Chủ tịch Masan: 'Chúng tôi không ngại thay đổi'

Masan Group đang bước vào giai đoạn tăng tốc và sẵn sàng thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang khẳng định chuyển đổi số sẽ là chìa khóa.

ĐHĐCĐ thường niên Masan Group. Ảnh: Huy Khải

ĐHĐCĐ thường niên Masan Group. Ảnh: Huy Khải

Sáng 25/5, chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của tập đoàn Masan Group (MSN), ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT khẳng định Masan đang chuyển mình mạnh mẽ trong hành trình kiến tạo nền tảng tiêu dùng - bán lẻ tích hợp. Giai đoạn đầu tiên của hành trình này đã khép lại, đánh dấu bước chuyển trọng tâm từ "xây nền móng" sang "tăng tốc thị phần chi tiêu và tối ưu lợi nhuận".

"Chúng tôi không ngại thay đổi, dù có lúc khiến người ngoài cảm thấy khó hiểu. Mỗi bước đi đều nhằm phục vụ nhu cầu luôn thay đổi của người tiêu dùng. Không phải sáng kiến nào cũng thành công, nhưng điều quan trọng là đa số (các sáng kiến - pv) đã tạo ra giá trị thực sự," ông Quang nói với cổ đông.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan chia sẻ tại Đại hội. Ảnh: Masan

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan chia sẻ tại Đại hội. Ảnh: Masan

Theo ông, chuyển đổi số sẽ là chìa khóa quyết định thành công trong giai đoạn 2 - mảnh ghép cuối để Masan vượt ra khỏi định kiến của một tập đoàn đa ngành truyền thống, vươn lên trở thành một nền tảng tiêu dùng tích hợp giống như Amazon, Apple hay Reliance. Tập đoàn kỳ vọng trong tương lai gần, người tiêu dùng sẽ có trải nghiệm liền mạch giữa offline - online, từ cá nhân hóa ưu đãi tại điểm bán tới hành trình tương tác số với thương hiệu yêu thích.

Ở góc độ điều hành, ông Danny Le - Tổng giám đốc Masan Group cho biết Masan đã thực hiện đúng cam kết quay lại tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024. Ông cũng đồng thời hé lộ kế hoạch của Masan số hóa toàn bộ trải nghiệm tiêu dùng, với nền tảng vận hành ứng dụng AI và học máy, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay.

Tại Đại hội, Masan Group đã trình bày và nhận được sự đồng thuận từ cổ đông về kế hoạch kinh doanh hợp nhất, với các mục tiêu đầy hứa hẹn, phản ánh kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường tiêu dùng và tăng trưởng mạnh mẽ ở các mảng kinh doanh cốt lõi.

Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất của Masan trong năm 2025 dự kiến đạt từ 80.500 tỷ đồng đến 85.500 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng từ 7% đến 14% so với năm 2024, sau khi loại trừ tác động từ việc không còn hợp nhất công ty con H.C. Starck Holding (Germany) GmbH (HCS).

Nếu không tính Masan High-Tech Materials (MSR), doanh thu dự báo sẽ đạt từ 74.013 tỷ đồng đến 78.013 tỷ đồng, với mức tăng trưởng từ 8% đến 13%. Lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn được kỳ vọng đạt từ 4.875 tỷ đồng đến 6.500 tỷ đồng, tăng từ 14% đến 52% so với năm trước.

Dù đạt được kết quả kinh doanh khả quan, Masan quyết định không chia cổ tức cho năm 2024. Thay vào đó, công ty sẽ triển khai phương án phát hành cổ phiếu ESOP, với số lượng tối đa tương đương 0,5% cổ phần đang lưu hành, và giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến việc phát hành sẽ được thực hiện trong năm 2025 hoặc đầu năm 2026.

Bên cạnh đó, Masan cũng đề xuất điều chỉnh điều lệ công ty, trong đó bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa 49%, nhằm tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư ngoại gia tăng tỷ lệ sở hữu. Theo đề xuất này, tỷ lệ sở hữu ngoại sẽ được xác định theo quy định tại Điều 139 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, nghĩa là có thể mở room ngoại không giới hạn nếu không thuộc ngành nghề bị hạn chế.

Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu gần 30% cổ phần tại Masan.

Tự tin bảo vệ thị phần giữa thương chiến

Trả lời câu hỏi của cổ đông về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đến hoạt động kinh doanh, CEO Danny Le khẳng định rằng mặc dù có những biến động trong môi trường quốc tế, các sản phẩm thiết yếu vẫn sẽ được người tiêu dùng sử dụng, và Masan tự tin có thể bảo vệ được thị phần của mình. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng công ty luôn theo dõi sát sao sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và thị hiếu của khách hàng.

Ông cũng cho biết Việt Nam hiện đang giảm giá các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, điều này tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn đối với các sản phẩm nội địa.

Masan và SK Group: Quan hệ đối tác bền vững

Về mối quan hệ hợp tác giữa Masan và SK Group, Phó Tổng giám đốc Micheal Hung Nguyen chia sẻ rằng năm ngoái, SK Group đã gia hạn khoản đầu tư thêm 5 năm và hiện đang sở hữu khoảng 9% cổ phần của Masan, từ mức 3% ban đầu. Các lo ngại của đối tác đã được giải quyết và họ sẽ tiếp tục là đối tác chiến lược lâu dài của Masan.

Ông Micheal cũng tiết lộ rằng quyết định của Masan về việc phát hành thêm cổ phiếu nhằm tạo ra giá cổ phiếu thấp hơn khi chuyển sang HOSE, từ đó tăng tính thanh khoản. Ông khẳng định rằng dù có ý kiến cho rằng việc Masan chuyển sang HOSE sẽ giúp công ty dễ dàng bán cổ phiếu hơn, nhưng hiện tại, Masan chưa có kế hoạch này.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chu-tich-masan-chung-toi-khong-ngai-thay-do-i-40839.html
Zalo