Tỷ lệ vỡ nợ đối với các khoản vay đòn bẩy tại Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong 4 năm
Các công ty Mỹ đang vỡ nợ các khoản vay rác với tốc độ nhanh nhất trong bốn năm qua, khi họ gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn cho làn sóng vay giá rẻ sau đại dịch Covid.
Theo báo cáo của Moody's, tỷ lệ vỡ nợ trên thị trường cho vay đòn bẩy toàn cầu (phần lớn là ở Mỹ) đã tăng lên 7,2% trong 12 tháng tính đến tháng 10, vì lãi suất cao đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vay nợ nhiều. Đây là mức cao nhất kể từ cuối năm 2020.
Sự gia tăng các công ty đang chật vật trả nợ trái ngược với sự gia tăng khiêm tốn hơn nhiều về tình trạng vỡ nợ trên thị trường trái phiếu lợi suất cao, làm nổi bật số lượng người đi vay rủi ro hơn ở các công ty Mỹ đã hướng đến thị trường cho vay đang phát triển nhanh chóng.
Do các khoản vay có đòn bẩy (leveraged loan) - các khoản mà ngân hàng cho vay có lãi suất cao được cung cấp cho bên đi vay có hồ sơ tín dụng kém hoặc đã có nhiều nợ vay - có lãi suất thả nổi, nên nhiều công ty vay nợ khi lãi suất cực thấp trong đại dịch đã phải đối mặt với chi phí vay cao hơn trong những năm gần đây. Nhiều công ty hiện đang cho thấy những dấu hiệu khó khăn nghiêm trọng ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trở lại.
David Mechlin, Giám đốc danh mục tín dụng tại UBS Asset Management cho biết: "Có rất nhiều đợt phát hành trong môi trường lãi suất thấp và căng thẳng về lãi suất cao cần có thời gian để nổi lên…Xu hướng vỡ nợ này có thể tiếp tục đến năm 2025".
Theo dữ liệu của Moody's, tỷ lệ vỡ nợ đối với các khoản vay rác tại Mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất trong thập kỷ. Các nhà phân tích cho biết triển vọng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn và ngay cả Fed cũng đã báo hiệu tốc độ nới lỏng chậm hơn vào năm tới, những điều này có thể duy trì áp lực lên tỷ lệ vỡ nợ.
Nhiều vụ vỡ nợ này liên quan đến các giao dịch xử lý các khoản vay khó đòi (debt exchange). Trong các giao dịch như vậy, các điều khoản cho vay được thay đổi và thời hạn đáo hạn được gia hạn như một cách để người vay tránh phá sản, nhưng các nhà đầu tư được trả lại ít hơn.
Theo Ruth Yang, Giám đốc phân tích thị trường tư nhân tại S&P Global Ratings, các giao dịch như vậy chiếm hơn một nửa số vụ vỡ nợ trong năm nay, một mức cao kỷ lục. Khi các giao dịch này xuất hiện thì thực sự được xem là vỡ nợ".
Moody's cho biết: "Một số công ty xếp hạng tín nhiệm thấp không thể khai thác thị trường công hoặc tư nhân đã phải tái cấu trúc nợ vào năm 2024, dẫn đến tỷ lệ vỡ nợ cho vay cao hơn so với trái phiếu lợi suất cao".
Bên cạnh đó, các nhà quản lý danh mục đầu tư lo ngại rằng tỷ lệ vỡ nợ cao hơn này là kết quả của những thay đổi trên thị trường cho vay đòn bẩy trong những năm gần đây.
Mike Scott, nhà quản lý quỹ cao cấp tại Man Group cho biết: "Chúng tôi đã có một thập kỷ tăng trưởng không giới hạn trên thị trường cho vay đòn bẩy". Nhiều người đi vay mới trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và phần mềm có tài sản tương đối ít, do đó các nhà đầu tư có khả năng thu hồi được một phần nhỏ hơn trong số tiền đã chi ra trong trường hợp vỡ nợ.
Justin McGowan, đối tác tín dụng doanh nghiệp tại Cheyne Capital cho biết: "Đã có sự kết hợp tồi tệ giữa việc thiếu tăng trưởng và thiếu tài sản để thu hồi".
Bất chấp sự gia tăng của các vụ vỡ nợ, dữ liệu của Ice BofA cho thấy chênh lệch lợi suất trên thị trường trái phiếu lợi suất cao vẫn ở mức thấp trong lịch sử, điều này cho thấy nhu cầu về đầu tư trái phiếu lợi suất cao của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, một số nhà quản lý quỹ cho rằng sự gia tăng của tỷ lệ vỡ nợ sẽ không kéo dài, vì lãi suất của Fed hiện đang theo chiều hướng giảm. Fed đã cắt giảm lãi suất chuẩn trong tháng này trong cuộc họp thứ ba liên tiếp.
Brian Barnhurst, Giám đốc nghiên cứu tín dụng toàn cầu tại PGIM cho biết, chi phí vay thấp hơn sẽ mang lại sự nhẹ nhõm cho các công ty đã khai thác thị trường cho vay đòn bẩy hoặc trái phiếu lợi suất cao.
“Chúng tôi không thấy sự gia tăng trong các khoản vỡ nợ trên cả hai loại tài sản…Thành thật mà nói, mối quan hệ giữa các khoản vay có đòn bẩy và tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu lợi suất cao có thể đã khác biệt vào cuối năm 2023", ông cho biết.
Nhưng một số nhà phân tích khác lo ngại rằng việc các giao dịch xử lý các khoản vay khó đòi xuất hiện đã ám chỉ đến những căng thẳng tiềm ẩn và chỉ trì hoãn các vấn đề phát sinh sau đó.