TV 'không dây' không còn mức giá không tưởng
Giải pháp hộp truyền tín hiệu từ xa giúp việc sử dụng TV linh hoạt hơn, được nhiều hãng áp dụng, đưa xuống phân khúc giá thấp thay vì chỉ tầm trăm triệu như năm ngoái.

Hộp truyền tín hiệu không dây của TV.
Xuất hiện lần đầu trên dòng OLED M của LG, giải pháp TV không dây chứng tỏ được tính ứng dụng, được các hãng học hỏi. Công ty Hàn Quốc cũng đưa công nghệ này xuống dòng sản phẩm thấp cấp hơn.
Cụ thể, ngoài dòng M5 giá 500 triệu đồng, người dùng có thể trải nghiệm chức năng tương tự trên dòng QNED Evo với giá từ 50 triệu đồng. Giải pháp của công ty Hàn Quốc thể hiện được mức độ hiệu quả khi TV phải gánh ngày càng nhiều thiết bị ngoại vi. Người dùng có thể dễ dàng bài trí không gian, giấu dây nhợ trên tường với công nghệ Zero Box Connect của hãng.
Hộp kết nối của LG có dạng vuông, kích thước cạnh dài nhất khoảng 20 cm. Khi thiết lập người dùng cần đặt nó ở vị trí thích hợp, hướng ăng-ten về phía TV. Tại CES 2025, Samsung cũng giới thiệu giải pháp tương tự có tên Wireless One Connect.

TV QNED mới của LG.
Tuy nhiên, công nghệ này cũng tồn tại một số giới hạn. Hộp không dây từ LG cần đặt ở các góc phía trước TV, kém hơn nếu ở song song hoặc nằm sau sản phẩm. Nó cũng tốn thời gian kết nối lại khá lâu nếu không may bị gián đoạn.
Trong khi đó, mẫu TV không dây hoàn toàn của Samsung vẫn chưa được bán tại Việt Nam.
Ngoài ra, chữ Q trong tên gọi sản phẩm TV vốn tượng trưng cho Chấm Lượng tử (Quantum Dot), giống như cách Samsung gọi tên sản phẩm QLED của họ. Tuy nhiên, dòng QNED của LG năm nay không còn chấm lượng tử.
Hãng thay thế bằng giải pháp Dynamic QNED Color, được các tổ chức chứng nhận có hiệu quả không thua kém chấm lượng tử. Tuy nhiên, bí mật về cách giải pháp này hoạt động vẫn chưa được tiết lộ.
Năm nay, dòng QNED của LG còn được nâng cấp lên tốc độ làm tươi 144 Hz để phục vụ nhu cầu chơi game ở độ phân giải cao. Sản phẩm có hệ điều hành và điều khiển từ xa mới, được hỗ trợ bởi công nghệ AI. Một số dòng QNED Evo cao cấp còn được hỗ trợ bởi đèn nền MiniLED, tăng độ sáng.
Tuy không nổi bật bằng OLED, TV QNED của LG cũng được đánh giá cao nhờ công nghệ được cập nhật liên tục, WebOS tiện lợi và độ bền đã được chứng minh. Tại Việt Nam, đối thủ chính của dòng sản phẩm này vẫn là Samsung NeoQLED cùng Bravia 8,9 cùng là MiniLED của Sony.
Các hãng Trung Quốc như TCL, Hisense cũng có giải pháp tương tự, giá thấp hơn, nhưng không so sánh được về uy tín thương hiệu với 3 ông lớn kể trên.