Tỷ giá - ngắn hạn còn ẩn số khó lường

Tỷ giá vẫn đang duy trì và tạo áp lực tâm lý lên thị trường tài chính. Nhiều nhận định cho rằng, tình hình tỷ giá sẽ dịu đi trong trung hạn, nhưng ngắn hạn sẽ còn tiềm ẩn yếu tố khó lường trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, lan rộng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết.

 Giá bán USD tại các ngân hàng lập đỉnh trong phiên giao dịch ngày 11/2/2025.

Giá bán USD tại các ngân hàng lập đỉnh trong phiên giao dịch ngày 11/2/2025.

PV: Thưa ông, tỷ giá vẫn đang cho thấy sức nóng được duy trì kể từ sau Tết Âm lịch đến nay. Ông đánh giá thế nào về diễn biến tỷ giá trong giai đoạn này? Đâu là các yếu tố tạo ra diễn biến như vậy đối với tỷ giá USD/VND?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Giai đoạn này tỷ giá VND/USD đang tăng, do những yếu tố trong năm cũ 2024 vẫn còn hiện hữu. Cụ thể là cho đến nay, khi lãi suất USD vẫn duy trì mức cao, lãi suất điều hành của VND duy trì mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế, sự chênh lệch lãi suất này khiến giá trị đồng USD neo cao so với VND.

Ngoài ra, như chúng ta thấy rất rõ trên thị trường thế giới, chính sách tăng thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phần nào ảnh hưởng tới tỷ giá VND/USD. Theo đó, chính sách tăng thuế của chính quyền ông Trump tạo ra rủi ro lạm phát trở lại với nền kinh tế Mỹ. Trong tuần, số liệu CPI và PPI (chỉ số về giá sản xuất) của Mỹ trong tháng 1/2025 cũng tăng cao hơn so với dự báo. Thực tế này khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thêm lý do để duy trì mặt bằng lãi suất cao lâu hơn dự kiến của giới phân tích trước đó đưa ra.

Việc các mặt hàng của Việt Nam như thép, nhôm phải chịu mức thuế áp mới là 25% cũng tạo ra bất lợi với doanh nghiệp Việt Nam khi giá bán tăng làm giảm sức cạnh tranh, sản lượng tiêu thụ có thể giảm ảnh hưởng giảm doanh thu xuất khẩu. Điều này có thể khiến chúng ta giảm nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu nếu tình trạng cạnh tranh thuế quan lan rộng ra nhiều nhóm hàng hóa khác và từ đó càng gây áp lực lên tỷ giá VND/USD.

PV: Quan điểm của ông thế nào về xu hướng tỷ giá trong một vài tháng tới khi những nhiễu động thuế quan toàn cầu, căng thẳng thương mại đang ngày càng rõ nét? Đâu là cơ sở để ông đưa ra nhận định đó?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Tôi cho rằng, xu hướng tỷ giá cụ thể phải chờ vào diễn biến của tình hình căng thẳng thương mại và độ “mềm mại” của các bên.

Với việc chiến tranh thương mại có thể xảy ra khi Mỹ tiếp tục tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa của nhiều nước nhập khẩu vào Mỹ, các động thái đáp trả cũng có thể xảy ra làm gia tăng căng thẳng. Điều này sẽ tạo thêm áp lực với kinh tế Mỹ ở góc độ giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng theo mức tăng của thuế. Vì vậy, rủi ro lạm phát quay trở lại là có.

Mặc dù vậy, cũng cần hiểu mục đích thực sự của Tổng thống Donald Trump khi áp thuế hàng nhập khẩu là muốn các nước phải đàm phán để có quan hệ thương mại cân bằng hơn. Vì thế, trong trường hợp các cuộc đàm phán diễn ra thuận lợi thì có thể mức độ tác động tiêu cực tới kinh tế Mỹ (lạm phát) có thể không lớn như lo ngại.

PV: Ở trong nước, ông có bình luận gì về việc điều hành tỷ giá hiện nay của Ngân hàng Nhà nước? Trong bối cảnh hiện nay, liệu chúng ta còn nhiều dư địa để ổn định tỷ giá USD/VND?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Trong nước, để đối phó với vấn đề tỷ giá leo thang, Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cũng đã có các biện pháp như: bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá, điều tiết thanh khoản VND trên thị trường mở (OMO) thông qua các công cụ tín phiếu, cho vay, và mới đây nhất là nâng giá bán ngoại tệ USD lên so với mức trước đó… Điều này cũng hàm ý khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể chấp nhận thực tế là tỷ giá còn có thể tăng thêm trong thời gian tới.

Về dư địa dự trữ ngoại hối hiện tại của Ngân hàng Nhà nước vào khoảng 80 tỷ USD là không thực sự lớn để tiếp tục bán ngoại tệ bình ổn tỷ giá, vì thế, tỷ giá có thể hiện tại đang phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài nhiều hơn.

Chúng tôi dự báo, tùy tình thế cụ thể, Ngân hàng Nhà nước rất có thể sẽ sử dụng thêm các công cụ khác điều chỉnh tăng lãi suất điều hành ở mức hợp lý, đồng thời linh hoạt điều tiết thanh khoản hệ thống… để ổn định tỷ giá.

PV: Với thị trường tài chính, ông suy nghĩ thế nào về sự tác động của sức nóng tỷ giá trong giai đoạn này và thời gian tới?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Áp lực tỷ giá là một phần nguyên nhân khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng tại thị trường chứng khoán trong nước thời gian qua. Việc này vẫn đang tiếp diễn ở hiện tại và có thể là trong thời gian tới cho đến khi xu hướng mất giá VND/USD giảm bớt và ổn định hơn ở giai đoạn nửa cuối năm.

Trong ngắn hạn, việc căng thẳng tỷ giá cũng tạo áp lực lên giữ ổn định lãi suất điều hành ở mức phù hợp, điều này sẽ gây bất lợi tới tâm lý nhà đầu tư khi kéo theo sau đó là việc lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động có thể thêm áp lực tăng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Có thể tỷ giá sẽ ổn hơn vào quý II và quý III

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, kỳ vọng giai đoạn quý II - III/2025 những yếu tố như chiến tranh thương mại có thể giảm bớt và FED có thể giảm lãi suất USD trở lại, giúp giảm áp lực lên tỷ giá VND.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ty-gia-ngan-han-con-an-so-kho-luong-170540-170540.html
Zalo