chia sẻ về niềm tin bất tận vào đế chế Masan mà ông cùng với khoảng 40.000 Masaner đang xây dựng.

Theo đó, ông nhấn mạnh rằng nền tảng kinh doanh thành công phải có sức tăng trưởng vượt trội, vượt kỳ vọng người tiêu dùng, nhưng đồng thời sử dụng ít tài nguyên nhất.

Theo ông Quang, một tổ chức như vậy sẽ được tưởng thưởng bởi doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng cao không ngừng.

“Ngày hôm nay có thể chưa như vậy, nhưng ngày mai sẽ như vậy. Đó là niềm tin mà bạn cần phấn đấu để biến thành hiện thực. Và Masan, những người Masan (Masaner), các nhà đầu tư, cổ đông,... chúng ta sẽ cùng nhau làm được. Chúng ta sẽ được tưởng thưởng”, ông Quang chia sẻ.

Theo tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, từ 30 năm trước, tinh thần của Masan “passion to win big” (đam mê chiến thắng lớn) đã ở trong hàng vạn những Masaner cũ và mới. “Tôi tin rằng, tài năng Việt sẽ đi tìm một nơi để tỏa sáng. Tôi tin rằng tài năng Việt sẽ tỏa sáng khi ở Masan. Khi có những người tài năng, chúng ta sẽ thành công”.

Bí mật thành công của Masan và niềm tin vào sự thành công hơn nữa, theo ông Nguyễn Đăng Quang, nằm ở việc “kiến tạo giá trị”, bằng cách hàng ngày mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm và dịch vụ thiết yếu luôn được đổi mới với chất lượng tốt hơn ở mức giá hợp lý.

Ông Nguyễn Đăng Quang tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2025 của Masan. Ảnh: MSN

Ông Nguyễn Đăng Quang tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2025 của Masan. Ảnh: MSN

“Đây là thước đo phản ánh hiệu quả rõ ràng nhất để Masan soi rọi chính mình, và cũng chính là nền tảng tạo ra giá trị bền vững, lâu dài cho xã hội, cổ đông và cho cả chính Masaner”, ông Quang nhấn mạnh.

“Hành trình chuyển đổi của Masan có lúc khiến người ngoài nhìn vào cảm thấy khó hiểu. Tuy nhiên, mỗi sự thay đổi đều hướng đến mục tiêu đáp ứng những nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn và luôn thay đổi của người tiêu dùng. Không phải mọi phát kiến đều thành công. Điều quan trọng là những chiến lược thành công chiếm tỷ trọng lớn trong những bước đi của chúng ta"...

Ông Quang chia sẻ, đó là Masan Consumer - công ty hàng tiêu dùng nhanh có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhanh nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Một WinCommerce từ mức lỗ hơn 200 triệu USD mỗi năm (trước 2023) đã đạt lợi nhuận sau thuế dương một cách bền vững trong năm 2024.

Một Masan MEATLife lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh kể từ khi thoái vốn mảng thức ăn chăn nuôi.

Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số hợp nhất năm 2024 của Tập đoàn Masan đạt 1.999 tỷ đồng, tăng 377,5% so với mức 419 tỷ đồng của năm 2023.

“Nhìn từ bên ngoài, Masan Group là sự kết hợp của nhiều mảnh ghép. Với chúng ta, đây là một hệ sinh thái tích hợp và cộng hưởng cùng nhau để phát huy thế mạnh, là động lực cho sự bứt phá. Điều này được minh chứng qua những con số tích cực của hệ sinh thái Masan: Doanh số trung bình mỗi điểm bán của Masan MEATLife đã tăng gấp đôi, và tốc độ tăng trưởng của Masan Consumer trong hệ thống WinCommerce đã tăng 84%... ”, ông Quang cho hay.

Dồn lực vào chuyển đổi số, vươn ra thế giới

Dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật, nhưng hành trình phía trước của Masan, theo ông Quang, vẫn còn dài và đầy hứa hẹn.

Đó là tốc độ chuyển đổi, tích hợp và kiến tạo giá trị mới, là chuyển đổi số... Đây là những thử thách khó khăn nhất, nhưng sẽ mang lại giá trị to lớn nhất.

Ông Quang cho rằng, chuyển đổi số sẽ là yếu tố định hình lại toàn bộ ngành tiêu dùng - bán lẻ tại Việt Nam: từ hiệu quả sản xuất, tối ưu chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu, đổi mới sáng tạo, trải nghiệm người tiêu dùng cho đến hiện đại hóa bán lẻ. Việc tích hợp phần mềm, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và kết nối vào DNA (tố chất riêng) của Masan là điều quan trọng cần phải làm.

Ông Quang nhận định, mô hình kinh doanh truyền thống sẽ dần biến mất. Thị trường sẽ trao phần thưởng chiến thắng cho những nhà tiên phong đổi mới, những người nắm giữ chiếc chìa khóa tạo ra giá trị đột phá: chuyển đổi số.

Việc thu thập, xử lý, phân tích và phản hồi các dữ liệu chuyên sâu theo thời gian thực sẽ đẩy nhanh tốc độ đổi mới và nâng cao tỷ lệ thành công của sản phẩm. Tài sản chiến lược nhất sẽ không còn là tài sản vật lý, mà chính là dữ liệu. Cảm nhận và trực giác vẫn quan trọng, nhưng để giải bài toán phức tạp và đổi mới để phục vụ hàng tỷ người tiêu dùng, buộc phải cần dữ liệu.

Chủ tịch Masan khẳng định, chuyển đổi số chính là mảnh ghép còn thiếu để Masan vươn mình từ hình ảnh một tập đoàn truyền thống, xóa bỏ định kiến “đa ngành” và khẳng định vị thế là một nền tảng trải nghiệm tiêu dùng tích hợp như Walmart, Amazon, Alibaba, Reliance hay Apple đã làm được.

Năm 2025, Masan lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần trong khoảng 80-85,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng với tăng trưởng từ 7% đến 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cổ đông thiểu số được dự báo đạt 4.875 tỷ đồng đến 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh từ 14% đến 52% so với 4.272 tỷ đồng trong năm tài chính 2024.

Trong quý I/2024, Masan báo lãi ròng gần 400 tỷ, tăng 280%. Kết quả này đến từ đà tăng trưởng lợi nhuận tại các mảng tiêu dùng - bán lẻ và đóng góp từ việc thoái vốn chiến lược khỏi HCS.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ty-phu-nguyen-dang-quang-bat-mi-ve-manh-ghep-con-thieu-2394886.html
Zalo