Tỷ lệ tự cung tự cấp chip ô tô của Trung Quốc dưới 10%, chật vật để thoát phụ thuộc vào hàng nhập khẩu

Một quan chức tại Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết tỷ lệ tự cung tự cấp chip ô tô của quốc gia này hiện dưới 10%.

Theo các nhà phân tích và người trong ngành, sản lượng ô tô điện Trung Quốc tăng vọt đã thúc đẩy nhu cầu về chip ô tô, nhưng các công ty trong nước vẫn phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài để đáp ứng hơn 90% nhu cầu của họ.

Các quan chức từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện đã nhiều lần nhấn mạnh đến khả năng tự cung tự cấp thấp của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn ô tô.

"Hiện tại, tỷ lệ tự cung tự cấp chip ô tô của Trung Quốc dưới 10%", Luo Daojun, Phó giám đốc Viện Linh kiện và vật liệu tại MIIT, cho biết trong một số hội nghị ngành năm 2024.

Wang Qing, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển, phát biểu tại một hội nghị khác vào năm 2024 rằng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nhà cung cấp chip ô tô nước ngoài lên tới 95%. “Với chip điện toán và điều khiển, tỷ lệ tự cung tự cấp của Trung Quốc là dưới 1%, trong khi với chip nguồn và bộ nhớ, tỷ lệ là 8%”, ông cho biết.

Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào chip ô tô nhập khẩu trở thành vấn đề cấp bách hơn khi nước này tìm cách khẳng định vị thế dẫn đầu trên thị trường ô tô điện toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng với Mỹ. Hồi tháng 5.2024, trang Nikkei Asia đưa tin chính phủ Trung Quốc kêu gọi các nhà sản xuất ô tô trong nước tăng tỷ lệ sử dụng chip nội địa lên đến 25% vào năm 2025.

Áp lực này xuất hiện khi sản xuất ô tô điện bùng nổ. Tính đến tháng 11.2024, Trung Quốc đã sản xuất 11,49 triệu ô tô điện trong năm ngoái, tăng 37,5% so với cùng kỳ 2023, theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia. Ngoài ra, xe điện chiếm 40,8% tổng số ô tô được sản xuất ở Trung Quốc.

Sự bùng nổ ô tô điện đã dẫn đến nhu cầu về chất bán dẫn tăng vọt. Lý do vì ô tô điện và xe thông minh cần nhiều chip hơn đáng kể so với xe hơi động cơ đốt trong truyền thống. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết ô tô truyền thống thường cần 600 đến 700 chip cho mỗi xe, trong khi xe điện cần khoảng 1.600 chip. Xe thông minh, được trang bị nhiều tính năng tiên tiến hơn, cần tới 3.000 chip.

Mật độ chip tăng cao cũng làm gia tăng giá trị bán dẫn trên mỗi chiếc ô tô điện. He Hao, Chủ tịch Seres Automobile - hãng sản xuất ô tô hợp tác với Huawei, phát biểu tại một hội nghị của ngành vào tháng 6.2024 rằng chi phí chip tính theo tỷ lệ phần trăm tổng chi phí ô tô sẽ tăng từ 4% trong năm 2019 lên 20% vào năm 2030.

Bất chấp sự thúc đẩy từ chính phủ, ngành ô tô Trung Quốc vẫn còn lâu nữa mới đạt được sự độc lập về chất bán dẫn. Các công ty nước ngoài như Infineon Technologies, NXP Semiconductors, STMicroelectronics, Texas Instruments và Renesas Electronics vẫn tiếp tục thống trị thị trường chip ô tô.

Trong phân khúc chip tiên tiến, chẳng hạn chip điều khiển miền lái xe thông minh - "bộ não" của ô tô tự lái, các công ty nước ngoài dẫn đầu với biên độ lớn. Theo công ty nghiên cứu ngành công nghiệp địa phương Gasgoo, từ tháng 1 đến tháng 9.2024, chip Orin-X của Nvidia và chip FSD của Tesla lần lượt chiếm 37,8% và 26,7% thị trường bộ điều khiển miền lái xe thông minh được cài đặt sẵn ở Trung Quốc. Qualcomm (Mỹ) dẫn đầu về cung cấp chip cho bảng điều khiển trong khoang lái xe.

Sự gián đoạn trong nguồn cung chip có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng ô tô. Đầu tháng 12, hãng truyền thông 36Kr đưa tin hai hãng ô tô Trung Quốc là Xpeng và Nio đang xem xét lại quyết định áp dụng chip Drive Thor của Nvidia sau khi rộ tin công ty Mỹ gặp phải sự chậm trễ trong sản xuất.

Ô tô điện được sạc tại một trạm sạc và đổi pin mới ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc - Ảnh: Xinhua

Ô tô điện được sạc tại một trạm sạc và đổi pin mới ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc - Ảnh: Xinhua

Khi chính quyền Biden thắt chặt lệnh trừng phạt với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, các hiệp hội được nhà nước hậu thuẫn vào đầu tháng 12.2024 đã kêu gọi các công ty trong nước này, gồm cả những thành viên của họ trong ngành công nghiệp ô tô, chip và viễn thông, tránh sử dụng chip do Mỹ sản xuất.

"Để bảo vệ an ninh và sự ổn định của chuỗi ngành công nghiệp ô tô và chuỗi cung ứng rộng hơn, các hiệp hội đề xuất rằng những doanh nghiệp ô tô Trung Quốc nên thận trọng khi mua chip của Mỹ", theo một tuyên bố từ CAAM.

Luo Daojun, Phó giám đốc Viện Linh kiện và vật liệu tại MIIT, nói những tiến bộ trong sản xuất chip nút trưởng thành ở Trung Quốc đang thúc đẩy những cải tiến về khả năng tự cung tự cấp cho chip analog, thiết bị điện và cảm biến. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng sản xuất hàng loạt chip tiên tiến đang phải đối mặt với nút thắt đáng kể và sẽ mất thời gian để khắc phục.

Chip analog là một loại vi mạch được thiết kế để xử lý tín hiệu analog. Tín hiệu analog có thể đại diện cho nhiều dạng vật lý, chẳng hạn âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, điện áp...

Chip analog thường được sử dụng trong các ứng dụng như:

Khuếch đại tín hiệu yếu, chẳng hạn trong các bộ khuếch đại âm thanh hoặc tín hiệu hình ảnh.
Chuyển đổi tín hiệu analog thành tín hiệu số hoặc ngược lại.
Điều khiển và xử lý tín hiệu: Các chip analog còn được dùng trong hệ thống điều khiển, xử lý tín hiệu hoặc điều chỉnh mức điện áp, dòng điện trong các mạch điện tử.
Cảm biến: Chip analog có thể được sử dụng để xử lý tín hiệu từ các cảm biến, như cảm biến nhiệt độ, ánh sáng hoặc áp suất.

Các ứng dụng phổ biến của chip analog là trong thiết bị âm thanh, hệ thống điều khiển tự động, điện tử ô tô và thiết bị đo lường.

Ngày càng có nhiều công ty, gồm cả các công ty khởi nghiệp và nhà sản xuất ô tô, đang tham gia vào cuộc đua phát triển chip. Ví dụ, cả Nio và Xpeng đều công bố rằng chip lái xe thông minh do họ tự phát triển đã hoàn thành giai đoạn tape-out. Đây là giai đoạn thiết kế cuối cùng của một chip mới.

Ceyuan Liu, nhà phân tích tại hãng nghiên cứu thị trường Canalys, nói: "Những nỗ lực này nhằm mục đích kết hợp chip tùy chỉnh với phần mềm hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến độc quyền để nâng cao trải nghiệm hỗ trợ lái xe và tạo ra sự khác biệt. Thị trường có thể sẽ chuyển sang các giải pháp đồng bộ và chuẩn hóa. Nếu vậy, việc phát triển các hệ thống trên chip (SoC) riêng biệt hoặc tùy chỉnh sẽ không còn tiết kiệm chi phí như trước nữa. Lý do vì chi phí phát triển sẽ cao hơn khi không thể sử dụng các sản phẩm chung và chuẩn hóa”.

SoC là loại vi mạch tích hợp, trong đó một hệ thống đầy đủ của máy tính hoặc thiết bị điện tử được tích hợp vào một chip duy nhất. SoC bao gồm nhiều thành phần như:

CPU (Central Processing Unit): Bộ vi xử lý trung tâm, xử lý các tác vụ tính toán.

GPU (Graphics Processing Unit): Bộ xử lý đồ họa, xử lý các tác vụ liên quan đến hình ảnh và đồ họa.

RAM (Random Access Memory): Bộ nhớ tạm thời dùng để lưu trữ dữ liệu đang sử dụng.

I/O controllers: Các bộ điều khiển đầu vào/đầu ra giúp kết nối với các thiết bị khác.

Modem, Wi-Fi, Bluetooth: Các thành phần hỗ trợ kết nối mạng và không dây.

Các cảm biến và bộ giải mã: Tùy vào ứng dụng của SoC, nó có thể bao gồm các cảm biến hoặc bộ giải mã âm thanh, video.

SoC thường được sử dụng trong các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng, các thiết bị đeo và ứng dụng IoT (Internet of Things), vì nó giúp giảm kích thước và tiết kiệm năng lượng so với việc sử dụng nhiều chip riêng biệt.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ty-le-tu-cung-tu-cap-chip-o-to-cua-trung-quoc-duoi-10-chat-vat-de-thoat-phu-thuoc-vao-hang-nhap-khau-227783.html
Zalo