Tỷ lệ vỡ nợ thẻ tín dụng tại Mỹ chạm mốc báo động

Tỷ lệ vỡ nợ các khoản vay thẻ tín dụng ở Mỹ đã chạm mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cho thấy tình hình tài chính của người tiêu dùng thu nhập thấp đang suy giảm.

Thẻ tín dụng Mastercard. Ảnh: Reuters

Thẻ tín dụng Mastercard. Ảnh: Reuters

Tỷ lệ vỡ nợ các khoản vay thẻ tín dụng ở Mỹ đã chạm mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cho thấy tình hình tài chính của người tiêu dùng thu nhập thấp đang suy giảm sau nhiều năm lạm phát cao.

Dữ liệu do công ty theo dõi hoạt động của các ngân hàng BankRegData tổng hợp cho thấy, các tổ chức cho vay thẻ tín dụng đã xóa 46 tỷ USD nợ quá hạn nghiêm trọng trong chín tháng của năm 2024. Con số này tăng 50% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong 14 năm.

Việc xóa nợ thường xảy ra khi các tổ chức cho vay quyết định rằng người đi vay khó có khả năng thanh toán các khoản nợ của họ. Đây là một thước đo được theo dõi chặt chẽ về tình trạng của các khoản vay.

Ông Mark Zandi, người đứng đầu công ty phân tích dữ liệu Moody’s Analytics, nhận định rằng trong khi các hộ gia đình có thu nhập cao vẫn ổn, hơn 30% người tiêu dùng Mỹ có thu nhập thấp đã kiệt sức và tỷ lệ tiết kiệm của họ hiện đang ở mức 0.

Các ngân hàng vẫn chưa công bố số liệu quý IV/2024, nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy ngày càng có nhiều người tiêu dùng chậm thanh toán các khoản nợ của họ. Capital One, công ty cho vay thẻ tín dụng lớn thứ ba của Mỹ sau JPMorgan Chase và Citigroup, đã báo cáo rằng tính đến tháng 11/2024, tỷ lệ xóa nợ thẻ tín dụng hàng năm của họ đạt mức 6,1%, tăng đáng kể từ 5,2% của cùng kỳ năm trước.

Một dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang gặp khó khăn là ngay cả sau khi xóa gần 60 tỷ USD nợ thẻ tín dụng quá hạn trong năm qua, họ vẫn còn 37 tỷ USD nợ quá hạn ít nhất một tháng khác.

Tỷ lệ vỡ nợ tăng mạnh là dấu hiệu tình hình tài chính cá nhân của người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng căng thẳng sau nhiều năm lạm phát phi mã và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì chi phí đi vay ở mức cao.

Ông Odysseas Papadimitriou, người đứng đầu công ty nghiên cứu tín dụng tiêu dùng WalletHub, cho biết sức tiêu dùng tại Mỹ đã suy yếu.

Người tiêu dùng Mỹ bước ra khỏi thời kỳ phong tỏa trong đại dịch COVID-19 với khá nhiều tiền mặt. Khi đó, các tổ chức cho vay thẻ tín dụng đã sẵn lòng đăng ký cho những khách hàng vốn trước đây không đủ điều kiện nhưng hiện có vẻ là những con nợ an toàn.

Số dư thẻ tín dụng tại Mỹ sau đó đã tăng vọt tổng cộng 270 tỷ USD vào năm 2022 và 2023, đẩy tổng số tiền người tiêu dùng Mỹ nợ trên thẻ tín dụng lên trên 1.000 tỷ USD lần đầu tiên vào giữa năm 2023.

Việc tăng chi tiêu cùng tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra đã dẫn đến lạm phát tăng vọt, khiến Fed phải tăng lãi suất từ năm 2022.

Các yếu tố đó kết hợp lại khiến những người Mỹ vốn không thể thanh toán đầy đủ các hóa đơn thẻ tín dụng của mình phải trả 170 tỷ USD tiền lãi trong 12 tháng kết thúc vào tháng 9/2024. Điều này làm cạn kiệt một phần tiền mặt còn lại trong tài khoản của họ, đặc biệt là những người tiêu dùng có thu nhập thấp, dẫn đến việc ngày càng có nhiều người đi vay khó có thể trả các khoản nợ thẻ tín dụng.

Kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm mạnh lãi suất vào năm 2025 đã bị dập tắt vào tuần trước - các quan chức dự kiến chỉ cắt giảm 0,5 điểm phần trăm thay vì 1 điểm phần trăm như dự báo cách đây ba tháng.

Theo ông Papadimitriou, những tình hình trên cho thấy người tiêu dùng Mỹ sẽ còn gặp nhiều khó khăn phía trước. Ông cũng nói thêm rằng mối đe dọa về thuế quan trên diện rộng của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể làm tăng lạm phát lẫn lãi suất, gây thêm rắc rối cho người tiêu dùng vào năm 2025.

Hương Thủy (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ty-le-vo-no-the-tin-dung-ta-i-my-cham-moc-bao-dong/358519.html
Zalo