Học tập suốt đời: Cần khung chính sách cụ thể

Chính phủ Việt Nam coi học tập suốt đời là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục.

Sinh viên Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam. Ảnh: NTCC

Song, để đạt được mục tiêu này và học tập suốt đời thực sự phát triển hiệu quả, nhân rộng trên mọi phương diện, thì cần có khung chính sách cụ thể.

Nền giáo dục đại chúng

PGS.TS Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng, mô hình học tập suốt đời được thể hiện là nền giáo dục đại chúng, xã hội học tập, toàn diện và tích hợp, một xã hội mà trong đó tất cả yêu cầu học tập của người dân, ở mọi nơi, mọi lúc đều được đáp ứng.

Thứ nhất, tạo điều kiện đảm bảo cho mọi người có thể tiếp cận với môi trường giáo dục chất lượng. Ai cũng có quyền được học, cung cấp cơ sở hạ tầng giáo dục, giáo viên chất lượng và tài liệu học tập phù hợp.

Thứ hai, tạo ra một môi trường học tập tích cực và vui vẻ để khuyến khích sự tham gia và tìm hiểu của người học. Thiết kế các hoạt động và bài học thú vị, gần gũi với thực tế để người học tự học.

Thứ ba, khuyến khích thúc đẩy phát triển các kỹ năng tự học và tư duy sáng tạo của người học. Đưa ra các yêu cầu và bài tập kích thích tư duy phản biện, khám phá và đưa ra giải pháp sáng tạo.

Thứ tư, tạo cơ hội tiếp xúc với công nghệ và khoa học mới, hiện đại và cung cấp các thiết bị công nghệ, nguồn tài liệu học tập mở để tạo thuận lợi cho việc học.

Thứ năm, phát triển hệ thống giáo dục mở và toàn diện, bao gồm các kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành, phát triển kỹ năng và phát triển nhân cách. Ngoài ra, cần kết nối giữa người dạy, người học và cộng đồng, tạo ra môi trường học tập mở, linh hoạt và gắn kết.

Trong các quan điểm về phát triển mô hình học tập suốt đời, PGS.TS Nguyễn Mai Hương nhận thấy, phát triển tài nguyên giáo dục mở là một trong các yếu tố then chốt nhằm tạo ra nguồn tài liệu học tập đa dạng cho người học, cộng đồng. Đồng thời, thúc đẩy liên kết với các nguồn tài nguyên mở quốc tế trong xã hội học tập với bối cảnh chuyển đổi số, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Các tài liệu học tập mở trao quyền cho cá nhân tiếp cận giáo dục, tùy chỉnh trải nghiệm học tập của mình, tham gia vào việc học tập suốt đời và thúc đẩy sự hợp tác, đổi mới trong giáo dục.

Chính phủ cần xây dựng chính sách, đảm bảo huy động tối đa nguồn lực xã hội, khuyến khích sự tham gia tích cực của giới tri thức và cộng đồng xã hội, tham gia có trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, hệ thống giáo dục mở để xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở với sự quản lý, điều phối của Nhà nước. Qua đó, bảo đảm tính pháp lý, lợi ích chung và chất lượng giáo dục.

 Cô - trò Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Cô - trò Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Cần thiết xây dựng Luật Học tập suốt đời

Theo PGS.TS Tô Bá Trượng - Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục, học tập suốt đời nhấn mạnh đến quá trình học tập liên tục của mỗi cá nhân, không giới hạn trong khuôn khổ hệ thống giáo dục chính quy. Nó bao gồm tất cả hình thức học tập, từ chính quy, không chính quy, phi chính quy đến tự học.

Học tập suốt đời thường mang tính linh hoạt, không chỉ gói gọn trong việc giảng dạy hay giáo dục, mà còn bao gồm cả việc tự học, tự tiếp thu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thông qua nhiều hình thức, hoạt động khác nhau. Nó còn khuyến khích người dân chủ động trong việc học tập, tìm kiếm kiến thức và phát triển bản thân.

“Giáo dục là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của mọi xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, khái niệm học tập suốt đời ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ cùng những thay đổi không ngừng trong xã hội đã đặt ra yêu cầu mới về học tập và nâng cao trình độ cho mọi tầng lớp nhân dân”, PGS.TS Tô Bá Trượng nhìn nhận.

Tại Việt Nam, với mục tiêu xây dựng nền giáo dục mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, PGS.TS Tô Bá Trượng cho rằng, nghiên cứu và xây dựng Luật Học tập suốt đời không chỉ là yêu cầu cấp thiết, mà còn là xu hướng phù hợp với sự phát triển chung của thế giới.

Luật này sẽ tạo ra khung pháp lý vững chắc, hỗ trợ mọi người dân có cơ hội tiếp cận học tập không ngừng, từ học sinh, sinh viên đến người lớn tuổi, từ thành thị đến nông thôn. Bên cạnh đó, luật sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện của nguồn nhân lực, giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với những thách thức trong thời đại mới; đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ về sự cần thiết xây dựng Luật Học tập suốt đời ở Việt Nam, PGS.TS Tô Bá Trượng phân tích: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0, học tập suốt đời giúp nâng cao kỹ năng và kiến thức của người lao động. Người lao động học tập, đào tạo liên tục, cập nhật được kiến thức, kỹ năng mới để có thể thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động và công nghệ.

Đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của các đối tượng khác nhau như: Trẻ em, người lớn, những người có hoàn cảnh đặc biệt, người già, người khuyết tật... Nghĩa là, mọi người dân đều có nhu cầu học tập, được học và học tốt, không chỉ trong môi trường giáo dục chính quy, mà cả các hoạt động học tập không chính quy và tự học. Luật Học tập suốt đời có thể tạo ra khung pháp lý để hỗ trợ và khuyến khích các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người.

Luật Học tập suốt đời có thể khắc phục bất cập trong hệ thống giáo dục hiện tại. Hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện còn những hạn chế. Chẳng hạn: Chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của người trưởng thành hay đã rời trường học.

Những người lớn tuổi không có điều kiện học tập theo cấp lớp; không có cơ chế cho họ học tập, không có cơ sở vật chất môi trường học tập, không có giáo viên, hướng dẫn viên, không có tài liệu phương tiện học tập. Luật Học tập suốt đời có thể giúp giải quyết những bất cập này bằng cách cung cấp cơ chế và chính sách hỗ trợ học tập cho mọi đối tượng trong xã hội.

Một bộ luật rõ ràng sẽ đảm bảo rằng mọi người, bất kể độ tuổi, giới tính hay hoàn cảnh, đều có quyền tiếp cận và hưởng lợi từ các cơ hội học tập suốt đời. Từ đó góp phần vào việc phát triển xã hội công bằng và bền vững.

Học tập suốt đời không chỉ giúp cá nhân phát triển mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những công dân có tri thức và kỹ năng cao sẽ nâng cao giá trị trong các sản phẩm mà mình tạo ra, góp phần làm cho kinh tế ngày càng thịnh vượng, xã hội ổn định.

“Việc sớm có Luật Học tập suốt đời hay Luật Giáo dục suốt đời sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để thúc đẩy các hoạt động học tập suốt đời, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng tốt hơn những thách thức của thời đại mới”, PGS.TS Tô Bá Trượng nhấn mạnh.

 Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Chiến lược phát triển giáo dục

Chính phủ Việt Nam coi học tập suốt đời là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục. Luật sư Nguyễn Kim Dung - Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam nhận thấy, để đạt mục tiêu đó, nhiều chương trình và hoạt động được triển khai nhằm thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trong cộng đồng. Song, để học tập suốt đời thực sự phát triển hiệu quả và nhân rộng trên mọi phương diện của cộng đồng xã hội, cần có khung chính sách cụ thể, rộng hơn là Luật Học tập suốt đời.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quốc gia nào có nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là lợi thế để cạnh tranh. Học tập suốt đời là chìa khóa để nâng cao trình độ và kỹ năng của người lao động.

Tuy nhiên, để khắc phục những khó khăn trong việc triển khai các chương trình học tập suốt đời tại Việt Nam, luật sư Nguyễn Kim Dung cho rằng, cần có những thay đổi mạnh mẽ và toàn diện, từ việc thiết lập một khung chính sách rõ ràng, tăng cường giám sát và đánh giá, đến nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của học tập suốt đời.

Từ chính sách về học tập suốt đời của các quốc gia và thực tiễn thực hiện, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam gợi mở những bài học cơ bản cho Việt Nam để xây dựng Luật Học tập suốt đời, phù hợp với điều kiện và môi trường của xã hội Việt Nam.

Thứ nhất, Luật Học tập suốt đời cần quy định việc thiết lập hệ thống và cơ sở hạ tầng nhằm mục tiêu có nền giáo dục toàn diện, hiện đại, bao gồm: Thành lập các cơ sở đào tạo, trung tâm học tập cộng đồng ở cả cấp quốc gia và địa phương do Nhà nước đầu tư, cũng như cho phép tư nhân thành lập các trung tâm học tập suốt đời bằng thủ tục và điều kiện đơn giản để khuyến khích.

Việc xây dựng và duy trì hệ thống này đòi hỏi các khung pháp lý rõ ràng, mạch lạc cùng chính sách đầu tư mạnh mẽ và phù hợp. Cần xây dựng các trung tâm học tập suốt đời không chỉ là nơi cung cấp khóa học, chương trình đào tạo, mà còn là điểm kết nối các dịch vụ hỗ trợ người học như tư vấn nghề nghiệp, hướng dẫn học tập và các hoạt động phát triển kỹ năng khác. Hạ tầng công nghệ thông tin cũng cần phát triển để hỗ trợ các chương trình học tập trực tuyến, giúp người học tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt và thuận tiện hơn.

Thứ hai, chính sách hỗ trợ tài chính. Luật cũng cần đưa ra các quy định về việc hỗ trợ tài chính cho các chương trình học tập suốt đời để khuyến khích mọi người dân tham gia. Những hỗ trợ tài chính phù hợp và chính sách khuyến khích hiệu quả bao gồm việc cung cấp học bổng, trợ cấp học phí, các khoản vay ưu đãi dành cho những người muốn theo đuổi các chương trình đào tạo.

Đồng thời, triển khai biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức xã hội đầu tư vào chương trình đào tạo liên tục cho nhân viên của họ. Hỗ trợ tài chính không chỉ giúp người học vượt qua rào cản kinh tế mà còn thể hiện cam kết của quốc gia trong việc xây dựng một xã hội học tập.

Thứ ba, cần quy định các chính sách thuế ưu đãi hoặc các khoản tài trợ từ Chính phủ để thu hút khu vực tư nhân đóng góp nhiều hơn vào việc phát triển nguồn nhân lực thông qua việc cung cấp dịch vụ học tập suốt đời.

Thứ tư, chính sách về chương trình đào tạo. Cần cho phép và định hướng việc phát triển các chương trình học tập linh hoạt, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người học, bao gồm khóa học ngắn hạn, dài hạn, chương trình đào tạo kỹ năng và giáo dục nghề nghiệp. Nội dung học tập không chỉ tập trung vào kiến thức cơ bản, mà còn bao gồm kỹ năng mềm, chuyên môn và kiến thức về công nghệ mới, được thiết kế linh hoạt, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người học ở mọi độ tuổi và trình độ.

Các chương trình này cần bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kiến thức cơ bản đến kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Qua đó, giúp người học không chỉ phát triển cá nhân, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động.

Phát triển nội dung học tập cần được thực hiện thường xuyên, cập nhật với những thay đổi của xã hội và công nghệ, để đảm bảo người học có thể tiếp cận kiến thức và kỹ năng mới nhất. Các chương trình học tập cũng phù hợp với điều kiện và khả năng của người học, cho phép họ lựa chọn các khóa học theo nhu cầu cá nhân và khả năng tài chính.

Theo luật sư Nguyễn Kim Dung, sự tiến bộ của công nghệ đang thay đổi cách con người làm việc và sống. Luật Học tập suốt đời sẽ giúp người lao động liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng để không bị tụt hậu. Nhiều ngành nghề truyền thống đang dần bị thay thế, trong khi các ngành nghề mới xuất hiện. Học tập suốt đời giúp người lao động chuyển đổi nghề nghiệp một cách linh hoạt.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-tap-suot-doi-can-khung-chinh-sach-cu-the-post715540.html
Zalo