Linh hoạt trong giáo dục địa phương

Hiện nay, hầu hết các địa phương, trong đó có Hà Nội đang vướng ở khâu phát hành tài liệu Giáo dục địa phương một cách chính thống theo quy định của pháp luật, để trong thư viện và trong các tiết học, học sinh có thể tương tác trực tiếp. Đài Hà Nội đã có cuộc trao đổi với ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này.

Phóng viên: Thời gian qua, các nhà trường đã triển khai giảng dạy môn Giáo dục địa phương theo lộ trình đổi mới chương trình. Ông đánh giá kết quả triển khai ở Hà Nội như thế nào?

Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo: Trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi đánh giá rất cao các nghiệp vụ được UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định, phê duyệt tài liệu khá kịp thời. Chất lượng của tài liệu thì phong phú và có cấu trúc chặt chẽ, dễ thực hiện. Các nhà trường được tập huấn và giáo viên chủ động hơn trong quá trình tổ chức dạy học và dần dần đưa nội dung giáo dục địa phương trở thành một nội dung giúp cho các em thêm yêu quê hương, yêu chính mảnh đất của mình, để từ đó các em có thêm tình yêu đất nước".

Phóng viên: Qua tìm hiểu của phóng viên, dù có tích cực, linh hoạt trong giảng dạy môn học này, nhưng nhiều giáo viên vẫn gặp khó vì thiếu tài liệu. Ông nhìn nhận những vướng mắc, hạn chế này ra sao?

Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thẩm quyền của địa phương là xác định nội dung và mảng kiến thức để đưa vào. Đối với giáo dục tiểu học có nhiệm vụ tích hợp trong các môn học, tìm cơ hội tùy vào mạch kiến thức yêu cầu cần đạt của từng môn học, đưa nội dung giáo dục địa phương vào để các học sinh được trải nghiệm chính văn hóa, nét đẹp của địa phương mình, từ đó thêm yêu chính nơi mình sinh ra và lớn lên. Đối với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo viên có nhiệm vụ cung cấp cho các em thế mạnh về địa phương, về kinh tế - xã hội, từ đó giúp các em có định hướng nghề nghiệp ngay chính trên quê hương của mình.

Hiện nay, nhiều nhà trường cố gắng vượt qua khó khăn ban đầu và đưa giáo dục địa phương phát huy hiệu quả. Qua hội thi cấp trường, cấp sở và các hoạt động giáo dục chuyên môn, chúng tôi thấy các giáo viên đã bắt đầu đưa nội dung giáo dục địa phương như một phần môn học của mình. Chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, đặc biệt là Hà Nội sẽ làm tốt việc này.

Phóng viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn, chỉ đạo, phương án như thế nào cho môn Giáo dục địa phương trong thời gian tới?

Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo: Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, liệt kê các khung pháp lý, căn cứ pháp lý để các địa phương vận dụng, dựa vào tình hình thực tế để triển khai thực hiện khâu phát hành. Đây là việc cần địa phương phải tăng cường thực hiện tốt trong thời gian tới. Trong phân công kế hoạch giáo dục của nhà trường, chúng ta phải chọn ra nhóm giáo viên môn gần để tập huấn kỹ càng trước. Sau đó, chúng ta lan tỏa sang đội ngũ của mình, tránh trường hợp phân công một giáo viên có chuyên môn xa quá, tạo nên áp lực cho giáo viên. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian tới sẽ tăng cường khảo sát, kiểm tra các địa phương để thúc đẩy, tăng cường khâu quản lý, đặc biệt khâu phát hành tài liệu giáo dục; đồng thời tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực giáo viên để làm tốt hơn công tác giáo dục địa phương.

Liên quan đến vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, Bộ và các sở cần có những định hướng phù hợp cho môn Giáo dục địa phương nhằm phát huy hiệu quả cho môn học mà không gây ra xáo trộn khi phân công giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu thực hiện chương trình học. Bộ cũng nên có chủ trương ban hành cho các sở triển khai tập huấn, bồi dưỡng nội dung Giáo dục cho địa phương và phân công một giáo viên giảng dạy môn học này.

Phan Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/linh-hoat-trong-giao-duc-dia-phuong-298370.htm
Zalo