Tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng: Khơi dậy năng lực nội sinh

Đề án 06-ĐA/TU ngày 31/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh giống như 'đòn bẩy', thúc đẩy cả hệ thống chính trị tham gia đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng.

Bài 1: Chưa phát huy hết giá trị truyền thốngBài cuối: Xây dựng thế hệ trẻ Tuyên Quang giàu lý tưởng cách mạng

Xây dựng thế hệ trẻ giàu lý tưởng cách mạng

Việc ứng dụng công nghệ số để truyền tải những giá trị truyền thống một cách sinh động, hấp dẫn với giới trẻ là việc làm cấp thiết, là cách hữu hiệu nhất để kết nối lịch sử với hiện tại trong thời đại số. Giới trẻ hiện đang là lực lượng “nòng cốt” để tiếp nối và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt là những giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng, bởi khả năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông minh nhanh nhạy của họ.

Đoàn phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) trưng bày các hình ảnh về hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên thanh niên.

Đoàn phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) trưng bày các hình ảnh về hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên thanh niên.

Bí thư Tỉnh đoàn Dương Minh Nguyệt cho biết: Thực hiện Đề án 06-ĐA/TU ngày 31/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, tích cực ứng dụng công nghệ số để tuyên truyền, giúp truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng của dân tộc trở nên gần gũi hơn với học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên, đội viên, nhi đồng.

Tỉnh đoàn đã tổ chức Cuộc thi sáng tạo video “Check - in Tuyên Quang”, với chủ đề “Tìm hiểu về văn hóa lịch sử tỉnh Tuyên Quang”, thu hút 60 tác giả/nhóm tác giả dự thi, với 65 tác phẩm; thực hiện số hóa 52 điểm di tích lịch sử, văn hóa phục vụ công tác tuyên truyền, giới thiệu, cung cấp thông tin về các điểm du lịch lịch sử, văn hóa của tỉnh với du khách; xây dựng được một số video clip tuyên truyền các tư liệu, bài học lịch sử... đăng tải trên Trang tin điện tử và Fanpage của Tỉnh đoàn. Lần đầu tiên, Tỉnh đoàn tổ chức Cuộc thi tương tác trực tuyến “Tuyên Quang trong tôi”, trong đó, có nội dung thi trả lời câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến về truyền thống văn hóa, lịch sử của tỉnh...

Sau gần 3 năm thực hiện Đề án 06-ĐA/TU, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương trong tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, phù hợp, có nhiều chuyển biến rõ nét.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2006 - 2020; biên soạn tài liệu tuyên truyền về hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu trong thời gian tại Tuyên Quang; biên soạn, phát hành 7.200 cuốn tài liệu hỏi - đáp về lịch sử Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 1940 - 1975 và giai đoạn 1976 - 2005; 1.100 cuốn tài liệu nhóm kiến thức lịch sử Đảng bộ tỉnh, thuộc Chương trình bồi dưỡng chuyên đề lịch sử Đảng giảng dạy tại các trung tâm chính trị trên địa bàn tỉnh...

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã triển khai hiệu quả các nội dung tích hợp, lồng ghép giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến trong các môn Lịch sử, Ngữ văn, Địa lý, các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp... Những năm gần đây, tỉnh ta liên tục có học sinh THPT đạt giải cao tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi Lịch sử Quốc gia. Riêng năm học 2023 - 2024, 100% thí sinh dự thi đều đạt giải, trong đó có 6 giải Nhì, 2 giải Ba, 2 giải Khuyến khích. Điểm trung bình thi tốt nghiệp môn Lịch sử của tỉnh ta đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố.

Chị Trần Quỳnh Chi, giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Chuyên Tuyên Quang chia sẻ chị đã đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh như: hướng dẫn các em lập sơ đồ tư duy, bảng niên biểu để các em dễ nhớ các mốc thời gian lịch sử; lồng ghép các câu chuyện đời thường, câu chuyện liên quan đến cuộc sống hàng ngày để học trò dễ hiểu, dễ hình dung. Chị tổ chức những tiết học phân vai để chính các em trở thành những nhân vật lịch sử cùng tranh biện một vấn đề, từ đó khơi dậy khả năng tư duy, nhận định của các em về sự kiện đó. Ngoài ra, trong mỗi tiết học, chị còn truyền tải kiến thức lịch sử thông qua các video, hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ... giúp học sinh nhớ lâu, hiểu sâu hơn về cội nguồn dân tộc.

Động lực phát triển

Những năm qua, Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ tại di tích lịch sử, văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, nhất là tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng quan tâm đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh để đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo, hấp dẫn để thu hút du khách, tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu để thu hút du khách; triển khai nhiều hoạt động nhằm xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành trung tâm giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng gắn với khai thác, phát triển du lịch...

Đồng chí Dương Văn Hòa, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy Sơn Dương cho biết: Huyện tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch; phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên tu bổ, tôn tạo các cụm, điểm di tích lịch sử trọng điểm; thu hút các doanh nghiệp triển khai thực hiện một số dự án phát triển du lịch trên địa bàn như: Dự án Làng Văn hóa du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào do Tập đoàn Flamingo thực hiện; Dự án ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360 quảng bá hình ảnh Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào... Huyện đã mời gọi, phối hợp, tạo điều kiện cho một số tổ chức nước ngoài tài trợ gần 14 tỷ đồng để thực hiện các dự án phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị lữ hành xây dựng, phát triển các tuyến, tua du lịch liên huyện, liên tỉnh. Riêng năm 2024, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã đón hơn 900 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Trong đó, các chi, đảng bộ cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện và cơ sở huyện Sơn Dương đã tổ chức trên 100 cuộc hành trình về nguồn, kết nạp Đảng, trao Huy hiệu Đảng, Đoàn, Đội tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Để thực hiện hiệu quả Đề án 06 trong thời gian tiếp theo, đồng chí Đỗ Hồng Thanh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: Bên cạnh việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thì việc đổi mới hình thức, phương pháp, cách thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng là điều kiện cần thiết. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Công tác giáo dục tri thức lịch sử Đảng thông qua nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử trong các trường học cần được coi trọng hơn nữa... Thông qua đó, nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người dân Tuyên Quang về truyền thống quê hương cách mạng, Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, tỉnh Anh hùng.

Bài, ảnh: Thu Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tuyen-truyen-giao-duc-truyen-thong-cach-mang-khoi-day-nang-luc-noi-sinh-204809.html
Zalo