Tuyển sinh vào lớp 6: Cấm thi nhưng được 'kiểm tra năng lực'

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành thông tư mới, yêu cầu từ năm học 2025 - 2026 tuyển sinh THCS chỉ được thực hiện theo phương thức xét tuyển, cấm tổ chức các kỳ thi. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT lại giải thích rằng, các sở GD-ĐT phải xây dựng bộ tiêu chí, áp dụng cho tất cả trường để đánh giá trực tiếp học sinh theo nhiều hình thức như hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, xem xét hồ sơ học tập, hoặc kiểm tra, đánh giá năng lực...

Tuyển sinh lớp 6 chỉ thực hiện qua xét tuyển

Ngày 08/01, Bộ GD-ĐT công bố Thông tư số 30/TT-BGDĐT về ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh trung học phổ thông (THPT), áp dụng từ năm 2025. Trong đó, Điều 4, Chương II của Thông tư quy định: "Tuyển sinh THCS được thực hiện theo phương thức xét tuyển". Tiêu chí xét tuyển do Sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Thông tư lưu ý: Đối với trường THCS thuộc đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, tiêu chí xét tuyển do đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lý hướng dẫn hoặc thực hiện theo hướng dẫn của sở GD-ĐT nơi trường đặt trụ sở. Quy chế này có hiệu lực từ ngày 14/02/2025. Như vậy, từ năm 2025 sẽ không còn phương thức thi tuyển vào lớp 6.

Quy chế mới về tuyển sinh THCS làm nhiều phụ huynh muốn con em mình thi tuyển vào các trường THCS chất lượng cao lo lắng. Theo quy chế cũ, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường xét tuyển vào lớp 6, nhưng với trường có số học sinh (HS) đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu có thể xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Tuy nhiên, nội dung này không được đề cập trong quy chế mới.

Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 của Trường Trung học cơ sở Huỳnh Văn Nghệ (quận Bình Tân, TPHCM)

Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 của Trường Trung học cơ sở Huỳnh Văn Nghệ (quận Bình Tân, TPHCM)

Những năm qua, trên cả nước Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu xét tuyển mà không phải thi vào lớp 6 nhưng cho phép các địa phương có trường mô hình chất lượng cao hay tiên tiến, hội nhập quốc tế được phép thi tuyển kết hợp xét học bạ.

Trên thực tế, tại Hà Nội hay TPHCM có một số trường THCS có tỷ lệ chọi lên tới 1/20 để vào lớp 6, gấp nhiều lần mức cạnh tranh vào lớp 10, thậm chí thi đại học. Nhiều chuyên gia cho rằng việc tổ chức thi lớp 6 tạo áp lực với HS, vì các em còn nhỏ, nhưng các nhà trường nói đây là cách công bằng vì chỉ tiêu có hạn. Ví dụ Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa ở TPHCM mỗi năm tuyển hơn 500 HS lớp 6 từ gần 5.000 hồ sơ ứng tuyển qua một cuộc thi gọi là bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh. Bài thi gồm cả tự luận và trắc nghiệm, kiểm tra kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thường thức đời sống cũng như khả năng tiếng Anh, Toán, năng lực đọc - hiểu - làm văn của HS.

Thực tế, từ năm 2014, Bộ GD-ĐT quy định tuyển sinh THCS phải thực hiện theo hình thức xét tuyển. Quy định này bảo đảm việc tuyển sinh thuận lợi, thiết thực đối với cấp học cần huy động 100% HS đến trường, bảo đảm mục tiêu phổ cập giáo dục đến hết bậc THCS. Đến năm 2018, trước thực tế một số trường THCS có uy tín, được rất đông HS đăng ký vào học, việc xét tuyển theo tiêu chí chung chưa đáp ứng được, Bộ GD-ĐT lại cho phép các trường này có thể kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực HS.

Bộ GD-ĐT cho "kiểm tra, đánh giá năng lực"

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), khi đó Bộ GD-ĐT đã nêu rõ việc kiểm tra, đánh giá năng lực khác với một kỳ thi. Cụ thể, khi xét tuyển vào một trường THCS, nếu số lượng HS đáp ứng yêu cầu của tiêu chí chung mà vẫn vượt chỉ tiêu, nhà trường được kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực để bổ sung tiêu chí xét tuyển. "Điều này không có nghĩa là tổ chức cả kỳ thi với nhiều môn thi đối với 100% HS đăng ký vào trường. Tuy nhiên, thực tế có một số trường đã tuyển sinh như một kỳ thi, với tất cả HS. Vai trò của "xét tuyển" trong phương thức kết hợp chưa được thực hiện thỏa đáng", ông Thành cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT)

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT)

Ông Thành giải thích thêm: Thông tư 30 quy định phương thức tuyển sinh THCS là xét tuyển. Các Sở GD-ĐT phải xây dựng bộ tiêu chí, áp dụng cho tất cả trường; đồng thời có hướng dẫn tiêu chí riêng đối với các trường có đông thí sinh đăng ký và đạt yêu cầu chung hơn chỉ tiêu. "Tiêu chí riêng không chỉ là các yêu cầu trong hồ sơ xét tuyển mà còn cần đánh giá trực tiếp HS theo nhiều hình thức như: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, xem xét hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của HS, hoặc kiểm tra, đánh giá năng lực. Thực tế các hình thức này đã được quy định trong quy chế đánh giá học sinh của Bộ GD-ĐT" - ông Thành lý giải.

Giải thích như ông Vụ trưởng Giáo dục Trung học thì việc đánh giá trực tiếp HS bằng cách thức nêu trên, kể cả phương thức "kiểm tra đánh giá năng lực" đâu có khác gì một cuộc thi, bởi không có giới hạn của sự khác biệt, mà bấy lâu nay một số trường THCS có đông HS dự tuyển vào lớp 6 đã làm. Chỉ khác biệt là tập trung HS thi, kiểm tra một lần và chấm điểm và cách như Bộ GD-ĐT nêu là kiểm tra từng em HS. Nếu kiểm tra như vậy, một trường THCS có hàng ngàn HS đăng ký dự tuyển, thì làm sao thực hiện được?

Đó là chưa kể cuộc chạy đua thành tích của phụ huynh, để "làm đẹp" học bạ cấp 1, đặc biệt là học bạ lớp 5 và chúng ta sẽ có một lớp "thần đồng" mới mà tất cả các môn xét tuyển đều đạt 10 điểm! Từ năm 1996, Bộ GD-ĐT chủ trương không tổ chức lớp chuyên ở hệ tiểu học và THCS nhưng một số địa phương vẫn tồn tại trường chuyên ở bậc THCS nhưng cũng bị xóa bỏ sau đó. Chủ trương này là đúng theo Luật Giáo dục năm 2019.

Thời gian gần đây, nhiều tỉnh mở trường trọng điểm, tiên tiến, hội nhập quốc tế, chất lượng cao. Các trường được đầu tư về giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số thấp hơn chuẩn; được tổ chức thi tuyển thay vì xét theo địa bàn cư trú như thông thường, trên tinh thần tự nguyện. Như Hà Nội hiện có 6 trường theo mô hình này, là hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams2), Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Lê Lợi, Thanh Xuân, Chu Văn An. Học phí từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi tháng. TPHCM có hệ THCS của trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Ngoài ra, từ năm 2015, TPHCM triển khai chương trình chất lượng cao "tiên tiến, hội nhập quốc tế", đến nay bậc THCS có 12 trường theo mô hình này, học phí khoảng 1,7 triệu đồng mỗi tháng. Các tỉnh thành khác như Nghệ An, Bắc Giang... đều có trường THCS trọng điểm, cho phép được tuyển thêm HS dự tuyển mà không phân tuyến.

Thí sinh dự khảo sát vào lớp 6 Trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa (tháng 7/2024)

Thí sinh dự khảo sát vào lớp 6 Trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa (tháng 7/2024)

Hình thức trường chất lượng cao như vậy rất được phụ huynh tin tưởng, học phí cũng không cao lắm, nên phụ huynh tranh nhau đưa con em mình vào học các trường này. Cuộc chạy đua này buộc các em HS lớp 5 hay ngay từ lớp 1 đã phải học thêm, thậm chí "luyện thi" để cố gắng giành một suất vào trường chất lượng cao. Chính các trường loại này mới khó khăn khi xét tuyển (hay "kiểm tra đánh giá năng lực") còn trên cả nước vào lớp 6 đều xét tuyển theo tuyến.

TPHCM vẫn khảo sát để tuyển sinh lớp 6

Vậy các địa phương có trường THCS chất lượng cao ứng phó như thế nào với quy định mới của Bộ GD-ĐT?

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, Bộ GD-ĐT cho phép Sở GD-ĐT quyết định về tiêu chí xét tuyển vào lớp 6. Như vậy, việc xét tuyển có thể thực hiện dựa trên điểm kiểm tra của HS ở bậc tiểu học hoặc điểm bài khảo sát. Đối với trường hợp số HS dự tuyển cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh như Trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa và một số trường khác thì Sở GD-ĐT TPHCM sẽ có đề xuất với UBND TPHCM xin phép khảo sát để tuyển sinh lớp 6.

Thực tế niên khóa 2024 - 2025, TPHCM đã có 6 trường THCS tổ chức khảo sát để tuyển sinh lớp 6, gồm Trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa (Quận 1); Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn); Trường THCS Hoa Lư, Trường THCS Bình Thọ và Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP.Thủ Đức); Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7).

Thông tư số 30 của Bộ GD-ĐT là đúng đắn, xét trên toàn cục việc xét tuyển vào lớp 6 là hợp lý vì nước ta đang phổ cập đến hết bậc THCS. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để mọi HS có thể học ít nhất đến hết bậc THCS.

Trên phương diện khoa học giáo dục, xét tuyển vào lớp 6 cũng tạo công bằng trong giáo dục, để mọi công dân đều có thể hưởng chế độ giáo dục của Nhà nước. Các loại trường trọng điểm, tiên tiến, hội nhập quốc tế, chất lượng cao nên dành cho hệ thống trường tư thục như nhiều quốc gia đã và đang làm, chứ không phải thực hiện trong trường công. Thực tế ở các quốc gia tiên tiến, các trường tư luôn luôn có chất lượng rất cao và học phí cũng rất cao, đáp ứng được yêu cầu của những gia đình có khả năng chi trả.

VĨNH HY

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/giao-duc-huong-nghiep/cam-thi-nhung-duoc-kiem-tra-nang-luc_172769.html
Zalo