Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua mô hình 'Bản sáng vùng biên' - Bài 2: Lan tỏa tính nhân văn nặng tình 'quân dân' nơi biên giới
'Bản sáng vùng biên' là mô hình nổi bật thể hiện sự quan tâm của tỉnh Thanh Hóa nói chung và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa nói riêng đối với đời sống của nhân dân, đồng bào các thôn, bản nơi phên dậu của tổ quốc, làm nổi bật thêm sự đoàn kết nặng tình 'quân dân'. Trong đó, mô hình thực hiện tại bản Tứ Chiềng (xã Yên Khương, huyện Lang Chánh) là điểm sáng tiêu biểu.
“Bản sáng vùng biên” làm nổi bật thêm phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, 11 đồn biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa tại các xã vùng biên giới đã phối hợp với chính quyền thực hiện các chương trình cụ thể nhằm mục đích bảo vệ, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiến bộ từng ngày. Các đồn biên phòng luôn gần dân, hiểu dân, thường xuyên bám bản, bám địa bàn và cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân, bảo vệ dân và giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau thời gian triển khai, thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên” đã thể hiện được tính ưu việt, bước đầu đạt được những kết quả cụ thể trong việc kết hợp hài hòa, nhịp nhàng giữa chính quyền, Bộ đội biên phòng và nhân dân. Các chương trình thực hiện trong mô hình đã thể hiện tính hiệu quả cao. Từ đó đem đến những chuyển biến tích cực được các cấp và người dân ghi nhận. Bộ mặt các thôn bản vùng biên đã có nhiều thay đổi hòa chung vào sự phát triển của đất nước, sự đoàn kết tình quân dân ngày càng khăng khít, nhân dân vùng biên ngày càng tin tưởng vào Đảng, nhà nước.
Xã Yên Khương có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh của tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Lang Chánh nói riêng. Đồn Biên phòng Yên Khương được giao quản lý, bảo vệ 6,73km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào), có 03 mốc quốc giới (348, 349 và 350), 01 lối mở (Yên Khương - Bản Căn); địa bàn quản lý 01 xã biên giới Yên Khương, có 09 thôn, bản với hơn 1.100 hộ với hơn 5.200 khẩu, gồm 03 dân tộc Thái, Kinh, Mường (trong đó dân tộc Thái chiếm trên 97%). Đồn Biên phòng Yên Khương nằm trong 11 bản khó khăn nhất thuộc 11 đồn Biên phòng theo dõi để thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên”, mô hình được thực hiện tại bản Tứ Chiềng.
Trong quá trình thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên”, Bộ đội biên phòng đã phối hợp với chính quyền thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền cho cán bộ, Đảng viên và quần chúng Nhân dân trong thôn, bản nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đồn Biên phòng Yên Khương đã tích cực tham mưu, phối hợp với địa phương củng cố cấp Ủy, chi bộ, Ban quản lý và Ban công tác mặt trận ở thôn, bản đạt trong sạch vững mạnh. Bên cạnh đó, Bộ đội biên phòng đã hưởng ứng, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh tại thôn, bản phù hợp với tình hình thực tế ở địa bàn. Qua đó thể hiện được vai trò lớn trong bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, đồng bào các dân tộc nơi phên dậu của tổ quốc.
Sự đoàn kết với nhân dân vùng biên đã góp phần để Đồn Biên phòng Yên Khương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý khu vực biên giới, đảm bảo an ninh trật tự khu vực vùng biên, làm tốt công tác vận động quần chúng, trực tiếp góp phần giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới, đóng góp công sức xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương. Những việc làm đó đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới và được quần chúng nhân dân yêu mến. Sự đoàn kết trong quan hệ “quân dân” tại xã Yên Khương và bản Tứ Chiềng là yếu tố then chốt để thực hiện hiệu quả mô hình “Bản sáng vùng biên”.
Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia, lực lượng BĐBP tỉnh Thanh Hóa nói chung và Đồn Biên phòng Yên Khương nói riêng đã ghi nhiều dấu ấn trong quá trình thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên”. Các tiêu chí thực hiện trong mô hình từng bước được triển khai với hiệu quả cao đem lại niềm tin cho nhân dân bản Tứ Chiềng.
Trung tá Bàn Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên Phòng Yên Khương cho biết: "Trong quá trình thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên” tại bản Tứ Chiềng, Đồn Biên phòng Yên Khương phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn những công việc cần thiết để làm trước. Sau đó từng bước lồng ghép các việc làm khác để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân trong bản. Đồn biên phòng phối hợp với các cấp liên quan sẽ quy hoạch lại hệ thống quỹ đất của các hộ dân để đưa vào trồng cây cho thu nhập cao và ổn định. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Yên Khương đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền phổ biến, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn trong lĩnh vực tư pháp như: Luật hôn nhân gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, luật hộ tịch, quản lý công dân, xuất nhập cảnh… Qua đó góp phần ổn định an ninh, trật tự tại bản. Quá trình thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên” thắt chặt thêm tình đoàn kết quân và dân."
Những người lính mang quân hàm xanh tại Đồn Biên phòng Yên Khương đã thể hiện vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của xã Yên Khương, phát huy phẩm chất tốt đẹp về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ luôn đặt nhân dân, tổ quốc lên trên. Trong cuộc sống bình yên của người dân, hình ảnh những chiến sỹ BĐBP đã gắn bó máu thịt với nhân dân nơi đây. Mối quan hệ tình quân dân ngày càng khăng khít. Đó là sự bài học quý báu đã được hun đúc qua thử thách và thời gian. Sự hiện diện của những người lính mang quân hàm xanh trở nên thân thuộc và gần gũi với nhân dân, đồng bào Yên Khương nói chung và bản Tứ Chiềng nói riêng.
Mô hình “Bản sáng vùng biên” thúc đẩy sự gắn kết, đoàn kết tình quân dân. Trong quá trình thực hiện các nội dung trong mô hình càng làm sâu đậm thêm sự tương tác giữa BĐBP và nhân dân. Qua đó càng làm mối quan hệ tình quân dân thêm bền vững. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, lãnh đạo và chiến sỹ Đồn Biên phòng Yên Khương luôn thấm nhuần tư tưởng đó. Vì vậy trong hoạt động luôn lấy người dân làm trọng tâm, xem nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc là thiêng liêng.
Quá trình thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên” tại bản Tứ Chiềng (xã Yên Khương) được nhiều các cơ quan, đoàn thể của tỉnh Thanh Hóa quan tâm và ủng hộ. Đó là động lực để Đồn Biên phòng Yên Khương và nhân dân tiếp tục phát huy sự đoàn kết trong mối quan hệ tình quân dân khăng khít cũng như tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình “Bản sáng vùng biên”.