Tuyển sinh nghề du lịch: Cần hướng nghiệp và phân luồng hiệu quả

Việc hướng nghiệp, phân luồng giáo dục nghề nghiệp sớm cho ngành du lịch không chỉ giúp các học sinh sớm lựa chọn được con đường phù hợp để theo đuổi, mà còn đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực.

 Học sinh trải nghiệm các ngành nghề du lịch tại ngày hội hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh ở Trường Cao đẳng Du lịch Huế

Học sinh trải nghiệm các ngành nghề du lịch tại ngày hội hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh ở Trường Cao đẳng Du lịch Huế

Nảy sinh nhiều vấn đề

Chủ trương phân luồng học sinh sau THCS được đặt ra từ nhiều năm trước. Ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.

Tại hội nghị hướng nghiệp, phân luồng và tuyển sinh năm 2025 diễn ra ở Trường Cao đẳng Du lịch Huế giữa tháng 2/2025, đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Huế cho biết, trong năm 2024, tỷ lệ phân luồng tại địa phương đạt khoảng 20%. Trung bình mỗi năm có khoảng 16.000 học sinh tốt nghiệp THCS, có hơn 13.000 học sinh đỗ vào các trường THPT; khoảng 18 - 20% học sinh chọn học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; số còn lại đi theo con đường khác, trong đó có xuất khẩu lao động.

Thực tế, không phải học sinh, phụ huynh nào cũng hiểu đúng và lựa chọn phù hợp. Mặt khác, việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS cũng còn gặp nhiều hạn chế. Việc hướng nghiệp gần như chỉ thực hiện nội dung tư vấn tuyển sinh. Trong các buổi hướng nghiệp, việc trao đổi giữa học sinh và các chuyên gia tư vấn chỉ xoay quanh vấn đề chọn khối nào, trường nào; các hoạt động hướng nghiệp chưa đa dạng. Về phía gia đình, ai cũng mong muốn con mình sẽ có nghề nghiệp tốt, nhưng do nhiều yếu tố, việc hướng nghiệp cũng theo xu hướng, trào lưu, nặng hình thức.

Mong muốn của nhiều gia đình là cho con học đại học. Đó là mong muốn rất tốt, nhưng thực tiễn không phải học sinh nào cũng có đủ năng lực để học lên. Nhiều trường hợp không đam mê, chấp nhận lựa chọn theo gia đình thi vào đại học nhưng lại bỏ học giữa chừng vì quá trình học thấy không phù hợp.

Việc phân luồng còn hạn chế sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Theo ThS. Phạm Bá Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp dưới dạng hình chóp, tuyển dụng quản lý ít nhưng nhu cầu lao động nghề trực tiếp nhiều. Các đơn vị này khi tuyển dụng cần lao động có tay nghề, kiến thức, kỹ năng, thái độ tốt. Trong khi đó, tính chất mỗi bậc đào tạo mỗi khác. Ở bậc đào tạo đại học và sau đại học, thiên về lý thuyết hơn, ở một trình độ cao hơn dẫn đến tình trạng khi doanh nghiệp tuyển dụng lao động nghề, nhiều đơn vị phải đào tạo lại. Điều này không chỉ gây lãng phí cho doanh nghiệp mà còn cho cả người học.

Nâng hiệu quả phân luồng, tuyển sinh

Du lịch - dịch vụ được TP. Huế xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo phân tích của ngành du lịch địa phương, đến năm 2030, du lịch Huế cần hơn 62.800 lao động trong ngành du lịch, gồm hơn 20.900 lao động trực tiếp và gần 41.900 lao động gián tiếp. Vì vậy, cần thu hút và tăng cường đào tạo, bổ sung đội ngũ lao động trong ngành du lịch.

Lâu nay, bài toán nhân lực vừa yếu, vừa thiếu phần nào liên quan đến việc cơ cấu, phân luồng tuyển sinh. Nếu thực hiện tốt việc hướng nghiệp, phân luồng tốt sau THCS sẽ giải quyết được bài toán lao động và thị trường lao động cho ngành du lịch.

Cô giáo Trần Lan Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Cao Vân (TP. Huế) cho rằng, không phải học sinh nào cũng đủ năng lực vào THPT và có những trường hợp đủ năng lực nhưng lại có sở thích, đam mê khác. Hướng cho học sinh theo đúng năng lực, sở thích, đam mê cũng là cách giúp các em phát huy được năng lực, mong muốn của bản thân để đến đích thành công nhanh nhất. Do vậy, trường học cũng cần phối hợp các trường đào tạo nghề để tư vấn, hướng nghiệp một cách đúng đắn, khách quan, nhằm giúp học sinh hiểu đúng, chọn đúng hướng đi cho tương lai.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế Phạm Bá Hùng cho rằng, khi hướng nghiệp, phân luồng học sinh cần chú ý đến 3 yếu tố cơ bản: Đặc điểm của học sinh; hệ thống nghề nghiệp và đòi hỏi của nghề với người lao động; nhu cầu thị trường lao động của địa phương và quốc gia, quốc tế. Nhà trường sẵn sàng kết nối, phối hợp các ngành, đơn vị, trường học để tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng tuyển sinh và đào tạo để đáp ứng được yêu cầu về nhân lực của thị trường lao động.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/tuyen-sinh-nghe-du-lich-can-huong-nghiep-va-phan-luong-hieu-qua-151077.html
Zalo